Triển vọng thị trường lao động trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước tình hình dịch bệnh diễn biến còn căng thẳng, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa hạ mức dự báo về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong năm 2022.
Để phục hồi thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch cần giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan. Ảnh minh họa
Để phục hồi thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch cần giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan. Ảnh minh họa

Theo đó, dự kiến mức thâm hụt thời giờ làm việc toàn cầu trong năm nay so với quý 4 năm 2019 sẽ tương đương với 52 triệu việc làm toàn thời gian. Trước đó, theo dự báo tại thời điểm tháng 5 năm 2021, ước tính mức thâm hụt chỉ tương đương với số giờ làm việc của 26 triệu việc làm toàn thời gian.

Theo báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới – Xu hướng năm 2022 của ILO (Xu hướng WESO), mặc dù số liệu dự báo mới nhất này cho thấy tình hình có cải thiện hơn so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn số giờ làm việc toàn cầu trước đại dịch 2%.

Cũng theo ILO, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì cao hơn mức trước COVID-19 ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính mức thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019. Báo cáo của ILO cũng lưu ý rằng tác động tổng thể đến việc làm lớn hơn đáng kể so với những gì được thể hiện bởi những con số này do nhiều người đã rời khỏi lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Theo dự báo của ILO, số lao động thất nghiệp tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ ở mức khoảng 1,3 triệu người, tăng hơn so với năm 2021 (khoảng 1,2 triệu) và tương đương với mức thất nghiệp của năm 2020. Số lao động thất nghiệp sẽ giảm trong năm 2023 về mức tương đương năm 2021. Mức này vẫn cao hơn so với mức tiền khủng hoảng (1,1 triệu người năm 2019).

Những dự báo về thị trường lao động năm 2022 của ILO cho thấy sự phản ánh tác động mà các biến thể COVID-19 mới như Delta và Omicron gây nên đối với thế giới việc làm cũng như mức độ không chắc chắn đáng kể về diễn biến tương lai của đại dịch.

Từ góc độ của Bộ LĐ-TB&XH, trong bối cảnh lực lượng lao động toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi không ngừng của thế giới việc làm, được đẩy nhanh bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số và Covid-19, thì việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất trong những năm tới là tương lai có thể thấy ở thị trường lao động Việt Nam.

Theo một nghiên cứu mới đây giữa ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH, có tới 94% doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài có định hướng rõ ràng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất trong ba năm tới.

Báo cáo của ILO cho thấy, việc làm của phụ nữ dự kiến sẽ còn tiếp tục chịu tác động nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng trong những năm tới. Trong khi đó, việc đóng cửa các cơ sở giáo dục và đào tạo “sẽ có tác động cộng gộp lâu dài” đối với thanh niên, đặc biệt là những người không được tiếp cận internet.

“Đã hai năm kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát, triển vọng phuc hồi vẫn còn mong manh và con đường phục hồi thì chậm và không chắc chắn. Chúng ta đều nhận thấy những thiệt hại lâu dài có thể xảy ra đối với thị trường lao động, cùng với sự gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng đáng lo ngại”- ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO, nhận định.

Cũng theo ông Guy Ryder thì không thể có sự phục hồi thực sự từ đại dịch này nếu thị trường lao động không được phục hồi trên diện rộng. Để công cuộc phục hồi mang tính bền vững, sự phục hồi này phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc của việc làm thỏa đáng – bao gồm sức khỏe và an toàn, công bằng, an sinh xã hội và đối thoại xã hội.

Với Việt Nam, theo quan điểm của ngành LĐ-TB&XH đó sẽ là những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới.

Đọc thêm