Triết lý sống trong các tác phẩm của nhà văn Phạm Việt Long

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vào tuổi 70, nhà văn Phạm Việt Long vừa ra mắt tập truyện “Phong lan về trời” đậm chất văn chương, chiêm nghiệm khiến cho nhiều người bất ngờ...
Tập truyện “Phong lan về trời” của nhà văn Phạm Việt Long.
Tập truyện “Phong lan về trời” của nhà văn Phạm Việt Long.

Nhà văn Phạm Việt Long năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng sức làm việc của ông không hề thuyên giảm, vừa qua ông cho ra mắt tập truyện “Phong lan về trời” khiến cho nhiều người bất ngờ. Văn chương của ông không hoa mỹ, giản đơn mà ngồn ngộn chất sống, giúp người đọc vừa thưởng lãm, vừa chiêm nghiệm.

Sức sáng tạo đáng nể trọng

Tác giả Phạm Việt Long vốn đã gắn bó hơn nửa đời mình với báo chí. Khi đã ở bên kia con dốc của cuộc đời, ông tìm đến âm nhạc và văn chương để tiếp tục niềm đam mê sáng tạo. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng tác giả Phạm Việt Long vẫn cầm bút với một thái độ nghiêm cẩn, chỉn chu. Ông viết văn để thỏa nỗi lòng được giãi bày, sẻ chia. Thế nhưng, dù viết với mục đích gì, ông vẫn muốn những trang văn của mình mang chất riêng.

Như nhà văn Ma Văn Kháng đã nói, nhà văn Phạm Việt Long có sức sáng tạo đáng nể trọng. Nhiều năm qua, ông vẫn miệt mài với con chữ trong tâm thế của một người luôn nỗ lực làm mới mình. Dù là viết báo, viết nhạc, hay viết văn, tác giả vẫn luôn cố gắng tìm tòi để tránh những lối mòn mà bản thân từng bước qua trong sáng tạo.

Năm 2018, Phạm Việt Long cho ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi Bi Bi và Mặt Đen. Ông khiến độc giả, đặc biệt là những người yêu quý giọng văn thẳng thắn và giản dị của mình suốt bao năm phải ngạc nhiên. Tác giả đã sắm vai rất đạt khi hóa thân thành một đứa trẻ để kể những câu chuyện hồn nhiên về cuộc sống quanh mình. Sau hơn hai năm vắng bóng trên văn đàn, mới đây, nhà văn Phạm Việt Long cho ra mắt tập truyện ngắn Phong lan về trời, tác phẩm là những trang viết mang đậm tính thế sự, thể hiện những suy tư, trăn trở của nhà văn trước đời sống.

16 truyện ngắn trong tác phẩm thể hiện những cái nhìn khác nhau về đời sống. Đó có thể là cái nhìn của một người từng trải, bình thản trước những biến cố của đời sống, như trong các truyện ngắn: Âm bản, Chó săn, cáo và mèo; Lánh nạn phóng sinh, Thỏa hiệp với chuột…

Đôi khi, trong trang viết, nhà văn thể hiện nhiều suy tư, trăn trở về đời sống và giá trị của tinh thần nhân văn, nhân bản trong một xã hội đầy biến động. Ai cũng chỉ có một lần để sống, người ta phải sống sao cho đáng, nói điều ấy thì dễ, nhưng làm được mới thực sự khó. Sự suy tư ấy được thể hiện qua loạt truyện ngắn: Dạ hương, Âm bản, Ngờ vực, Nàng…

Chân dung Nhà văn Phạm Việt Long.

Chân dung Nhà văn Phạm Việt Long.

Thời trai trẻ, nhà văn Phạm Việt Long đã vào sinh ra tử trên chiến trường, ký ức của một người lính đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều truyện ngắn của tác giả như: Người mẹ và con chó nhỏ, Rắn thần, Hơi ấm rừng chò. Những kỷ niệm còn vương mùi thuốc súng dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già.

Vượt qua mưa bom bão đạn nơi chiến trường, người lính năm xưa nghĩ rằng: điều đáng sợ nhất là cái chết, đã vượt mặt cả thần chết thì chẳng còn gì đáng sợ nữa. Nhưng hóa ra không phải như vậy. Có những thứ đáng sợ hơn cái chết. Đó là sự tha hóa, biến chất của con người. Những giá trị tốt đẹp trước kia không còn nữa. Đồng tiền đã làm con người ta tha hóa, biến chất. Bởi vậy, người quen hóa xa lạ. Tình cảm bạn bè, đồng chí trước kia cũng vì thế mà phai mờ.

Người ta cảm thấy chua xót trước hiện thực đau đớn ấy, nhưng không có cách nào để thay đổi điều đó. Cuộc sống đã thay đổi quá nhiều, trong một xã hội mà đồng tiền là thứ được coi trọng hơn cả, thì tình cảm và tình nghĩa dần trở thành thứ yếu. Kỷ niệm của ngày xưa, của những năm tháng gian lao ở chiến trường có lẽ chỉ là thứ còn đọng lại trong ký ức. Với những kẻ vô tình, nó chẳng còn giá trị gì. Sự trăn trở của các nhân vật trong truyện ngắn Hơi ấm rừng chò đã thể hiện rõ điều đó.

Coi trọng triết lý “thuận tự nhiên”

Đọc các truyện ngắn của nhà văn Phạm Việt Long, người đọc có thể nhận ra ông coi trọng triết lý “thuận tự nhiên” trong đời sống. Ba nhân vật trong truyện ngắn Hơi ấm rừng chò đại diện cho những cách sống, cách nghĩ khác nhau trong xã hội. Tác giả có thể phản bác với cách sống, cách nghĩ của nhân vật, nhưng ông để cho những nhân vật của mình được thoải mái thể hiện bản ngã của họ. Phạm Việt Long không tìm cách “đồng hóa”các nhân vật, cho họ hành động theo một mô hình lý tưởng nào đó. Bởi nếu là đời sống, thì đâu có lý tưởng. Nhà văn nếu cứ nhất quyết đuổi theo những “khuôn vàng thước ngọc” của luân lý và đạo đức thì chất đời sống của văn chương sẽ không còn.

Từ thuở bé, con người ta đã luôn được dạy rằng phải biết trên trọng sự thật. Thế nhưng, trước đời sống muôn hình vạn trạng này, chúng ta nhận ra rằng đôi khi bản thân phải thỏa hiệp với những giá trị đạo đức mà lâu nay mình vẫn luôn xem trọng. Tâm sự của ông bà giao trong truyện ngắn Hoa trắng tinh khôi đã thể hiện rõ điều đó.

Trong xã hội kim tiền này, phú quý sinh lễ nghĩa đã là chuyện hiển nhiên. Mỗi dịp lễ lạt, người ta nhận được không biết bao nhiều lời chúc, hoa hay quà tặng. Người ta vui vẻ tay bắt mặt mừng với nhau, nhưng mấy phần là thật, mấy phần là “hư tình giả ý”? Chuyện đó chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu thấu. Nhưng sống trên đời, con người ta vẫn phải tin vào nhân nghĩa, để từ đó gieo vào lòng nhau những điều tốt đẹp.Trong muôn và thứ thật giả lẫn lộn ấy, người ta vẫn khát khao tìm kiếm một chút chân tình.

Đến với truyện ngắn của Phạm Việt Long, người đọc cảm nhận được triết lý nhân - quả được thể hiện rất rõ trong các sáng tác của ông, điển hình như các truyện ngắn: Dạ hương, Ngờ vực, Chó săn, cáo và mèo, Rắn thần… Đời sống vốn vô thường, con người ta luôn mong cầu những điều tốt đẹp.

Thế nhưng, muốn nhận được một kết thúc viên mãn, trước hết hãy năng hành thiện, làm việc tốt. Nếu lòng không hướng thiện, không năng làm việc tốt, đó chính là hành động thiết thực để thể hiện sự thành tâm của con người. Người xưa vẫn thường nói “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”, con người vì hai chữ nhân nghĩa có thể thứ tha cho nhau, nhưng luật nhân quả thì không bỏ qua cho ai hết. Chỉ có điều “báo ứng” đến sớm hay muộn mà thôi.

Nhà văn Phạm Việt Long đã thể hiện sự tỏ tường của số mệnh và nhân quả bằng sự từng trải của một con người đã nếm trải nhiều cung bậc khác nhau của đời sống. Những triết lý sống sâu sắc ấy được ông viết bằng một giọng văn rất nhẹ nhàng, dung dị.

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, chất ngắn gọn, súc tích của báo chí đã ảnh hưởng ít nhiều đến văn chương của Phạm Việt Long. Đọc văn của ông, rất hiếm khi người đọc bắt gặp những câu văn dài, phức tạp. Nhiều truyện ngắn của tác giả cũng có dung lượng vừa phải, với tiết tấu khá nhanh. Với truyện ngắn, Phạm Việt Long chú trọng đến tình tiết chứ không sa đà vào miêu tả. Trong sáng tác của ông, hiếm khi gặp các trường đoạn tả cận, đi sâu vào chi tiết của sự vật.

Thế nhưng, Phạm Việt Long lại là người xây dựng bối cảnh rất sắc nét. Trong văn của ông, người ta thấy rõ cái nhộn nhịp của phố xá, cái âm u của rừng già, nét thanh bình của đồng quê.

Tập truyện ngắn Phong lan về trời một lần nữa cho độc giả thấy rõ bút pháp đa dạng trong sáng tác của nhà văn Phạm Việt Long. Viết lách vốn là hành trình sáng tạo không ngừng. Ở đó, việc khó nhất là người viết phải hiểu được mình và xây dựng được một thế giới sáng tạo riêng, không trùng lặp hay trở thành ảo ảnh của ai khác.

Đọc thêm