Cù nèo (hay còn gọi là cây kèo nèo) là cây trồng phổ biến tại ĐBSCL. Từ lâu loại cây này đã trở thành thức ăn đặc trưng của người dân Nam Bộ. Hình dáng cù nèo giống như cây lục bình, nhưng khác ở điểm: Lục bình thì nổi trên mặt nước, còn kèo nèo, gốc rễ bám dưới bùn đất, cành ngọn vươn lên mặt nước.
Về mùa nước nổi, lục bình theo gió nước trôi dạt bốn phương, còn cù nèo bám đất, nước dâng đến đâu vươn ngọn đến đấy. Cù nèo là loại rau ăn hàng ngày của người dân Nam bộ, từng được xem là thức ăn đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của miền Tây.
Việc trồng cây cù nèo mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân |
Cù nèo là loại rau sạch do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên hiện nay được thị trường hết sức ưa chuộng. Vì thế cù nèo luôn có giá bán ổn định và tiêu thụ dễ dàng. Với nhiều hộ dân tại xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, việc trồng cù nèo đang mang về cho các hộ gia đình thu nhập cao, ổn định.
Ông Phạm Văn Lợi Em, ngụ tại ấp Hòa Thọ, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành (Kiên Giang), chia sẻ:“Gia đình tôi trước đây có 5 công ruộng trồng lúa kém hiệu quả, tôi thấy có vài bụi cù nèo mọc quanh nhà, đến khi nước nổi hột rụng xuống ruộng, tôi vớt về phơi khô và gieo cấy. Biết được cây này như một loại rau có vị thuốc chữa bệnh... Vì thế tôi quyết định trồng cù nèo để bán và thu được một khoản lợi nhuận nhỏ”.
Được một thời gian, ông Phạm Văn Lợi Em bắt đầu nhân giống trồng thử nghiệm loài rau dại này trên một công đất ruộng. Sau vài năm trồng cù nèo, thấy thu nhập ngày càng khá lúc này ông Em bèn nhân rộng ra cả 4 công đất còn lại. Hiện tại, 05 công đất ruộng trồng cù nèo của gia đình ông Lợi Em đem về thu nhập từ 700.000 đến trên 800.000 đồng mỗi ngày, đời sống kinh tế gia đình ổn định và thoát nghèo.
Bà Trần Thị Hải (vợ ông Lợi Em) cho biết: “Cù nèo là loại cây rất dễ trồng, nhẹ chi phí, không tốn công chăm sóc và rủi ro như một số loại cây trồng khác. Đặc biệt, trồng rau này nguồn thu nhập có quanh năm”.
Cây cù nèo mọc nhiều nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long |
Nói về kỹ thuật trồng cù nèo, ông Lợi Em, cho biết: “Sau một năm thu hoạch, những bông già rụng xuống ruộng và nổi trên mặt nước, sau đó chỉ cần rút cạn nước để hơn 1 tháng, bông kèo nèo sẽ mọc lên thành cây và tiến hành nhổ cấy.
Cây được cấy đều nhau với khoảng cách 15 cm/cây. Sau khi cây cấy 3 ngày thì tiến hành cho nước vào với độ sâu 20 cm (từ mặt đất lên mặt nước). Sau khi cấy hơn 1 tháng kèo nèo sẽ cho thu hoạch”.
Theo ông Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mong Thọ, huyện Châu Thành (Kiên Giang) cho biết: “Mô hình trồng cù nèo ở xã trồng rất hiệu quả, đem lại lợi nhuận kinh tế cao, cần khuyến khích nhân rộng. Điển hình là mô hình trồng Cù nèo của gia đình ông Phạm Văn Lợi Em được đánh giá là có hiệu quả kinh tế cao, được nông dân trong và ngoài huyện thường xuyên đến tham quan học hỏi và cù nèo được xem là cây rau màu đã giúp nông dân giảm nghèo, có thu nhập khá”.