Trình gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ người thuê trọ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Thủ tướng gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ lao động thuê trọ, làm việc trong khu công nghiệp, có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Cả nước có khoảng 70% lao động đang thuê trọ ở các khu nhà dân xây, diện tích dưới 3m2/người.
Cả nước có khoảng 70% lao động đang thuê trọ ở các khu nhà dân xây, diện tích dưới 3m2/người.

Hai mức hỗ trợ

Gói hỗ trợ được xây dựng trên cơ sở nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ (Nghị quyết 11), kinh phí từ ngân sách Trung ương.

Lao động được hỗ trợ phải có hợp đồng, đóng BHXH, đang ở thuê, trọ trong khu công nghiệp; chế xuất; bốn vùng kinh tế trọng điểm gồm 24 tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.

Với lao động đang làm việc trong DN, điều kiện hỗ trợ là thuê trọ từ ngày 1/3 đến 30/6/2022, có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng có thời hạn 1 tháng trở lên, thực hiện trước 1/3; đang đóng BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước khi DN lập danh sách lao động cần hỗ trợ thuê nhà hoặc có tên trong danh sách trả lương.

Mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/người/tháng, nhận hàng tháng, tối đa 3 tháng. Người lao động nhận tổng cộng 1,5 triệu đồng.

Người quay trở lại thị trường lao động phải đang làm việc trong DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đóng tại khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế trọng điểm, ở trọ từ 1/3 đến 30/6. Lao động phải có hợp đồng không xác định thời hạn hoặc thời hạn 1 tháng trở lên (từ 1/3 đến 30/6); đang đóng BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước khi Cty lập danh sách đề nghị hỗ trợ. Nếu lao động mới tuyển dụng, chưa có tên trong danh sách đóng BHXH thì phải có tên trong danh sách trả lương trước tháng liền kề khi Cty đề nghị hỗ trợ.

Mức hưởng 1 triệu mỗi người trong tháng, nhận hàng tháng, tối đa 3 tháng, không quá 3 triệu đồng.

Người lao động làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp lên Cty. DN lập danh sách, công khai tại nơi làm việc rồi gửi tới cơ quan BHXH để xác nhận lao động đang đóng bảo hiểm. Hồ sơ sau đó tiếp tục gửi về UBND cấp huyện thẩm định, cấp tỉnh phê duyệt.

Hơn 1,7 triệu công nhân cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/tháng (chưa tính tăng ca).

Hơn 1,7 triệu công nhân cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/tháng (chưa tính tăng ca).

Quy trình kéo dài tối thiểu 11 ngày

So với dự thảo lấy ý kiến từ tháng 2/2022, tờ trình đã rút gọn thời gian lẫn một số thủ tục hành chính. Chính quyền cấp huyện sẽ tiếp nhận hồ sơ của DN chậm nhất ngày 15/8, thay vì 31/7 như trước đây. Các Cty có thể gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ gộp 2-3 tháng. Quy trình kéo dài tối thiểu 11 ngày, qua bốn cấp xét duyệt, tiền sẽ đến tay người lao động.

Thời điểm xác định người thuê trọ hoặc quay trở lại thị trường lao động cũng thay đổi, tính từ 1/3 thay vì 1/1 như dự thảo. Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH lý giải, đã có nhiều ý kiến đưa ra các mốc thời gian, hoặc đề nghị lấy ngày 11/10/2021 khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, song Bộ cân nhắc, thấy rằng lấy từ ngày 1/3 là hợp lý. Sau Tết Nguyên đán là lúc cần nhất để hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch, khắc phục thiếu hụt lao động.

Một số địa phương như Cà Mau đề nghị rút gọn thủ tục, trình một lần duyệt hỗ trợ ba tháng nhưng chi trả từng tháng cho người lao động. Nếu tháng nào cũng làm thủ tục thì địa phương mất nhiều thời gian theo dõi, bởi mỗi doanh nghiệp có nhiều lao động. Thừa Thiên - Huế đề nghị điều chỉnh mức hỗ trợ, tăng lên 1-1,5 triệu đồng/người/tháng, thay vì hai mức 0,5 triệu và 1 triệu đồng. Song mức hỗ trợ tại tờ trình được giữ nguyên, bởi nguồn kinh phí 6.600 tỷ đồng đã được quy định tại Nghị quyết 11.

BHXH cũng đề nghị bỏ bước xác nhận của cơ quan này và để DN tự chịu trách về tính chính xác, trung thực khi đề xuất hỗ trợ và rút ngắn thời gian để người lao động nhanh nhận tiền. Nếu có bước này, cơ quan bảo hiểm cũng chỉ xác nhận được họ và tên, số sổ của lao động. Song Bộ LĐ-TB&XH cho rằng vẫn cần có bước này để làm “lưới lọc”, giúp xác định người lao động thực tế đang làm việc tại DN, đảm bảo hỗ trợ đúng người.

Thống kê cả nước có khoảng 70% lao động đang thuê trọ ở các khu nhà dân xây, diện tích dưới 3m2/người. Hơn 1,7 triệu công nhân cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/tháng, chưa tính tăng ca. 70% công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng, hầu như không có khả năng tích lũy mua nhà.

Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển DN tư nhân với 43.000 lao động bị mất việc cho thấy, gần 50% có nguồn tích lũy chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong một tháng, 37% chỉ đủ trong 3 tháng, hơn 4% đủ trên 4 tháng.

Khoảng 2,2 triệu người hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư. Đại dịch khiến lao động khu vực chính thức có xu hướng dịch chuyển sang khu phi chính thức. Số lao động tự do tăng cao nhất trong ba năm gần đây, chiếm 57% tổng số lao động có việc làm. Song gói hỗ trợ chỉ áp dụng cho lao động khu vực chính thức, chưa đề cập tới khu phi chính thức, nơi có khoảng 28 triệu người.

Đọc thêm