Trịnh Ngọc Dự, người góp phần “đánh thức” ký ức

(PLVN) - Nhà thơ Trịnh Ngọc Dự nguyên là kỹ sư ngành Giao thông vận tải, tham gia “binh chủng” Thanh niên xung phong Việt Nam, thời chống Mỹ. Ông và đồng đội có nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông vận tải trên những con đường chiến lược ở tuyến lửa Quảng Bình cho bộ đội và vũ khí, khí tài vào chiến trường miền Nam.
Nhà thơ Trịnh Ngọc Dự (trái) tặng nhà thơ Ngô Đức Hành tập thơ “Trịnh Ngọc Dự, thơ và trường ca”. Ảnh: Phạm Công Thắng.
Nhà thơ Trịnh Ngọc Dự (trái) tặng nhà thơ Ngô Đức Hành tập thơ “Trịnh Ngọc Dự, thơ và trường ca”. Ảnh: Phạm Công Thắng.

Đó là những năm tháng khốc liệt và hy sinh như chính ông viết: “sức người mài mòn năm tháng và máu đỏ thắm trên từng cây số”. Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều thế hệ thanh niên xung phong hiến trọn tuổi thanh xuân, “con gái ôm nhau cười khanh khách, thèm bàn tay níu lại tuổi xuân thì”.

Có mặt trong những năm tháng đó, ở thời “máu và hoa”, Trịnh Ngọc Dự đến với thơ. “Tôi làm thơ ghi lại đời mình và đồng nghiệp”, ông tâm sự. Vissarion Grigoryevich Belinsky là một nhà phê bình văn học Nga hàng đầu của phong trào Âu hóa thể kỉ 19, từng nói: “Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”. “Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay giọt nước mắt đắng cay”, (Raxun Gamzatôp). 

Đầu tháng 12/2020, nhân một cuộc hội thảo khoa học tại Thanh Hóa, tôi bất ngờ gặp lại nhà thơ Trịnh Ngọc Dự. Ông tặng tôi tập “Trịnh Ngọc Dự, thơ và trường ca”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn quý 3/2020. Đây là tác phẩm thứ 8 trong “gia tài” thơ của ông. 

Trịnh Ngọc Dự, sau khi tốt nghiệp Cầu đường bộ, khoa Xây dựng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Đó là thời kỳ cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bước vào giai đoạn mới, với tinh thần “Tất cả cho miền Nam ruột thịt”. Rời giảng đường, kỹ sư Trịnh Ngọc Dự xung phong lên đường, được bổ sung vào Đội Cầu 10, Ban Xây dựng 67 của Bộ Giao thông vận tải. Ông gắn bó với các tuyến đường khu 4 cũ, tuyến lửa ác liệt cho đến ngày giải phóng.

Đọc “Trịnh Ngọc Dự, thơ và trường ca”, hiện lên tất cả những năm tháng đó. Ngày tạm biệt quê hương của ông đầy cảm xúc: “Chân con vượt bao đèo bao sông/ Mắt con nhìn suốt chiều dài đất nước”, (Mẹ). “Chúng tôi lớn lên/ chưa ai ra khỏi cánh đồng và con đường tới lớp/ hạt lúa củ khoai thân thiết bao đời/ làm một nửa cho mình và nửa kia cho tiền tuyến/ mặt trận dẫu xa nhưng tiếng súng đã gần/ những tin tức người thân vọng lại”, (Con đường nước mắt). 

Tất nhiên, không chỉ có Trịnh Ngọc Dự mà cả một thế hệ ông, bởi hạnh phúc lớn nhất khi đó là có mặt trên trận tuyến chống quân thù. 

...

Dòng người ra đi dài như tình yêu

dài như hy vọng

dòng người ra đi không tính tháng tính ngày

có người không trở lại

chiếc gối thêu đồng đội gửi mang về

(Sân ga thị xã)

Chiến tranh, có hy sinh mất mát. Đó là quy luật nghiệt ngã. Tuy nhiên, với những cán bộ ngành Giao thông vận tải như ông và Thanh niên xung phong Giao thông vận tải, họ ý thức được trách nhiệm trước Tổ quốc.

...

Đầu kia con đường là mặt trận

Đầu này con đường là đoàn xe

Nhịp cầu chúng tôi nối giữa!

(Chúng tôi ra cầu)

...

Con đường như một bàn tay

Xòe đi muôn nẻo nắng đầy em ơi

...

Em rằng: “Cứ thẳng phía Nam

Phải đi đến hết con đường mới thôi”

(Trên bến phà Xuân Sơn)

“Con đường” mà Trịnh Ngọc Dự nói đến trong bài thơ “Trên bến phà Xuân Sơn” đó là con đường thống nhất nhất nước. 

...

Ôi đêm nay đêm trăng Trường Sơn

Người rầm rập về tuyến nào đấy nhỉ?

Nghe tiếng hát vọng về hai phía

Người bên này gọi nhớ bên kia

(Đêm dân công)

...

Vách bên kia bom phạt đi rồi

Cây cụt ngọn kiên gan đứng mãi

Bên này vực bom ngàn cân dội

Đá đè lên suối vẫn rì rào

(Qua đèo Đá Đẽo)

Đèo Đá Đẽo, một con đèo dài 17 km nằm trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại gắn với một thời hào hùng lửa đạn, thuộc địa phận xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Từ Đồng Hới lên đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) rồi lên đèo Đá Đẽo chỉ chừng 100km. Ngày đó, đèo Đá Đẽo được xem như lằn ranh giữa sự sống và cái chết, là yết hầu của tuyến chi viện chiến lược 15A vào Nam. Từ năm 1967, không quân Mỹ đã thực hiện chiến dịch 97 ngày đêm xóa trắng, vùi lấp đèo Đá Đẽo. Tuy nhiên, với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, bom đạn không khuất phục được ý chí và lòng quả cảm của bộ đội, thanh niên xung phong trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải. 

Bài thơ “Qua đèo Đá Đẽo” và nhiều bài thơ khác của Trịnh Ngọc Dự như “Đêm Quảng Bình”, “Những cô gái ở Rào Reng”, “Bên đường Hai mươi”, “Ngã ba”... viết trên chiến trường bom rơi đạn nổ những năm tháng ấy đã làm được “sứ mệnh” đó.

Trong “Trịnh Ngọc Dự, thơ và trường ca”, ông công bố trường ca “Con đường nước mắt”. Đây là trường ca được giải B, Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Giao thông vận tải năm 2014 – 2015, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Giao thông vận tải Việt Nam.

Ai đã từng đi qua Khu 4 cũ, đặc biệt là Quảng Bình tháng năm chiến tranh, mới thấu hiểu gian truân, nguy hiểm của những người thợ cầu đường và sẵn lòng đồng cảm với Trịnh Ngọc Dự qua những vần thơ viết về họ. Ký ức một thời lửa đạn không bao giờ phai mờ trong ta, đặc biệt khi được Trịnh Ngọc Dự tái hiện trong trường ca này. Người đọc chắc rưng rức xúc động khi đọc “Khúc tráng ca trên đồi Chạ Quang”, (Khúc III, trường ca), “Con đường tuổi hai mươi”, (Khúc IV, trường ca, dành cho đường 20 Quyết thắng), và bồi hồi khi đọc “Khúc tưởng niệm Hang Tám Cô”, (Khúc VI, trường ca).

Không giấy bút nào tả hết sự khốc liệt những năm tháng chiến tranh trên các “tọa độ lửa” giao thông vận tải ở Quảng Bình. Những người thợ cầu đường, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong trong những năm tháng ấy thi gan với bom đạn địch và sự hy sinh, mất mát không tránh khỏi. “Con đường nước mắt”, thực sự là một tráng ca về thanh niên xung phong trên tuyến lửa Quảng Bình. Khi viết về những mất mát đau thương, thơ Trịnh Ngọc Dự hết sức giản dị chân thực, nhưng đầy trân trọng, xúc động.

Không chỉ trong “Trịnh Ngọc Dự, thơ và trường ca”, mà đọc “Thơ trên những dặm dài”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2017, cán bộ, nhân viên ngành Giao thông vận tải hôm nay đều có chung cảm xúc như đang được đọc những trang nhật ký của một đơn vị bám đường trên tuyến lửa. Người ghi chép lại chính là kỹ sư cầu đường Trịnh Ngọc Dự. 

Thơ Trịnh Ngọc Dự trong những năm tháng chống Mỹ cũng như cho đến tận bây giờ, chân thực, thơm thảo như chính cuộc đời ông. Đời sống cho ông thi cảm và thi cảm của ông mang vẻ đẹp cuộc sống, không màu mè, điệu bộ. Đó cũng là phong cách, thi pháp Trịnh Ngọc Dự. “Không chủ trương tìm kiếm sự cầu kỳ trong cấu trúc và uốn éo chữ nghĩa, thơ Trịnh Ngọc Dự dê đọc, dễ cảm. Giản dị câu chữ, trong sáng về nội dung, đây là con đường ngắn nhất đưa thơ đến trái tim người đọc”, nhà thơ Lê Văn Vọng nhận định về “phong cách Lê Văn Vọng”.

“Thơ tôi là lời tự sự về những con người, những câu chuyện, những thời khắc, hình ảnh; là tình yêu thương của con người nơi bom đạn. Ở đây người làm thơ không phải vắt óc nhào nặn bởi không có gì sinh động hơn bản thân cuộc sống”, nhà thơ Trịnh Ngọc Dự trải lòng. Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn từng đưa ra quan điểm: “Câu thơ hay là câu thơ có khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người”. 

Cám ơn nhà thơ Trịnh Ngọc Dự, thơ ông đã góp phần “đánh thức” ký ức, để con người biết trân giữ cuộc sống hôm nay và hành động để hôm nay xứng đáng với hôm qua.

14/12/2020

Đọc thêm