Ngẩn ngơ thưởng thức âm nhạc của 30 bộ đại cối, loa cổ
Khác với những quán cà phê xô bồ, ồn ào nơi phố xá, “Nhạc cổ - phố xưa” âm thầm nép mình trên phố Giải Phóng (Hà Nội). Dù lặng lẽ nhưng quán thu hút rất nhiều vị khách có “tai” nghe nhạc tìm tới đây.
Quán nhỏ chỉ chừng 20m2 nhưng sở hữu tới 30 bộ đài cối và loa cổ, một chiếc ti vi cửa lùa. Đặc biệt là chiếc đài tiếng nói bằng gỗ đã sờn màu có niên đại khoảng 50-60 thế kỷ trước. Hàng chục “đồ cổ” ấy được ông chủ nâng niu như những báu vật. Tất cả các đồ sưu tầm đều được ông Trịnh Tuấn phục hồi và sử dụng tốt. Báu vật nhưng không phải để cất đi mà ông muốn “trưng” ra cho mọi người cùng thưởng thức.
Nhạc Trịnh qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly phát ra từ đĩa than du dương, mộc mạc, trầm lắng khiến thời gian như lắng đọng, quay ngược về những năm 70-80 thế kỷ trước. Khi nghe nhạc trên những chất liệu như vậy, nhiều người nghe không khỏi quyến rũ, mê hoặc và có cảm giác như người nghệ sĩ đang chơi nhạc trước mặt mình. Ở đây, mỗi người có một suy nghĩ, sự liên tưởng và cảm nhận riêng, nhất là khi khách được nhâm nhi ly cà phê, ngắm nghía những món đồ cao niên.
Theo ông Tuấn, băng cối - đại diện cho một thời kỳ “vàng son” của công nghệ analog. Chất analog nhẹ nhàng, trung thực, gần với âm thanh tự nhiên. Chơi băng cối là hướng về âm thanh mộc mạc của thuở ban đầu, khi giọng hát bao trùm lên nhạc đệm. Giọng hát được tôn vinh.
Người ta có thể vừa nói chuyện vừa nghe nhạc mà không bị chói tai, còn loại âm thanh số hiện nay chỉ nghe được một lúc là thấy chói tai hoặc mệt đầu. Âm thanh cổ nghe tiếng hát rất tròn tiếng, chỉ có 0,01 tạp âm mà thôi. Đó là lý do vì sao những người mê âm thanh cổ lại khao khát tìm kiếm những bộ âm thanh “có tuổi”.
“Bây giờ nhiều đĩa nhạc hiện đại, chỉ nghe mỗi tiếng xập xình với những âm thanh hỗn độn mà không nghe thấy giọng hát đâu cả. Người xưa hát rất thật, mộc chứ không phải ảo (qua công nghệ) như bây giờ. Có lẽ vì thế mà không chỉ những người “hoài cổ” mà giới trẻ tìm về thú vui nghe nhạc cối chăng?”- lời nhận xét của ông Tuấn không phải không có cơ sở bởi trong quán là sự hiện diện của những vị khách U50-60 và cả vị khách U20. Họ nhâm nhi ly cà phê, thưởng thức điệu nhạc xưa qua các thiết bị cổ lỗ. Ai nấy đều ngẩn ngơ và gật gù tán thưởng.
Dàn âm thanh cổ hiện diện khắp nơi trong quán nhỏ |
Thú chơi âm thanh cổ đến với ông Trịnh Tuấn từ khi còn là cậu bé 13 tuổi. “Hàng xóm có chiếc đài cối hay bật đĩa nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi ngày nào cũng sang nghe nhờ. Càng nghe càng đam mê. Với tôi thì âm thanh cổ đã ngấm vào máu, giống như cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Lúc ấy, đài cối là món đồ rất xa xỉ. Tôi ước mơ, lớn lên sẽ sở hữu được chúng”.
Năm 1975, ông Tuấn được ông ngoại tặng bộ Akai M10 có niên đại năm 30 thế kỷ trước. Có thể coi đó là bộ âm thanh tec “cổ lỗ sĩ” nhất hiện nay. Đây là món quà quý giá nhất mà ông được tặng. Ông nâng niu nó cẩn thận.
Ông khát khao theo đuổi ước mơ sưu tập những âm thanh cổ. Vậy là, số tiền lương công nhân ít ỏi, ngoài lo cho gia đình, mỗi ngày ông cố gắng bỏ vào lợn đất vài đồng bạc lẻ. “Tích tiểu thành đại”, bao năm trời cũng tiết kiệm được vài cây vàng. Khi ông nói muốn mua bộ đài cối, vợ ông xót tiền, giãy nảy không nghe vì muốn mua đất, mua nhà ở cho rộng rãi. Nhưng ông đã quá đam mê những chiếc đài cổ nên đành dùng “chiêu bài” vừa nịnh kèm “hăm dọa”. “Đây là thú chơi lành mạnh. Nếu không cho anh mua thì anh tìm cờ bạc, rượu chè giải khuây. Lúc đó em thích không?”. Nghe vậy, vợ ông đành chiều.
Để vợ hiểu niềm đam mê của mình, ngày nào ông cũng bật những đĩa nhạc: Khánh ly, Sơn Ca và những bản không lời… và phân tích cho vợ những cái hay của dàn máy cổ. Dần dần vợ ông cũng “nghiện” lúc nào không biết và ủng hộ chồng sắm thêm những dàn máy. Cứ thế, sau bao năm, hàng chục cây vàng “đội nón ra đi” đón “bảo bối” về.
Ai cũng bảo ông dại quá, nhà ở chật chội chưa đầy 20m2, không lo sắm nhà, sắm đất cho vợ con mà cứ mua những đồ “thượng lưu” làm gì. Mà đúng, thời kỳ những năm 1975-1985, ở miền Bắc rất ít loa đài, có một số ít loa đài nhập từ Nhật Bản về và chỉ có những gia đình có điều kiện mới dám chơi. Vì giá thành của chúng rất cao, có khi một đôi loa đổi lấy cả căn nhà mặt phố.
Nếu đem số tiền hàng cây vàng sắm đài cổ, thời điểm đó, ông dư sức mua hàng chục mét, thậm chí hàng trăm mét đất để xây nhà. Ông chỉ cười bảo: “Biết làm thế nào khi tôi trót say âm thanh cổ rồi”.
Ông Trịnh Tuấn bên chiếc đài tiếng nói Việt Nam niên đại 50-60 thế kỷ trước |
“Nhạc cổ, phố xưa” là nơi gặp gỡ của những người yêu mến âm thanh “hoài niệm”. Ông chủ quán có thể ngồi với khách cả buổi “đàm đạo” về cách chơi cũng như bảo quản “bảo bối” này.
Ông Tuấn thường sưu tập những chiếc đầu băng cối, loa đài mang thương hiệu A.kai, Teac từ Nhật Bản, các nước châu Á có từ những năm 50, 60, 70 thế kỷ trước. Để có được chiếc đầu băng cối cũng không phải là chuyện đơn giản. Bởi hiện hầu hết các sản phẩm trên thị trường đã cũ. Vì vậy, người mua cũng gặp nhiều khó khăn khi đánh giá chất lượng máy.
Thường khi mới mua về, ít có máy nào không gặp trục trặc, hỏng hóc. Phần cơ có thể sửa dễ hơn, nhưng nếu vào phần điện, việc thay thế các linh kiện quan trọng như bộ đầu xóa/ghi/đọc có thể mất từ vài trăm đến hàng nghìn USD. Bên cạnh nhiều thông số cần nắm chắc như độ dày, độ rộng, tốc độ... người chơi còn phải kiểm tra kỹ để tránh hiện tượng có tiếng xì, rè, mất lớp âm với băng chất lượng thấp.
Theo ông Tuấn, bây giờ mà chơi âm thanh cổ hoàn thiện thì lên đến tiền tỉ mới đủ cả bộ lọc âm thanh, chỉ tính riêng rắc CD cắm nối tín hiệu cũng có giá hàng trăm USD một sợi. Hay chỉ tính riêng tiền vận chuyển để mua một bộ loa cổ từ nước ngoài về cũng phải ngốn ít nhất vài trăm triệu.
Trên thị trường có hai nguồn máy chính: Máy chất lượng tốt thường được thanh lý từ các studio, đài phát thanh ở nước ngoài; trong nước thì chủ yếu từ các đầu mối buôn hàng điện tử cũ, hay phổ biến nhất là người chơi tự trao đổi với nhau.
Chủng loại máy cũng khá đa dạng, từ châu Âu như các hãng Studer, Revox, Tandberg... hoặc Nhật Bản như Otari, Teac, Akai... Giá cả so với ban đầu các máy đều giảm chỉ còn một phần năm, một phần mười nhưng vẫn không hề rẻ. Mỗi cái vài chục tới vài trăm triệu đồng.
Việc bảo quản mới là kỳ công. Vì thời tiết Việt Nam nóng ẩm nên để tránh đài, đĩa mốc là điều rất khó. Ông thường cắm điện để khỏi ẩm. Nghe không được lâu vì máy nóng sẽ méo tiếng. Ông gìn giữ, chăm sóc những bộ âm thanh ấy chẳng khác nào chăm con mọn. Chỉ tính việc lau chùi một 1 chiếc đài cũng ngốn mất 5- 6 tiếng. Ông phải tháo hàng trăm chi tiết rồi ngâm trong dầu hỏa hoặc lau chùi bằng dầu máy khâu.
Các loa được ông bày khắp nơi |
Ông Tuấn khoe: “Quán thường hay đón những vị khách ruột. Có ông khách hầu như tuần nào cũng bắt xe khách từ Bắc Ninh về đây chỉ để nghe và “sống lại với ký ức của thời gian”.
Không chỉ có khách Việt mà khách ngoại quốc cũng tìm tới đây. Có vị khách người Nhật Bản đến uống cà phê, nghe nhạc. Nghe một hồi, thích quá, vị khách này bèn trả ông 3 tỉ để mua những món đồ này. Đáp lại, ông lắc đầu, quả quyết: “Dù có nghèo nhưng mình không bao giờ bán đồ mình yêu mến đâu. Chúng là vô giá mà!”.
Phong cách thưởng thức nhạc cổ điển tĩnh lặng cộng với những món đồ âm thanh cũ kỹ cũng là nét riêng của “nhạc xưa - phố cổ” mà không phải ở nơi nào cũng có. “Nhạc xưa - phố cổ” với những chiếc đài cối, loa cổ không chỉ thỏa mãn tình yêu âm nhạc mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa một thời hoài niệm.