Trở lại vụ “bức tử” DN này lấy đất giao DN khác: Đồng Nai báo cáo Chính phủ sai sự thật

(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh, sau gần một năm kể từ khi ra chỉ đạo lần thứ nhất (tháng 4/2019), ngày 12/03/2020 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình một lần nữa lại có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 1931/VPCP-VI về việc giải quyết khiếu nại của cụ Lê Thị Phương Mai. 
Ông Ngà hiện vẫn “bám trụ” trên mảnh đất còn sót lại của gia đình, kiếm sống bằng nghề đốt than
Ông Ngà hiện vẫn “bám trụ” trên mảnh đất còn sót lại của gia đình, kiếm sống bằng nghề đốt than

Đây là lần thứ hai Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu UBND Đồng Nai báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại của cụ Lê Thị Phương Mai (SN 1942, ngụ số 325, khu 3, ấp 2, xã An Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai, chủ Công ty TNHH Thành Thuận) liên quan đến việc cưỡng chế, thu hồi đất để giao HTX tổng hợp dịch vụ thương mại Đồng Nai (Dona Coop) khai thác đá.

“Dối trên, lừa dưới” 

Hơn một tháng sau ngày nhận chỉ đạo, ngày 24/4/2020 UBND Đồng Nai có Báo cáo số 4733 gửi Phó Thủ tướng về tiến độ giải quyết vụ việc.

Báo cáo dài 10 trang này tóm lược các vấn đề khiếu kiện của cụ Mai vào 5 nội dung, gồm: Thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, cưỡng chế, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; không cấp phép cho Cty Thành Thuận khai thác đá trên diện tích đất của gia đình; diện tích đất còn lại của cụ Mai bị các công ty khai thác đá lấn chiếm; việc cụ Mai đầu tư xây dựng cầu Thuận An 2 và con đường dài 11km; hoạt động của Cty Thành Thuận. 

Năm nội dung được UBND tỉnh thể hiện trong Báo cáo vẫn còn không ít khuất tất, đưa đẩy trong việc nhận trách nhiệm và giải quyết, khắc phục hậu quả từ chính quyền Đồng Nai. Nói cách khác, Đồng Nai chưa nghiêm túc trong việc thực hiện chỉ đạo từ Phó Thủ tướng.

Trước hết, về tái định cư, theo Báo cáo 4733, đầu năm 2012, UBND TP Biên Hòa có văn bản giải quyết tái định cư cho 5 hộ tương ứng với 5 lô đất tái định cư tại Khu dân cư Tràng An. TP Biên Hòa đã gửi thư mời hộ bà Mai đến giao đất tái định cư, tuy nhiên bà Mai không đến nhận đất. “Như vậy, UBND TP Biên Hòa giải quyết tái định cư là phù hợp quy định của pháp luật”. 

Sự thật thì các thành viên của gia đình cụ Mai khẳng định không hề biết hay nhận được thông tin về việc tái định cư cho đến hôm nay. “Đó là quyền lợi gia đình chúng tôi mong mỏi, chúng tôi đấu tranh bao năm qua cũng chỉ mong đòi lại những quyền lợi hợp pháp đó. Thế nhưng nay không có chứng cứ nào đưa ra, họ vẫn báo cáo sai sự thật với Chính phủ, đổ lỗi cho gia đình chúng tôi”, bà Huỳnh Ngọc Chi (con gái cụ Mai) bức xúc. 

Điểm tiếp theo khiến gia đình cụ Mai phẫn nộ là lý giải của Đồng Nai về việc cưỡng chế thu hồi đất. Theo Báo cáo 4733, sau khi UBND TP Biên Hòa phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư, hộ cụ Mai không nhận tiền và không bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Ngày 28/1/2015, UBND TP. Biên Hòa mới tổ chức cưỡng chế thu hồi đất. 

Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (con gái cụ Mai) bên hồ sơ thiết kế cầu Thuận An 2 và 11km đường
 Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (con gái cụ Mai) bên hồ sơ thiết kế cầu Thuận An 2 và 11km đường

Ông Huỳnh Ngọc Ngà (con trai cụ Mai) phản bác: “Ban đầu Dona Coop hứa với tỉnh sẽ thỏa thuận với người bị thu hồi đất nhưng không hề có động thái thỏa thuận nào. Sau đó TP Biên Hòa áp giá đền bù hỗ trợ sai quy định, bất nhất, nên gia đình chúng tôi có quyền tố cáo khiếu nại theo quy định; và họ bất thình lình tổ chức cưỡng chế. Vậy gia đình chúng tôi sai hay chính quyền địa phương sai?”. 

Bà Huỳnh Ngọc Chi tiếp lời: “Mẹ tôi đã có đơn khiếu nại lần đầu và lần hai với Quyết định cưỡng chế số 110 của UBND TP Biên Hòa. Trong đơn, mẹ tôi khẳng định trình tự, thủ tục thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không đúng quy định. Vậy mà họ vẫn cho rằng “UBND TP Biên Hòa đã thực hiện đúng trình tự quy định pháp luật””. 

“Dựng đứng” việc đền bù cầu đường

Bức xúc nữa với gia đình cụ Mai là việc bị “dựng đứng” chuyện được đền bù cây cầu Thuận An 2 và 11km đường, những công trình do gia đình cụ Mai dốc bao công sức tâm huyết và tài sản vào xây dựng, sau đó bị thu hồi để giao cho Dona Coop. 

Khu đất gia đình cụ Mai đã bị thu hồi trái luật giao Dona Coop khai thác đá nhiều năm mà chưa đền bù cho chủ đất.
 Khu đất gia đình cụ Mai đã bị thu hồi trái luật giao Dona Coop khai thác đá nhiều năm mà chưa đền bù cho chủ đất.

Trong Báo cáo 4733, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, theo Biên bản cuộc họp ngày 10/5/2006 , Sở GTVT đã bàn giao hồ sơ về cây cầu Thuận An 2 cho UBND huyện Long Thành quản lý (người nhận là bà Nguyễn Thị Thùy Linh, phó Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện); và phiếu chi tiền đóng góp chi phí xây dựng cầu Thuận An 2 của Cty CP Xây dựng & Sản xuất VLXD Đồng Nai cho DNTN Thuận An 2 với kinh phí 500 triệu. “Như vậy, cầu Thuận An 2 đã được bàn giao cho địa phương quản lý và gia đình bà Mai đã nhận lại tiền đầu tư xây dựng cầu Thuận An 2”, báo cáo nêu. 

Những hành vi bị tố “bất nhân”

“Sản nghiệp của chúng tôi trị giá hàng tỷ đồng bị lực lượng cưỡng chế mang đi đâu, xử lý thế nào… đến nay đã nhiều năm sao không trả lại cho chúng tôi? Chưa kể về đạo lý, tổ chức cưỡng chế lúc giáp Tết Nguyên đán, “cướp không” của gia đình chúng tôi hàng ngàn con gà, hàng trăm con lợn để chuẩn bị bán Tết là bất nhân. Vậy mà họ vẫn báo cáo với Chính phủ là họ làm đúng”.   

(Ông Huỳnh Ngọc Ngà, con trai cụ Mai) 

Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (con gái cụ Mai) cho biết: “Lãnh đạo Đồng Nai đã bị cấp dưới lừa dối báo cáo sai sự thật, hoặc bịa đặt ra câu chuyện gia đình tôi đã nhận 500 triệu tiền đền bù cây cầu. Tại sao trước khi ký văn bản báo cáo với Chính phủ những chuyện này, họ không bỏ chút thời gian vào gia đình tôi tìm hiểu sự thật?”. Bà Ngọc Anh cũng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ ai đã mạo danh cụ Mai lấy số tiền 500 triệu nêu trên.

Theo Báo cáo 4733, trong quá trình đầu tư xây dựng cầu Thuận An 2, tuyến đường hai bên đầu cầu là đường đất, được cụ Mai thực hiện san gạt, lấy đất dôi dư từ việc cải tạo mặt bằng để duy tu, sửa chữa, làm đường để đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ việc lưu thông của DN trong việc cải tạo mặt bằng; và phục vụ cho lưu thông của nhân dân trong khu vực, không có hồ sơ quản lý việc đầu tư xây dựng tuyến đường 11km.

Báo cáo cho rằng do cụ Mai không có hồ sơ, tài liệu chứng minh việc đầu tư xây dựng tuyến đường 11km theo phản ánh, cho nên UBND TP Biên Hòa không xem xét việc bồi thường chi phí làm đường này “là phù hợp quy định”.

Báo cáo như vậy có hợp lý hợp tình? Ngược về năm 2004, sau khi cùng đàn con khai hoang được hàng chục ha đất, thấy trang trại của mình có địa thế đẹp, vừa đồi núi, vừa có ao hồ sông suối, được nhiều người khuyến khích, cụ Mai thành lập công ty Thuận An 2 để xin chủ trương của tỉnh mở khu du lịch sinh thái. 

Hồ sơ dự án của cụ được UBND các cấp hứa bằng văn bản sẽ xem xét giới thiệu địa điểm với điều kiện DN của cụ Mai phải xây cây cầu kiên cố bắc qua sông Buông (cầu Thuận An 2) và mở rộng nâng cấp đường mòn từ khu đất của cụ ra QL51 dài 11km. Cụ Mai vay mượn, huy động của người thân để thực hiện hai công trình này tốn hơn 4 tỷ đồng, một số tiền khổng lồ ở thời điểm gần 20 năm trước. 

Ông Ngà bên cây cầu Thuận An 2 bắc qua sông Buông
 Ông Ngà bên cây cầu Thuận An 2 bắc qua sông Buông

Trớ trêu xảy ra khi hạ tầng (cầu và đường) hoàn tất, cơ quan có thẩm quyền đã nghiệm thu, nhưng từ chối cấp phép dự án du lịch. Hồ sơ xin phép vẫn còn nằm tại các cơ quan có trách nhiệm, vậy nhưng báo cáo vẫn cho rằng “hồ sơ, tài liệu chứng minh việc đầu tư xây dựng”. 

Cả một đời sống nhân nghĩa chan hòa, dốc hết công sức tiền bạc tâm huyết vào khai hoang phục hóa vùng đất Tân Cang rồi vướng nỗi oan ức sản nghiệp tiêu tan vì cú “trở mặt” không ngờ, nhưng cụ vẫn tin “một bàn tay không che nổi mặt trời”, tin vào pháp luật, vào sự công minh của Đảng và Nhà nước, Chính phủ. 

PLVN tiếp tục phản ánh sự việc trong số báo sau.

“Quan điểm, cách hành xử vô cảm, tắc trách”

“Có thể thấy quan điểm, cách hành xử vô cảm, tắc trách của địa phương với cụ Mai trong bản báo cáo.Ví dụ về nội dung tái định cư cho gia đình cụ Mai, khi tổ chức thu hồi đất giao Dona Coop trái luật, dù đền bù hỗ trợ sai pháp luật, gây thiệt hại cho gia đình cụ Mai nhưng chính quyền TP Biên Hòa vẫn rốt ráo làm tới cùng.

Ngược lại, khi giải quyết những quyền lợi chính đáng của gia đình cụ Mai, trong vụ này cũng có thể gọi là nạn nhân, trong đó có nội dung tái định cư, UBND TP Biên Hòa chỉ hững hờ “gửi tờ thư mời qua bưu điện” không cần biết thư mời có đến tay người dân hay không, và thực tế chưa biết họ có gửi hay không. Nói cách khác, người thu hồi đất không quan tâm chuyện gia đình cụ Mai có biết được thông tin gia đình được 5 suất tái định cư hay không”. 

(Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM) 

Đọc thêm