Trở lại vụ 'bức tử' DN này lấy đất giao DN khác: Đồng Nai báo cáo vòng vo, né tránh trách nhiệm

(PLVN) - Chứng cứ cho thấy Đồng Nai thiếu trách nhiệm quản lý đất đai phản ánh  rõ ngay trong Báo cáo số 4733 ngày 24/4/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai gửi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. 
Cụ Mai tại một buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Một tỉnh có hệ thống dữ liệu lớn, quy mô và hiện đại như Đồng Nai, có đầy đủ các cơ quan chuyên môn nhưng lại “chưa có cơ sở để xác định chính xác ranh giới, diện tích đất gia đình cụ Mai quản lý sử dụng”.

Những điều vô lý trong báo cáo của Đồng Nai

Tính đến nay đã gần một năm rưỡi, vụ việc của cụ Lê Thị Phương Mai (SN 1942, ngụ 325, khu 3, ấp 2, xã An Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai, chủ doanh nghiệp Thành Thuận) vẫn “dậm chân tại chỗ” dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND Đồng Nai xem xét giải quyết từ tháng 4/2019. Thủ tướng yêu cầu Đồng Nai phải báo cáo trước ngày 30/8/2019. 

Theo chỉ đạo vào tháng 4/2019 của Thủ tướng: “Thủ tướng đã nhận được phản ánh về khiếu nại của cụ Lê Thị Phương Mai và Công ty TNHH Thành Thuận bị gây khó khăn, phân biệt đối xử trong việc cưỡng chế, thu hồi đất để giao cho Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop) khai thác đá”, “chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, giải quyết những phản ánh của Báo PLVN về khiếu nại, kiến nghị của gia đình cụ Mai theo đúng quy định pháp luật, thông báo kết quả cho Báo PLVN và báo cáo Thủ tướng trước 30/8/2019”.

Thế nhưng yêu cầu này của Thủ tướng vẫn không được Đồng Nai thực hiện rốt ráo. Nên ngày 12/3/2020 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tiếp tục có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 1931/VPCP-VI về việc giải quyết khiếu nại của cụ Mai.  

 Công văn mới nhất của Bộ TN&MT nhận định về sự việc của cụ Mai.

Ngày 24/4/2020, UBND tỉnh Đồng Nai có Báo cáo số 4733 gửi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Bản báo cáo có chứng cứ cho thấy Đồng Nai thiếu trách nhiệm quản lý đất đai, báo cáo một số nội dung chưa đúng với bản chất vụ việc. 

Thứ nhất, như PLVN đã phản ánh, sau khi không được cấp phép làm dự án khu du lịch, năm 2006 cụ Mai tiếp tục xin khai thác mỏ trên phần đất còn lại. Thế nhưng theo văn bản trả lời của UBND tỉnh Đồng Nai năm 2007, “tỉnh chủ trương chỉ xem xét ưu tiên cho các doanh nghiệp Nhà nước được hoạt động lĩnh vực này, không giải quyết mới hồ sơ đối với DN tư nhân”.

“Chủ trương” trên của Đồng Nai trái với các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Luật Khoáng sản (không phân biệt các thành phần kinh tế). Thế nhưng tại Báo cáo 4733, Đồng Nai đã không nhắc đến “chủ trương chỉ xem xét ưu tiên cho các doanh nghiệp Nhà nước”.

Thứ hai, cho đến khi bị cưỡng chế vào đầu 2015, trừ cụ Mai bị bệnh nên phải dời về sống tại xã An Hòa, TP Biên Hòa ở để tiện khám chữa bệnh, hầu hết con cái cụ như bà Chi, bà Ngọc Anh, ông Ngà… vẫn sinh sống và canh tác tại Tân Cang, sống nhờ vào nông nghiệp. Đến nay ông Ngà vẫn còn đốt than kiếm sống trên thửa đất còn lại. 

Thế nhưng Báo cáo 4733 lại cho rằng gia đình cụ Mai chỉ còn một người là bà Huỳnh Thị Ngọc Chi “trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu ổn định từ nông nghiệp”.

Thứ ba, đã gần một năm rưỡi kể từ khi Chính phủ chỉ đạo giải quyết, đến nay Đồng Nai vẫn chưa đo đếm xong phần diện tích bồi thường thiếu, trong đó có con đường (theo báo cáo rộng 8m, dài khoảng 200m). Đồng thời phần diện tích hơn 7ha gia đình cụ Mai khiếu nại bị các dự án mỏ đá Tân Cang 2, 4 và 6 lấn chiếm khai thác, đến nay vẫn chưa được xác minh làm rõ. 

Chính quyền địa phương cho rằng “một phần ranh giới, diện tích khu đất do gia đình cụ Mai chỉ dẫn tại thực địa không có giấy tờ, một phần ranh giới, diện tích là giấy tờ photocopy nên chưa có cơ sở xác định chính xác ranh giới, diện tích đất gia đình cụ Mai quản lý sử dụng. UBND TP Biên Hòa sẽ tiếp tục làm việc để rà soát lại hồ sơ, giấy tờ về đất đai của gia đình, xác định nguồn gốc, ranh giới, diện tích đất sử dụng...”. 

Phần đất còn lại của gia đình cụ Mai đang bị các mỏ đá bao chiếm và khai thác. Trong ảnh là căn nhà ông Ngà sinh sống làm nghề đốt than.   

Nói cách khác, Đồng Nai cho rằng cụ Mai chưa cung cấp được giấy tờ nên chưa có cơ sở giải quyết. Trong khi thực tế, hàng chục năm trước gia đình cụ Mai đã dồn tiền đầu tư, mua gom đất các hộ xung quanh, nhưng chưa được cấp sổ. Mặt khác, mọi tài sản, trong đó có giấy tờ liên quan đến đất của gia đình đã bị mất trong cuộc cưỡng chế do chính quyền Biên Hòa tổ chức.

Một tỉnh có hệ thống dữ liệu lớn, quy mô và hiện đại như Đồng Nai, có đầy đủ các cơ quan chuyên môn, nhưng lại không thể xác định ranh giới, diện tích đất một khu vực hay sao?

Bộ TN&MT tiếp tục yêu cầu Đồng Nai giải quyết

Trước đó, kể từ đầu năm 2019, sau khi Báo PLVN đăng tải các bài viết phản ánh nỗi oan khuất của cụ Mai, nhiều cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam… đã làm việc với Báo, tìm hiểu sự việc. 

Với Bộ TN&MT, đã có ít nhất hai văn bản của Thanh tra Bộ chỉ đạo, yêu cầu Đồng Nai làm rõ những khuất tất, bất thường trong vụ việc thu hồi đất, bồi thường cho gia đình cụ Mai. Lần gần đây nhất là vào ngày 8/7/2020, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa tiếp tục có văn bản lần thứ 3 gửi Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm trong việc xử lý những khiếu nại của gia đình cụ Mai. 

Sở dĩ Bộ TN&MT tiếp tục đề nghị UBND Đồng Nai phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc của gia đình cụ Mai, bởi lẽ đánh giá nhiều năm qua Đồng Nai hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ” khi nhìn nhận những vi phạm do mình gây ra và bắt tay khắc phục hậu quả.  

Vẫn giữ nguyên quan điểm như hai lần trước, Bộ TN&MT nhận thấy “việc cụ Mai khiếu nại liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của gia đình để thực hiện Dự án mỏ đá Tân Cang 6 là có cơ sở. Nguyên nhân chính là do cơ quan được giao xác định diện tích, tính toán bồi thường và áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm không chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ chậm”. 

  Cây cầu Thuận An 2, gia đình cụ Mai bị chính quyền Đồng Nai “dựng đứng” thông tin “đã nhận 500 triệu đồng tiền đền bù”.

Bộ TN&MT khẳng định: Việc chậm bồi thường, hỗ trợ nêu trên là do lỗi của cơ quan Nhà nước. UBND tỉnh Đồng Nai rà soát lại vụ việc và thực hiện bồi thường, hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho gia đình cụ Mai theo đúng quy định pháp luật.

Tại một số buổi tiếp xúc cử tri tại Biên Hòa với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các ĐBQH; các lãnh đạo UBND tỉnh; hình ảnh cụ Lê Thị Phương Mai ngồi trên xe lăn do con gái đẩy tới đã làm ám ảnh nhiều người.

Cụ thường nói điềm đạm, ngắn gọn nhưng chất chứa oan khiên: “Đất đai gia đình tôi bị Dona Coop lấy chục ha, tiền đền bù không có, bây giờ phần đất còn lại cũng bị lấn chiếm. “Họ” đuổi hết gia đình ra ngoài, mất hết, cuối cùng tôi không rõ ràng đất bị lấy bao nhiêu, đền bù bao nhiêu”.  

Người mẹ cùng đàn con thơ nheo nhóc từng đánh cược sinh mệnh vào cuộc chinh phục rừng thiêng nước độc để có được trang trại sinh thái – doanh nghiệp Thành Thuận; từng chiến thắng những tháng ngày sốt rét, bệnh tật, thú dữ, đói ăn; từng dốc hết gia sản để hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư của Đảng và Trung ương… không chấp nhận một đời thành quả có được sau những mồ hôi nước mắt, xương máu đổ xuống bị nhóm lợi ích “cướp trắng”.

Gia đình cụ Mai cho biết vẫn một lòng tin tưởng vào sự công tâm của Đảng, Chính phủ và pháp luật; sẽ tiếp tục có các động thái để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp đã bị một số đối tượng tước đoạt trái pháp luật.

“Tôi chưa từng gặp một câu chuyện nào oan khiên như sự việc cụ Mai. Con đường xây dựng một DN kinh doanh hợp pháp lương thiện trên chính mảnh đất, sức lực của mẹ con cụ Mai bị chính quyền địa phương o ép quá sức tưởng tượng. Không chỉ thu hồi đất trái luật, Đồng Nai còn có chủ trương trái quy định về đầu tư kinh doanh, khai thác khoáng sản, khiến cụ Mai hụt hơi sau những cuộc “rượt đuổi chính sách địa phương”, tiêu tan tiền của, mồ hôi công sức mà không nhận lại được gì”. 

(Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM)

Đọc thêm