Ký ức hãi hùng
Chị Lữ Thị Tím (37 tuổi) sinh ra trong một gia đình nghèo tại bản Pủng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An). Gia cảnh khó khăn nên chị nghỉ học sớm, theo cha mẹ đi làm nương rẫy. Khổ cực khiến cô gái trẻ luôn khát khao có một cuộc sống no đủ, không phải chạy ăn từng bữa. Nhưng ước mơ rất đỗi bình dị của sơn nữ ấy lại bị những kẻ buôn bán người sang Trung Quốc lừa gạt.
Khoảng cuối tháng 12/2011, có một phụ nữ trong huyện đến nhà gặp và hứa sẽ đưa Tím sang Lào làm nghề thêu ren thổ cẩm với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Thời điểm đó, Tím được biết đến là người thêu ren thổ cẩm giỏi nhất bản nên khi có người hứa dẫn đi kiếm tiền, lại làm công việc mình yêu thích nên cô gái ấy mừng lắm. Nhưng bố mẹ của Tím lại không muốn cho con gái đi làm ăn xa.
Biết không thể đưa Tím đi khi bố mẹ đang ở nhà nên kẻ buôn người đã lựa khi nhà chị không có ai để tìm đến. Người đàn bà đó đã rủ Tím bắt xe xuống TP Vinh nói làm hộ chiếu và các thủ tục để xuất cảnh sang Lào. Tin tưởng, chị khăn gói đồ đạc đi theo mà không ngờ rằng, chính vị “ân nhân” đó đã bán đứng cô sang Trung Quốc.
|
Nhắc lại ký ức đau buồn, chị Tím cùng mẹ của mình vẫn chan hòa nước mắt... |
Sau khi lên chiếc xe ô tô nhỏ, người đàn bà đó đã đưa cho Tím một viên thuốc bảo uống để chống say xe. Uống xong thì Tím ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, Tím thấy mình ở trong một ngôi nhà giữa rừng có nhiều chữ Trung Quốc với những người xa lạ cùng tiếng xì xào, bán tán. Họ ghé tai nói với chị Tím là sẽ có người đến mua chị về làm vợ. “Lúc đó, tôi sợ lắm. Mình có quen biết ai ở đây đâu mà bắt lấy chồng. Có chết tôi cũng không lấy và nhất định phải bỏ trốn”, chị Tím kể lại.
Để thực hiện ý định bỏ trốn của mình, lúc đầu chị giả vờ ngoan ngoãn nghe theo bọn buôn bán người. Sau đó, lợi dụng phút sơ hở của bọn mua bán người, chị lẻn ra ngoài chạy thục mạng. Không biết đường, chị chỉ nghĩ chạy thật nhanh, thật xa ngôi nhà mình bị giam cầm. Thấm mệt, chị ngồi bệt xuống và giật mình khi thấy trên người chỉ có chiếc áo mỏng với đôi chân trần trong khu rừng rậm đầy tuyết, không một ánh đèn.
Hoảng loạn, chị chỉ biết cố chạy, hy vọng sẽ có người cứu giúp. Cứ thế, chị cố lê bước dò dẫm trong tuyết lạnh. Đến chập tối, chị thấy một cái hang và vào đó ngồi nghỉ rồi ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, hai chân tê cứng không thể cử động được nhưng chị vẫn cố nhoài người bò trong tuyết. Khi bò đến bên đường mòn chị lả đi. Điều may mắn là lúc đó có hai vợ chồng già đi ngang qua đã lay chị tỉnh dậy. “Hai vợ chồng đó tốt lắm. Họ cởi áo cho tôi mặc rồi đốt lửa sưởi ấm cho tôi. Khi biết tôi là người Việt Nam bị lừa bán, họ gọi điện cho bác sĩ và công an đến, đưa tôi đi bệnh viện chữa trị”, chị Tím nhớ lại.
Tỉnh dậy trong bệnh viện, chị Tím hoảng hốt khi thấy hai chân mình bị cắt cụt. Các bác sĩ cho biết, vì vùi chân trong tuyết lạnh nên máu đông cứng, không lưu thông được buộc các bác sĩ phải phẫu thuật cắt chân để cứu mạng cho chị. Sau khi sức khỏe dần hồi phục, chị được các cơ quan chức năng sở tại chuyển về Trung tâm chăm sóc người tàn tật.
6 năm sống trong trung tâm, chị không lúc nào ngơi nỗi nhớ quê nhà. Để tự cứu lấy mình, chị nhiều lần viết đơn, thư kể lại câu chuyện của mình và đưa cho người quản lý mong họ giúp đỡ nhưng không được. Cho đến một ngày, chị thấy công an ở đây dẫn theo một người Việt đến phiên dịch. “Nghe tiếng quê nhà tôi mừng phát khóc, ôm chầm lấy người phiên dịch cầu cứu. Sau đó khoảng 1 tuần đã có người gọi điện đến trung tâm tôi ở. Nghe được giọng nói bên kia, tôi như rụng rời chân tay vì đó là giọng của bố tôi. Lúc đó, tôi chỉ biết khóc vì vui mừng”, chị bồi hồi nhớ lại.
|
Những tấm vải thêu thổ cẩm của chị được nhiều người yêu thích. |
“Diễn giả vì cộng đồng”
Nói về hành trình tìm đứa con gái mất tích nhiều năm, bà Lữ Mẹ Biêng (mẹ Tím) không khỏi xúc động. Theo lời kể của gia đình, từ khi con mất tích, họ đã tìm kiếm nhiều nơi nhưng không được. Dù vậy, nhiều năm trời họ không bỏ cuộc, vẫn luôn tìm kiếm tin tức con gái mình. Cho đến một ngày họ nhận được thông tin của chính quyền về việc xác minh thân nhân cho một cô gái Việt Nam đang ở Trung Quốc. Từ những dữ liệu trùng khớp, gia đình chị đã xác định được nơi mà con gái mình đang sinh sống nhiều năm qua.
Tháng 6/2017, sau khi làm các thủ tục, gia đình bà Biêng được lực lượng chức năng đưa đến trụ sở Công an huyện Kỳ Sơn để đón con gái. “Khi thấy con mình được các chiến sĩ công an dìu xuống xe chứ không thể tự đi được, cả gia đình tôi ôm chầm lấy Tím khóc không ngớt. Các chiến sĩ công an thấy gia đình chúng tôi đoàn tụ cũng rơi nước mắt. Ngày con đi lành lặn, khỏe mạnh vậy mà khi về lại trở thành người tàn tật”, bà xót xa.
Được trở về quê đoàn tụ cùng gia đình, gặp lại bà con lối xóm đối với chị Tím đó là điều kỳ diệu. Vì vậy, chị suy nghĩ phải sống hết mình để không phí phạm cơ hội được tái sinh lần 2. Dù vậy, chị gặp không ít tự ti bởi đôi chân đã bị cụt. Hơn nữa, mặc cảm về quá khứ khiến chị nhiều đêm thức trắng. Nhưng rồi, sự yêu thương, động viên của bố mẹ đã giúp Tím thay đổi suy nghĩ, quyết tâm phải sống thật tốt.
Bằng khả năng thêu thổ cẩm có từ trước, chị Tím không khó để làm lại công việc này. Bởi chị biết, đó là công việc hợp lý với mình hơn cả vì không phải di chuyển nhiều. Khéo tay cộng với sự chăm chỉ, mặt hàng của chị vừa làm ra là đã được đặt mua. Vì vậy, không những tự nuôi sống mình, mỗi tháng chị còn dư giả tích lũy một số tiền phòng những lúc ốm đau.
Đặc biệt hơn, sau khi thay đổi chính cuộc sống của mình, chị đã quyết tâm làm “diễn giả” để giúp những nạn nhân bị buôn người. Mỗi lần Câu lạc bộ phòng chống buôn bán người sinh hoạt, Hội phụ nữ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thường đề nghị chị thuật lại chuyện “người thật, việc thật” của mình khi bị lừa bán. Câu chuyện của chị đã có tác động tuyên truyền tích cực trong việc phòng chống tội phạm mua bán người.
|
Nói về “nghề diễn giả” chị Tím cười, bảo: Tôi cũng chỉ góp thêm tiếng nói để cảnh báo cho các chị em ở vùng cao này về thủ đoạn của bọn mua bán người. Câu chuyện bị lừa bán và hành trình bỏ trốn để trở về quê hương được tôi kể lại chân thật nhất để các chị em hiểu, từ đó cảnh giác, không để bị lừa bán như tôi.
Giờ đây, mỗi ngày, chị Tím vẫn miệt mài ngồi thêu những tấm thổ cẩm đủ màu sắc của người Thái để bán cho khách. Công việc này vừa giúp chị có thêm thu nhập vừa để chị vơi đi nỗi buồn. Chị tâm sự, phải cố gắng làm việc để phụ giúp bố mẹ, vừa tích góp để mua đôi chân giả. Bởi do sinh sống ở miền núi, đi lại trên nhà sàn nên việc ngồi xe lăn rất bất tiện, khó khăn. Do đó, chị đang nỗ lực làm việc để nuôi ước mơ mua được đôi chân giả cho mình.