Chị không nhập trường Đại học dù trúng tuyển để sinh con trai. Khi đứa con được 2 tuổi thì chị thi lại đại học rồi gửi con cho ông bà ngoại để đi học. Tốt nghiệp đại học, đi làm, chị lấy chồng, một bạn học cùng lớp, kém chị 2 tuổi và biết rõ hoàn cảnh chị. Chồng chị làm thủ tục khai sinh lại cho thằng bé, khi đó đã 9 tuổi, phần người cha để đứng tên mình, đón nó lên thành phố với bố mẹ để tiện học hành. Hai vợ chồng chị chỉ sinh một đứa con vì đã đủ tiêu chuẩn 2 con.
Khi cậu sinh viên tốt nghiệp đại học vào loại giỏi và nhận việc ở một công ty danh tiếng thì chồng chị có buổi chuyện trò với con, nói rõ mọi chuyện, khuyên con tìm hiểu về người cha liệt sỹ của mình. Chính bản thân hai vợ chồng chị năm nào cũng lên chiến trường xưa thắp hương nhưng không tìm được mộ của người liệt sỹ, không biết anh nằm đâu.
Một lần, cậu thanh niên được sự chỉ dẫn của những người đồng đội cũ của bố tìm đến một trại thương binh thăm người bạn chiến đấu thân thiết của bố. Người thương binh cụt tay, lúc tỉnh, lúc mê vì mảnh đạn pháo còn trong đầu, vừa nhìn thấy cậu đã hét lên: “Thằng Tuấn!” (tên liệt sỹ) rồi dùng một bàn tay còn lại vuốt ve mãi cậu thanh niên khen: “Mày trẻ đẹp quá!”. Tuy nhiên, người thương binh không thể nhớ được những gì đã xảy ra với bạn mình khi anh ngã xuống.
Khi chuẩn bị cưới vợ, cậu thanh niên đưa vợ chưa cưới về quê ra mắt ông bà ngoại và sang thăm ông bà nội đích thực của mình. Bà sung sướng cười ra nước mắt nhưng ông vẫn giữ một thái độ trầm lặng vốn có từ ngày người ta báo tử con ông.
Năm tháng trôi qua, rồi một ngày người thương binh cụt tay đột ngột tìm đến nhà anh chị mang theo một bản sơ đồ ông vẽ tay, chỉ chỗ người bạn của ông đã nằm xuống, được ông chôn cất trong một cái hốc dưới một tảng đá rất to và ông đã vùi đá lên trên để đánh dấu. Ông cho biết đã hồi phục trí nhớ và xin ra khỏi trại.
Họ lập tức tổ chức cuộc tìm kiếm được sự trợ giúp của các cơ quan, đơn vị tại địa phương, cuối cùng, hài cốt hầu như còn nguyên vẹn của người liệt sỹ ngã xuống lúc 20 tuổi đã được tìm thấy.
Ngày đưa liệt sỹ về nằm trong nghĩa trang quê hương cũng là ngày đoàn tụ của ông bà, cháu chắt. Người ông già cả trầm lặng đã khóc khi nói lời cảm ơn với “con dâu”, cháu nội và ôm chắt vào lòng. Chị xúc động nhưng cố giữ sự bình thản, thầm cảm ơn vong linh anh vì chị nghĩ hạnh phúc chị có hôm nay một phần do anh đã linh thiêng theo chị phù trợ suốt cuộc đời này!