Trọn tình ân nghĩa với “đất lửa” miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong ý niệm của những người làm Báo PLVN, tiếng gọi thân thương "Miền Trung - vùng “đất lửa”" mang tâm thế rất đặc biệt. Mảnh đất này là “địa chỉ đỏ” cho Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn – Tháng 7 tri ân miền Trung để tưởng niệm, để ngưỡng vọng và cùng sẻ chia “gừng cay, muối mặn” với đồng bào qua bao đận khốn khó, bão giông…
Đoàn công tác PLVN dâng hương, hoa tại Thành cổ Quảng Trị.
Đoàn công tác PLVN dâng hương, hoa tại Thành cổ Quảng Trị.

Năm nào cũng thế, Đoàn công tác tri ân – thiện nguyện của lãnh đạo, cán bộ, phóng viên PLVN lại xuyên qua cát trắng, gió Lào của “đất lửa” miền Trung giữa nắng gió tháng 7 như thiêu đốt, để thực hiện chương trình Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn – Tháng 7 tri ân miền Trung. Đó là hành trình dài nghìn cây số thăm viếng các nghĩa trang, di tích, những tọa độ lửa và trao đến tận tay các hoàn cảnh nghèo khó những món quà sâu nặng ân tình sẻ chia…

Càng rạo rực tự hào và nhiều xúc cảm hơn, những chuyến “về nguồn” ấy luôn đúng vào dịp Báo PLVN kỷ niệm Ngày phát hành số báo đầu tiên (10/7/1985) và liên tục đón nhận những Bằng khen của Nhà nước, bộ, ngành, Huân chương Lao động hạng Nhất…

Tổng Biên tập Đào Văn Hội và Phó Tổng Biên tập Thường trực Trần Đức Vinh thỉnh chuông tưởng vọng hương hồn anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9.

Tổng Biên tập Đào Văn Hội và Phó Tổng Biên tập Thường trực Trần Đức Vinh thỉnh chuông tưởng vọng hương hồn anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9.

Lên đường theo tiếng gọi tri ân

Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị - một dải đất khúc ruột miền Trung eo hẹp ấy – lại lưu giữ quá nhiều di tích, chứng tích lịch sử về chiến tranh cách mạng, về những người dân gan góc, kiên vững vượt chiến tranh, thiên tai, gian lao gây dựng lại quê hương.

Tháng 7 hàng năm, đất và người xứ này lại như dang rộng lòng ra để đón những đoàn khách về với “đất lửa” một thời của khói lửa đạn bom, của nắng hạn, mưa gió bão bùng hôm nay. Và đến hẹn, Đoàn cán bộ, phóng viên PLVN lại lên đường theo tiếng gọi tri ân thiêng liêng ấy để thắp sáng lên ánh hồng của nến sáng tri ân trên những mộ phần, hòa trong hương khói linh thiêng tỏa mờ. Những dòng sông chiến trận xưa, lung linh bởi triệu đóa hoa đăng xuôi dòng dâng lên những linh hồn bất diệt với thời gian…

Dừng chân tại di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Những năm chống Mỹ cứu nước, đây là “yết hầu” quan trọng nhất trên con đường Trường Sơn huyền thoại, mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Đúng vào giai đoạn này cách đây 52 năm, 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội Võ Thị Tần thuộc C552, Tổng đội TNXP 55 đã anh dũng hy sinh trong lúc đào lấp hố bom thông đường.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong mỗi người làm Báo PLVN chúng tôi tin rằng, hình ảnh về sự hy sinh anh dũng của 10 nữ liệt sĩ cùng lực lượng TNXP và quân đội, công an, cán bộ giao thông... ở ngã ba Đồng Lộc vẫn mãi trường tồn, bất tử, trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam.

Tại đây, Đoàn công tác PLVN đã dâng những nén tâm hương, những đóa hoa cúc, huệ trắng thơm ngát tinh khôi.

Đến vùng đất “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” để thăm viếng khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Vũng Chùa lúc nào cũng thế, trời rộng xanh ngắt, từng con sóng nhỏ yên bình nhè nhẹ đuổi nhau vào bờ, nắng hè tháng 7 tỏa rạng lên khu mộ vị tướng huyền thoại. Trước anh linh Người, chúng tôi dâng nén tâm hương bằng tất cả lòng tôn kính.

Cán bộ, phóng viên PLVN dâng hương các mộ phần liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn.

Cán bộ, phóng viên PLVN dâng hương các mộ phần liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn.

Đất thiêng Quảng Trị

Trên thế gian, hẳn chẳng có nơi đâu như Quảng Trị! Mảnh đất eo hẹp nằm vắt giữa miền Trung chưa đầy 5 ngàn cây số vuông lại là nơi nằm lại trong lòng đất mẹ của gần 70 nghìn liệt sĩ đã ngã xuống sau những cuộc chiến vệ quốc trường kỳ. Các anh về nằm lại, yên nghỉ vĩnh hằng trong ấm áp tình đồng chí, đồng bào ở 72 nghĩa trang từ cấp xã, huyện đến cấp quốc gia.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ thần thánh của dân tộc, Quảng Trị luôn là một trong những địa bàn chiến lược, khốc liệt nhất. Và hôm nay, sau 45 năm đất nước đã im tiếng súng bom, nhưng chưa một ai khẳng định được, đâu là cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cuối cùng nơi chiến trường này…

Với những người làm báo chúng tôi, di vật là bức thư viết dở gửi về cho thầy u ở miền quê hương kinh Bắc, đôi dép, tấm ảnh thiếu nữ quan họ ắp đầy nhớ thương vời vợi… Dù đến thấy đã rất nhiều lần nhưng vẫn không lần nào lòng thôi thổn thức. Đứng bên bến thả hoa Thành cổ trông về phía hạ nguồn, chúng tôi tự hỏi: Phải chăng, một phần hài cốt của các anh đã hòa theo dòng phù sa sông Hãn, về tưới tắm cho những ruộng đồng đơm hoa, những làng quê phong nẫm?

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia (NTLSQG) Đường 9 ở phía Tây TP Đông Hà - nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sĩ hy sinh chủ yếu trên chiến trường Đường 9 – Nam Lào. Sau khi dâng hương tại khu tưởng niệm trung tâm, chúng tôi tỏa đi dâng hương từng mộ phần. Năm nào cũng thế, Tổng Biên tập Đào Văn Hội thường đi đầu, dẫn lớp phóng viên trẻ lần đầu tham gia chuyến tri ân về một mộ phần rất đặc biệt, kích cỡ lớn nhất ở phía Đông nghĩa trang.

Cùng với Đường 9, NTLSQG Trường Sơn trở thành một trong hai nghĩa trang lớn nhất cả nước. Tọa lạc trên vùng một đồi núi đẹp ở xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Đây là chốn yên nghỉ của 10.263 anh hùng liệt sĩ trong diện tích mộ 23.000m2. Hầu hết trong số họ là những chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn Đông - đường chiến lược huyết mạch để giải phóng miền Nam.

Sau khi kính cẩn thắp hương lên các mộ phần, Phó Tổng Biên tập Thường trực Trần Đức Vinh quay lại bên cạnh chúng tôi nói: “Nghĩa trang, di tích đâu phải là nơi chết chóc? Mà đó là nơi ta thêm thiết tha yêu, thêm tự hào về Tổ quốc, đất nước, hồn cốt dân tộc người Việt. Chính những cái chết hóa thành bất diệt đã làm phục sinh cho cõi sống. Chẳng phải là động lực để thế hệ tiếp nối chúng ta thêm yêu cuộc sống, yêu nghề để xây đẹp cho đời hay sao?”.

Tháng 10/2020, phóng viên PLVN là một trong những người đầu tiên vượt được rừng núi để cứu trợ 4 máy phát điện, xăng và nhu yếu phẩm cho xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) khi đang bị cô lập và mất điện hoàn toàn.

Tháng 10/2020, phóng viên PLVN là một trong những người đầu tiên vượt được rừng núi để cứu trợ 4 máy phát điện, xăng và nhu yếu phẩm cho xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) khi đang bị cô lập và mất điện hoàn toàn.

PLVN đã đến khi đồng bào cần nhất

Song song với hành trình tri ân suốt 14 năm qua cũng là 11 mùa thiện nguyện của PLVN hướng về những vùng xa xôi hẻo lánh của “đất lửa” miền Trung để sẻ chia khốn khó cùng đồng bào, những mảnh đời bất hạnh. Trang bị vật chất cho hàng chục trụ sở chính quyền xã, huyện khó khăn, hàng chục căn nhà tình nghĩa, hàng chục cuốn sổ tiết kiệm với trị giá hàng tỷ đồng, hàng nghìn suất học bổng vượt khó, hàng trăm nghìn ấn phẩm báo giấy mỗi ngày của PLVN đã đến tận từng thôn bản miễn phí…

Không châu thổ trù phú như sông Hồng hay Cửu Long, miền Trung chỉ có nắng gió bão bùng và nhận lấy thiên tai hàng năm như một nghiệp dĩ. Nhưng qua đợt thiên tai lại là minh chứng sáng đẹp nhất cho tình người Việt. Trong đó, có hình ảnh của những người làm báo PLVN lao vào tâm bão lũ cứu trợ người dân.

Khi những phóng viên phụ trách các tỉnh địa bàn miền Trung cập nhật những tin tức đẩy về Tòa soạn, cũng là lúc hàng trăm con người PLVN khắp mọi miền lại nao lòng hướng về. Liên tục gọi, nhắn hỏi: Lũ chồng lũ, bão chồng bão nữa rồi? Bà con mình ra sao, thương đồng bào quá… Và ngay tức thì, chương trình kêu gọi ủng hộ cứu trợ miền Trung của Tòa soạn PLVN triển khai, rồi bằng mọi cách vận chuyển vào cứu trợ, không chậm trễ!

Đó là những mùa hơn cả tháng trời, phóng viên PLVN miệt mài giữa bùn đá sạt lở, bao la biển nước “rốn lũ” miền Trung để cứu trợ. Lũ ngập nóc nhà thì đi thuyền cứu đói, cứu khát khẩn cấp. Lũ rút thì hỗ trợ sinh kế ngay cho đồng bào mình đang khốn đốn sau đận thiên tai. Hàng tỷ đồng tiền mặt, hàng nghìn suất cứu trợ nhu yếu phẩm vượt bão lũ tỏa về dọc suốt các địa bàn từ Nghệ An vào Thừa Thiên - Huế, trao đến tận từng đồng bào và nắm lấy bàn tay động viên hãy vượt khó.

Cũng chính nhờ những mùa cứu trợ, thiện nguyện miệt mài như thế, những người làm báo PLVN thấu tận cùng sự chịu đựng của bà con mình, tận cùng của cái thiếu, cái khổ không tính đếm được.

Khi dòng viết này đến tay bạn đọc, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở miền Trung vẫn đang đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, chúng tôi lại phải nao lòng ngóng đợi từng tín hiệu vui từ công tác chống dịch để lại được về với miền Trung. Tháng 7 đến rồi, PLVN sẽ hết sức đảm bảo “an toàn” để về tri ân “đất lửa”, để lại nắm lấy bàn tay bà con mình và để sống trọn vẹn tình ân nghĩa với miền Trung…

Đọc thêm