LTS: Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn trong ngôi nhà chung toàn cầu. Và cho dù ở mỗi quốc gia có những hoàn cảnh, thể chế, đặc thù riêng nhưng qua những câu chuyện ở xứ người, nước người mà Câu chuyện Pháp luật giới thiệu ở đây để độc giả có thêm một góc nhìn suy ngẫm.
Tại “xứ sở kim chi”, việc phân loại, đổ rác đều được quy định rõ ràng trong pháp luật nước này, cùng với những chế tài xử phạt nặng.
Quy định nghiêm ngặt về túi đựng rác
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Hương Thảo – một du học sinh tại Seoul (Hàn Quốc), thành phố có quy định nghiêm ngặt về túi đựng rác, tuân theo quy định chung của pháp luật về thu gom, phân loại và xử lý rác.
Cụ thể, khi vứt rác, người dân phải mua túi chuyên dụng và đựng rác vào túi. Mỗi loại rác có một loại túi tương ứng với màu sắc riêng, ví dụ rác thông thường đi với túi màu trắng, rác thực phẩm đi với túi màu vàng,… Tất nhiên cũng có nhiều size túi đựng rác chuyên dụng ứng với nhu cầu xả rác của mỗi người, với giá thành khác nhau. Người dân chỉ được vứt túi rác tại những khu vực chỉ định, ví dụ khu vực rác thuỷ tinh, rác lon, rác thức ăn, rác giấy, rác tái sử dụng, rác kích thước lớn…
Mặt khác, thành phố cũng quy định những loại rác không được đổ ở bãi rác. Đơn cử, những loại rác thành phố tổ chức thu gom có thu phí (điều hoà, tủ lạnh, tivi, máy giặt, máy sấy quần áo,…); rác thải phải mang trực tiếp đến trung tâm vệ sinh tái chế (đệm lò xo, chiếu, sofa,…); rác thải phải thuê công ty dịch vụ xử lý (Phụ tùng oto, dầu, máy móc sản xuất, thuốc trừ sâu, rác thải xây dựng,…); rác thải kinh doanh từ các cửa hàng, nhà hàng, công ty, bệnh viện, hiệu thuốc,…phải được mang đến trung tâm vệ sinh tái chế hoặc uỷ quyền cho công ty có giấy phép thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật.
Túi đựng rác chuyên dụng ở Hàn Quốc |
Đối với những loại rác có kích thước lớn không thể bỏ vào túi đựng rác được quy định như tủ, giường, tivi, máy giặt, đệm, tủ lạnh…có 2 cách chính để vứt rác. Cách thứ nhất là đăng ký đổ rác online. Tức là, người dân đăng nhập vào website của thành phố, sau đó nhập tên, chủng loại, số lượng và đặc điểm của rác và các thông tin khác như ngày cần vứt, địa điểm thu gom… sau đó thanh toán trực tuyến chi phí đổ rác bằng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản.
Sau khi thanh toán, người dân phải in chứng nhận đăng kí, còn gọi là tem đổ rác, rồi dán vào từng loại rác. Sau đó, đến đúng ngày đã đăng kí, người dân bắt buộc phải đem rác bỏ tại nơi chỉ định và liên lạc với cơ sở phụ trách xử lí rác.
Cách thứ hai, người dân chỉ cần mua tem đổ rác tại các điểm bán được chỉ định, sau đó gọi điện đến cơ sở thu thập để đăng kí đổ rác. Chỉ sau thao tác gọi điện thông báo đến cơ sở phụ trách theo khu vực và được cung cấp địa điểm, thời gian đổ rác, người dân tuân theo quy trình phân loại rác, dán tem lên từng loại, rồi mang đến đúng nơi, đúng giờ đã được chỉ định.
Tem vứt rác có mệnh giá từ 2.000 - 15.000 Won (khoảng 40.000 - 300.000 VND) tùy vào kích cỡ rác. Loại tem 2.000 Won (khoảng 40.000 VND) áp dụng với các loại vật dụng nhỏ như ghế, tủ bé, máy hút bụi, TV, lò vi sóng… Với các loại vật dụng lớn hơn như tủ lạnh, điều hòa, thì phải mua loại tem 8.000 Won (khoảng 160.000VND). Còn đối với những thứ to cồng kềnh như đàn piano, giường tủ, mức phí sẽ là 15.000 Won (tương đương 290.000 VND).
Trẻ em Hàn Quốc từ nhỏ đã được dạy về nhận biết và phân loại về rác thải |
Như vậy, hầu hết đối với các loại rác thải sinh hoạt thông thường, người dân không phải đóng phí thu gom, nhưng nếu đổ sai vị trí hoặc không đựng trong túi ni-lông chuyên dụng thì sẽ bị phạt. Camera được gắn khắp nơi trong thành phố, vậy nên chỉ cần có hành vi vứt rác sai quy dịnh, người vứt rác có thể nhận giấy báo nộp phạt ngay vào hôm sau.
Mức phạt rất nặng: đổ rác trước cửa nhà phạt 50.000 Won (khoảng 1 triệu VND); đổ rác không sử dụng đúng túi chuyên dụng; đốt rác sai quy định; vi phạm phân loại đổ rác tái chế, từng hành vi này bị phạt 100.000 Won (khoảng 2 triệu VND); sử dụng xe để đổ rác sai nơi quy định phạt 300.000 Won (khoảng 6 triệu VND)…. Ngoài ra, việc không tuân thủ những quy định về phân loại và đổ rác có thể khiến rác thải bị trả lại, thậm chí còn có thể bị người dân trong khu vực chỉ trích, kì thị.
Ý thức cộng đồng về việc đổ rác
Được biết, những du học sinh như chị Thảo khi đến thuê nhà và sinh sống tại Hàn Quốc đều được tổ dân phố phổ biến quy định về “xử lý rác thải”. Theo đó, nghĩa vụ của người dân, bao gồm cả công dân và người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc, không chỉ dừng lại ở hành động “đổ rác” mà phải “phân loại và đổ rác đúng nơi, đúng giờ”. Người Hàn Quốc từ nhỏ đã được giáo dục về cách nhận biết chất liệu, thu gom và phân loại để đổ rác, “hằn sâu” thành thói quen khi họ trưởng thành. Còn tại Việt Nam, hiếm thấy người Việt nhận thức rõ rệt về việc phân loại rác thải trước khi vứt rác.
Không chỉ dừng ở phổ biến, giáo dục pháp luật, tại các địa điểm đổ rác cũng được dán thông báo to đùng hướng dẫn phân loại và đổ rác dành cho người Hàn Quốc và người nước ngoài. Các thông báo còn được dịch ra nhiều thứ tiếng cho những cộng đồng có nhiều người nước ngoài sinh sống tại Hàn, ví dụ cộng đồng người Việt, người Trung Quốc…
Dựa trên tinh thần này, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: “Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi tiến hành thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo hướng người gây ô nhiễm phải trả tiền, đồng thời thúc đẩy phân loại rác tại nguồn”.
Phân loại rác là tư duy ít thấy của người Việt |
Theo đó, sẽ áp dụng tại một số đô thị lớn, dân cư tập trung như Hà Nội, Sài Gòn… cách phân loại chất thải sinh hoạt thành 4 nhóm sau: nhóm chất hữu cơ dễ phân hủy như rau quả, cơm thừa; nhóm có thể tái chế, tái sử dụng; nhóm chất thải cồng kềnh như bàn ghế, sofa; và nhóm chất thải phải xử lý.
Chính phủ sẽ quy định và phát hành các bao bì đựng rác chuyên dụng theo màu sắc và kích cỡ và giá tiền riêng. Hộ gia đình có khối lượng chất thải phát sinh dưới 300 kg mỗi ngày có thể lựa chọn hình thức mua túi của UBND các tỉnh, thành; theo đó giá bán túi đã gồm cả phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Còn đối với trường hợp lượng chất thải lớn hơn 300 kg, các tổ chức, cá nhân phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý rác thải.
Khách quan mà nói, hầu hết du khách Việt Nam đến Hàn Quốc cũng đều ấn tượng với đường phố xanh- sạch- đẹp của “xứ sở kim chi”. Bài học từ chính sách xử lý rác của Hàn Quốc là phải xây dựng ý thức vứt rác đúng quy định cho người dân từ rất sớm, trong xã hội người lớn phải làm gương cho trẻ nhỏ. Để làm được điều này, công tác phổ biến giáo dục phải hiệu quả, đi kèm với các chế tài nghiêm minh, đủ tính răn đe.
Tuy nhiên chế tài ở các nước có giống nhau hay không, việc áp dụng như thế nào mới phù hợp, khả thi với tình hình văn hoá- kinh tế- xã hội của mỗi nước? Vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập trong bài viết tiếp theo, mời độc giả đón đọc.