Trông người ngẫm đến ta: Chuyện Indonesia “cứu” biển

(PLVN) - Là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, có dân số ven biển đông đảo với trên 18.000 hòn đảo, vì vậy, không ngạc nhiên khi Indonesia là quốc gia đóng góp lượng chất thải nhựa ra biển lớn thứ hai thế giới (1,29 triệu tấn nhựa mỗi năm). Đây cũng là quốc gia có nhiều nỗ lực đáng kể trong việc cải thiện môi trường biển. 

 

 

Trông người ngẫm đến ta: Chuyện Indonesia “cứu” biển

Mỗi năm có 8 triệu tấn nhựa đổ ra biển

Với tốc độ tăng dân số và đô thị hóa toàn cầu nhanh chóng, phát sinh chất thải đô thị dự kiến sẽ tăng lên 2,2 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2025 theo Ngân hàng Thế giới. Ước tính mỗi năm có 8 triệu tấn nhựa đổ vào đại dương, gây ô nhiễm biển nặng. Cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu này đang dần trở nên trầm trọng hơn bởi hệ thống quản lý chất thải yếu kém tại nhiều thành phố ven biển, đặc biệt là những thành phố có tốc độ đô thị hoá và phát triển nhanh chóng ở các nước đang phát triển. 

Nghiên cứu cho thấy, Indonesia thải ra biển 1,29 triệu tấn nhựa hàng năm, nhiều tổ chức môi trường trên thế giới đều nhìn nhận Indonesia là “nút thắt” quan trọng để đương đầu với thách thức ô nhiễm nhựa trên biển. 

Nhiều năm nay, chính phủ Indonesia đã ban hành các chính sách cấp quốc gia về quản lý chất thải rắn (SWM) và đang thực hiện kế hoạch hành động trên phạm vi toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa trên biển. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương thường xuyên thiếu kinh phí để thực hiện các kế hoạch cấp thành phố.

Nhằm giải quyết vấn đề tài chính, chính phủ Indonesia đã hợp tác với Quỹ Circulation Capital của USAID thông qua Chương trình tái chế chất thải thành phố (MWRP). Được biết, vào năm 2015, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã nhận Chỉ thị trực tiếp từ Quốc hội Hoa Kỳ hỗ trợ tái chế chất thải có tính nguy hiểm cao đối với sức khoẻ con người và môi trường, thông qua việc tái chế tạo ra thu nhập, cải thiện các ngành nông-lâm-ngư nghiệp và ngành sản xuất năng lượng.

Indonesia là quốc gia thứ 2 thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra biển (Ảnh: Urbanlink)
 Indonesia là quốc gia thứ 2 thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra biển (Ảnh: Urbanlink)

Chương trình tái chế chất thải thành phố (MWRP) của USAID được thiết kế để nhằm giảm các nguồn ô nhiễm nhựa trên biển và đất liền ở Indonesia, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam. Đáng nói, thông qua quan hệ đối tác với Indonesia, USAID đang bảo lãnh 50% khoản đầu tư từ quỹ Circulation Capital vào Tridi Oasis – một công ty có trụ sở tại Jakarta chuyên tái chế chai nhựa PET.

Nhiều sáng kiến tái chế rác thải nhựa tại các thành phố ven biển cần nguồn tài chính đáng kể để đạt hiệu quả. Do vậy, từ tháng 10/208 – tháng 9/2020, mô hình “Bank Sampah” (tạm dịch: ngân hàng rác thải) được sử dụng và thực hiện bởi ngân hàng Misool có trụ sở tại Raja Ampat (Indonesia). Dự án tái chế cộng đồng này mua rác nhựa từ cộng đồng để khuyến khích người dân địa phương tái chế,  giảm ô nhiễm môi trường đất và nước. 

Theo đó, mỗi gia đình và cá nhân có thể mở tài khoản tiết kiệm và tăng thêm thu nhập tại các “ngân hàng rác thải”. USAID cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tăng phạm vi tái chế toàn thành phố. Dự án còn hỗ trợ chính quyền địa phương về nhân lực, các dịch vụ thu gom rác địa phương, lắp đặt các địa điểm thu gom tái chế và tiến hành các hội thảo để giới thiệu và thu tiền hệ thống cho các quan chức địa phương… 

Dự án cũng sẽ khuyến khích sự tham gia tích cực của các thành viên cộng đồng, bao gồm các nhóm phụ nữ, thanh niên, và người nghèo, trong việc thu thập và bán các vật liệu tái chế thông qua các chiến dịch phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức, tập huấn cộng đồng, thành lập câu lạc bộ nhặt rác, tổ chức các sự kiện dọn dẹp bãi biển,… Thông qua đó, dự án hướng tới mở rộng mô hình trên toàn quốc, nâng cao nhận thức, tăng cường tiếp cận tới các hộ gia đình sống dọc bờ biển và bờ sông. 

Đất nước Indonesia chung tay đẩy lùi rác thải nhựa

Theo tư liệu của MWRP, công tác phối hợp, nâng cao năng lực địa phương trong hoạt động quản lý chất thải đạt thành công đáng kể ở tỉnh Nam Sulawesi, đặc biệt là thành phố Makassar. “Ngân hàng rác thải” đã được thực hiện rất sớm tại quận Somba Opu, tạo động lực cho người dân đến “bán rác” kiếm thêm thu nhập, đồng thời tạo tiền đề cho các địa phương khác học theo và áp dụng. Mặt khác, chính quyền thành phố Makassar tích cực tiếp cận với cư dân để “đồng hành” cùng họ thực hiện các chính sách quản lý chất thải của nhà nước một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ vào quản lý rác thải cũng được chú trọng. Có thể kể đến, quỹ Gringgo Indonesia (Gringgo) được thành lập vào năm 2017 từ công ty khởi nghiệp công nghệ PT Gringgo, tập trung vào lĩnh vực quản lý chất thải rắn ở Bali. Mục tiêu chính của Gringgo là giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải đô thị và các vấn đề ô nhiễm nhựa trên biển từ các nước đang phát triển ở châu Á. 

Kể từ khi thành lập, Gringgo đã phát triển các giải pháp công nghệ để cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn (SWM) ở Bali và giảm các nguồn ô nhiễm nhựa trên đất liền. Dựa trên những bài học rút ra từ dự án thí điểm tại làng Sanur Kaja ở Denpasar, Gringgo hiện đang nghiên cứu, phát triển “Công nghệ phòng chống nhựa đại dương và tái chế mở rộng” (T.O.P.P.E.R.). 

Theo đó, dự án nghiên cứu này bước đầu thu thập và duy trì dữ liệu về thành phần và “hệ sinh thái” chất thải rắn trong thành phố này, nhằm cung cấp phân tích cho các nhà điều hành, quản lý chất thải để cải thiện hiệu quả việc thu gom, xử lý rác thải trong hiện tại và tương lại. Sau khi xây dựng được hệ thống dữ liệu đáng tin cậy, Gringgo tiếp tục tham mưu, góp ý, hỗ trợ việc thiết lập giải pháp, mô hình cung cấp các dịch vụ cộng đồng và cải thiện hợp tác giữa cư dân cộng đồng và nhà điều hành quản lý chất thải rắn thành phố.

'Hãy làm sạch Jakarta' (Ảnh: Urbanlink)
 'Hãy làm sạch Jakarta' (Ảnh: Urbanlink)

Mặt khác, quần đảo Kepulauan Seribu là một chuỗi các đảo “nhạy cảm” về mặt sinh thái ngoài khơi của Jakarta khi đối mặt với lượng khách du lịch “quá tải” trong nhiều năm qua. Đáng nói, vị trí của quần đảo có liên quan mật thiết đến các dòng hải lưu dẫn từ đất liền. Hàng năm, cứ đến mùa mưa, ước tính có tới 40.000 tấn rác thải trôi nổi ở vùng biển quanh các đảo, phần lớn là rác thải nhựa. Tháng 6/2019, quần đảo đã phát động dự án “Hãy giải cứu những quần đảo nhỏ bé của chúng tôi” (Save Our Small Islands) nhằm kêu gọi ý thức và hành động tái chế nhựa, cải thiện môi trường đảo và sinh kế của người dân. 

Sáng kiến này được thực hiện bởi Divers Clean Action, một tổ chức do thanh niên lãnh đạo tham gia với hơn 1.000 tình nguyện viên trẻ. Họ tích cực kêu gọi người dân địa phương tham gia vào hệ thống quản lý chất thải rắn dựa vào cộng đồng (SWM), hỗ trợ cải thiện các dịch vụ thu gom chất thải rắn do chính phủ và khu vực tư nhân cung cấp; và liên kết người thu gom chất thải không chính thức với hệ thống quản lý tái chế địa phương. 

Quả thực, những sáng kiến nêu trên mới chỉ là một số trong rất nhiều ý tưởng sáng tạo và nỗ lực của Indonesia nhằm đẩy lùi rác thải nhựa. Còn tại Việt Nam, mới đây, dự án “Xây dựng và chia sẻ mô hình không rác thải tại các cộng đồng Châu Á được lựa chọn” đã chính thức được khởi động tại Nhà Cộng đồng xã Cẩm Thanh, Hội An, được tài trợ bởi Chương trình tái chế rác thải đô thị (MWRP) của USAID thông qua tổ chức GAIA Philippines, thực hiện đến tháng 2/2021.

Nước ta có đường bờ biển kéo dài 3.260 km, xếp thứ 32 trong số 156 quốc gia có giáp biển và cũng đang đối mặt với vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng. Thiết nghĩ, những hành động thiết thực, tích cực nhằm đẩy lùi vấn nạn này cần được chú trọng, phát triển trên phạm vi rộng khắp hơn nữa, học tập từ tinh thần của người Indonesia “cứu” biển.

Đọc thêm