Trong tâm "bão dịch", thương mại điện tử "lên ngôi"

(PLVN) - Nhiều dự báo cho thấy, trị trường thương mại điện tử tăng trưởng trung bình 25% và còn hy vọng tăng hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, có lẽ không còn phải đợi lâu, dịch Covid 19 đang làm đảo lộn nhiều thói quen và thương mại điện tử  đã chính thức lên ngôi ngay trong cơn bão Covid. 
Trong tâm "bão dịch", thương mại điện tử "lên ngôi"

Tăng doanh số gấp vài lần từ thương mại điện tử 

Lần đầu tiên, vải thiều được tổ chức bán trực tuyến một cách quy mô trên ví điện tử Mo-mo. Theo đại diện đơn vị này, sau 20 ngày mở bán, 75 tấn vải thiều với tổng trị giá trên 2,08 tỉ đồng được bán ra tại TP HCM và Hà Nội. Kết quả đạt được đã trên "mức kỳ vọng" của những người thực hiện chương trình, cũng cho thấy xu hướng mua sắm thương mại điện tử  hoàn toàn có thể đến với bất kỳ ngành hàng nào. 

Tương tự, café pha chế sẵn cũng bắt đầu tiến vào thị trường thương mại điện tử. Ông Hồ Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà-phê Mayaca cho biết, mặc dùCông ty đã rất quan tâm và đầu tư nguồn kinh phí để hình thành gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang bán hàng điện tử lớn như Lazada, Tiki... nhưng kết quả vẫn chưa ổn định.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 ập đến, Cà-phê Mayaca đã nhanh chóng đưa dòng sản phẩm cà phê pha chế sẵn và bán mang đi với mức giá giảm từ 10-15% so với giá thông thường. Hình thức bán hàng trên Thương mại điện tử  được tăng cường và đã có kết quả khá tốt. 

Ngoài những mặt hàng mới xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, những mặt hàng vẫn được giao bán trên thương mại điện tử  cũng đã đẩy mạnh hơn kênh phân phối này. Một báo cáo mới đây cho thấy, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, doanh số bán lẻ truyền thống giảm đã trở thành đòn bẩy cho lĩnh vực thương mại điện tử  và kinh doanh mua sắm trực tuyến tăng trưởng, hỗ trợ các hoạt động buôn bán của nhiều cửa hàng. 

Tại thị trường Việt Nam, trong số những tên tuổi lớn ở lĩnh vực thương mại điện tử, Tiki phát triển với tốc độ nhanh nhất và đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/phút, SpeedL và Saigon Co.op có sự gia tăng theo cấp số nhân trong kênh bán hàng trực tuyến, mặt khác, Grab đã kích hoạt một nền tảng mới 'GrabMart' để phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm tại nhà của khách hàng.

Đại diện Lazada cho biết một vài ví dụ về việc tăng trưởng bán hàng thương mại điện tử  trong mùa dịch Covid-19. Theo đại diện này, có những gian hàng đã tăng gấp vào lần doanh số so với trước khi có dịch. Ví dụ như Gian hang Myphamhuucospa có mức doanh thu tăng 14 lần so với trước dịch, nhờ tăng số lượng livestreaming lên 2,5 lần. Chủ shop Nhã My nhờ tăng cường các buổi giới thiệu sản phẩm trên kênh trực tuyến cũng tăng doanh thu lên 1,5 lần.

 

Bên cạnh các người bán hàng đơn lẻ, Lazada cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp thuần túy offline (kiểu bán hàng truyền thống) cũng chuyển đổi sang thương mại điện tử  thành công, tạo ra kênh phân phối mới ngay trong dịch.

Điển hình như Sagrifood chỉ mới lên sàn trong tháng 4, tuy nhiên doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm tươi sống này nhanh chóng tận dụng nền tảng thương mại điện tử  để mang về một kết quả ngoài sức tưởng tượng với đơn hàng tăng gấp 40 lần so với ngày thường. Xưởng giày Minh Nhân cũng là "trường hợp điển hình" khi thu về mỗi ngày 200-300 đơn hàng mỗi ngày, tạo công việc cho 20 nghệ nhân.

Thương mại điện tử bứt phá ngoạn mục

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, khi tất cả các ngành nghề khác điêu đứng vì dịch Covid-19 thì thương mại điện tử  đã cómột bứt phá vô cùng ngoạn mục. Covid-19 đã nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng ưa thích mua sắm trực tuyến hơn.

Nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay đã bán trực tuyến, nhiều người chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay đã mua hàng trực tuyến. Trong giai đoạn cao điểm của làn sóng dịch Covid , Thương mại điện tử  là kênh duy nhất để tiếp cận tới một số hàng hoá và dịch vụ.

 

Các chuyên gia cũng đánh giá rằng tác động của dịch bệnh sẽ còn lan tỏa trong giai đoạn nửa cuối năm, mở ra thêm cánh cửa mới cho các sàn thương mại điện tử. Một lãnh đạo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho rằng, chính nhờ dịch Covid-19, thương mại điện tử  đã có một đời sống vững chắc trong quá trình phát triển của mình.Trong tương lai gần, các nhà bán lẻ Thương mại điện tử  có thể nắm bắt nhóm khách hàng đang đẩy mạnh mua sắm online để tăng bán các mặt hàng có giá trị lớn hơn.

Bà Vũ Thị Ánh Tuyết, Chánh Văn phòng Lazada Việt Nam cũng cho biết Covid-19 thực chất mang đến nhiều khởi sắc cho các sàn thương mại điện tử. Số lượngngười tiêu dùng mua sắm trên môi trường mạng tăng rõ rệt.

Những người chưa mua online thì trong dịch đã bắt đầu mua, còn nhóm đã từng mua qua mạng trước đó thì sẵn sàng mua những món hàng trước đó họ chưa mua bao giờ. Thậm chí, các nhà bán hàng cũng có thể cảm nhận được cú hích trong mùa dịch khi số lượng nhà bán hàng mới trong quý I/2020 tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Một nghiên cứu của Nielsen tại Việt Nam cũng cho thấy, có đến 35% số người được khảo sát dành nhiều thời gian hơn xem nội dung trực tuyến, 25% tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến.

Đáng chú ý, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, khi tiến hành mua bán thương mại điện tử, người mua tiến hành quyết định mua một món đồ rất nhanh, không suy nghĩ nhiều như trong các giao dịch truyền thống. Nhờ thế, doanh thu thương mại điện tử cũng tăng nhanh hơn. Vecom dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ lên trên 30% và quy mô thị trường này sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Vecom cho rằng, thương mại điện tử  lên ngôi không chỉ thể hiện ở số lượng người mua tăng lên mà còn thể hiện ở điểm các doanh nghiệp làm về Thương mại điện tử  đều giữ ổn định nhân sự trong đợt cao điểm dịch Covid, trong khi rất nhiều ngành, dịch vụ khác đã buộc phải cho nhân sự giảm giờ làm, nghỉ việc, thậm chí đóng cửa. 

Đọc thêm