Tuổi trẻ tài cao
Lục Tốn (183-245), vốn tên là Lục Nghị, tự Bá Ngôn, người Ngô Quận (thành phố Thường Châu, Giang Tô ngày nay), được xem là nhà quân sự, chính trị tài ba, phụ trách thống lĩnh quân sự và chính trị Đông Ngô trong nhiều năm; từng nắm cả binh quyền lẫn chính sự, phò tá thái tử, giữ các chức Đại đô đốc, Thượng đại tướng quân, Thừa tướng; chết khi 62 tuổi, được truy phong Chiêu Hầu.
Lục Tốn sinh trong gia đình quan lại họ Lục rất có thế lực ở Ngô Quận, mồ côi cha sớm, được ông trẻ là Lục Khang nuôi. Viên Thuật thiếu lương muốn hỏi vay Lục Khang nhưng Lục gia coi Viên Thuật là kẻ phản nghịch triều đình nhà Hán nên từ chối, Viên Thuật tức giận sai thuộc hạ là Tôn Sách đem quân đánh, bao vây thành Lư Giang hàng tháng trời.
Sau khi chiếm thành, mở rộng thế lực, Tôn Sách đã ly khai Viên Thuật, hình thành thế lực quân phiệt cát cứ Giang Đông. Năm 200, Tôn Sách chết, em là Tôn Quyền lên thay.
Tôn Quyền muốn tranh thủ gia tộc họ Lục nên cho con em họ làm quan. Năm Kiến An thứ 8 (203), Lục Tốn 21 tuổi được Tôn Quyền giao làm Đông Tây Tào lệnh sử, sau là Đồn điền Đô úy, Huyện trưởng ở Hải Tinh. Tốn đã hoàn thành xuất sắc, được trăm họ ca ngợi. Năm 216, xảy ra loạn Vưu Đột ở Phiên Dương, Lục Tốn mang quân chinh phạt thành công, được phong làm Uy Hiệu úy.
Tôn Quyền thấy Lục Tốn tuổi trẻ tài cao, đem lòng yêu mến, bèn gả cháu gái (con Tôn Sách) cho và nhiều lần gọi đến để bàn chuyện thiên hạ. Tôn Quyền còn giao Lục Tốn làm Hữu Đô đốc, thống lĩnh Túc vệ quân, làm đô đốc 3 quận Cối Kê, Đan Dương, Phiên Dương.
Khi đó Phí Sạn ở Đan Dương theo Tào Tháo, kích động dân Sơn Việt nổi dậy làm nội ứng. Được Tôn Quyền sai, Lục Tốn bày kế nghi binh, khiến quân Phí Sạn hoảng sợ, hoang mang bỏ trốn dần khiến Phí Sạn phải chạy. Lục Tốn bình định thảo khấu ở miền Đông 3 quận, thu phục mấy vạn người, giải quyết được vấn đề thiếu quân nghiêm trọng của Đông Ngô lúc đó.
Lập mưu lấy Kinh Châu
Năm Kiến An thứ 24 (219) Quan Vũ đem quân đánh Tào Nhân ở Phàn Thành, mang quân đóng ở Công An, Nam Quận. Lục Tốn bày cho Đô đốc Lã Mông giả ốm dùng kế để tập kích Kinh Châu: “Quan Vũ cậy mình kiêu dũng, coi thường người khác, lập công lớn rồi tự cao tự đại, chỉ tập trung vào việc đánh Ngụy, không hề đề phòng phía ta. Nếu nghe tin tướng quân bị bệnh, ắt sẽ bỏ qua mọi phòng bị; sau đó ta xuất kỳ bất ý tấn công, tất bắt được Quan Vũ”.
Lã Mông nghe theo, giả ốm xin về Kiến Nghiệp, đề nghị Lục Tốn thay chức. Lục Tốn khi đó tuổi trẻ, chưa có tiếng tăm trên chiến trường, sau khi ra Lục Khẩu lại viết thư có ý khiêm nhường, tâng bốc Quan Vũ và muốn cầu hòa nên Quan Vũ càng tỏ ra coi thường, lơi lỏng việc phòng thủ Kinh Châu, tập trung đánh Tào.
|
Hình tượng Lục Tốn trên phim |
Tháng 11/219, Tôn Quyền đem đại quân tập kích Kinh Châu, sai Lã Mông, Lục Tốn làm tiền quân đánh chiếm Công An, Nam Quận, Lục Tốn được giao làm Thái thú Nghi Đô, phong Hoa Đình Hầu. Sau khi Lã Mông truy sát Quan Vũ, Lục Tốn đem quân đánh chiếm Phòng Lăng, Nam Hương, các nơi tới tấp đầu hàng.
Lúc đầu các tướng Kinh Châu đầu hàng, nhưng sĩ phu chưa theo, Lục Tốn lại bày cách để Tôn Quyền thu phục nhân tâm khiến sau này Lưu Bị khi đánh Đồng Ngô không lôi kéo được các thế lực ở Kinh Châu ủng hộ. Sau đại thắng Kinh Châu, Tôn Quyền phong Lục Tốn làm Hữu tướng quân, Trấn Tây tướng quân, chức quan cao hơn cả Lã Mông.
Bày kế đánh tan đại quân Lưu Bị
Năm 221, Lưu Bị dẫn đại quân đánh Đông Ngô. Tôn Quyền sai sứ cầu hòa bất thành, một mặt xưng thần với Ngụy muốn hòa hiếu để tránh quân Ngụy thừa cơ đánh úp; mặt khác phong Lục Tốn làm Đại đô đốc đem quân ứng chiến.
Tháng 2/222, đại quân Thục tiến đến Di Lăng, Tỉ Quy (Nghi Xương, Hà Bắc ngày nay), đóng trại kéo dài cả trăm dặm và được bộ tộc Ngũ Khê Man ở Vũ Lăng ủng hộ, thanh thế rất lớn. Quân Thục liên tục khiêu chiến, nhưng Lục Tốn kiên quyết không ra.
Sau Lục Tốn nghiên cứu thấy địa hình và hậu cần đều bất lợi cho Ngô bèn rút lui chiến lược về Hào Đình (phía Bắc Nghi Đô, Hồ Bắc ngày nay), chiếm giữ địa hình có lợi, bịt chặt cửa sông Tam Hiệp. Quân hai bên giằng co đến tháng 6 khí hậu nóng nực, quân Thục ốm đau, mệt mỏi, sĩ khí không còn, lui vào đóng trại trong rừng, Lục Tốn mới phản kích, dùng hỏa công thiêu liên trại, phong tỏa mặt sông, chặn đường đi Di Lăng.
Quân Thục đại bại, các tướng Phùng Tập, Trương Nam, Phó Đồng, Mã Lương, Vương Phổ, Samakha đều bị giết, Hoàng Quyền trấn thủ Giang Bắc bị chặn đường lui phải dẫn quân sang hàng Ngụy. Lưu Bị thảm bại, dẫn đám tàn quân bản bộ còn sót tháo chạy suốt đêm về thành Bạch Đế. Các tướng Ngô muốn thừa cơ đuổi theo, nhưng Lục Tốn không nghe, nói:
“Tào Phi tập kết đại quân đến đây, giả cớ giúp Ngô Vương đánh Lưu Bị, thực tế có gian tâm, ta phải lui quân về Giang Lăng ngay”. Quả nhiên, ít lâu sau Ngụy đế Tào Phi giả cớ hợp quân đánh Thục, đưa quân sang Đông Ngô, nhưng thấy quân Ngô đã có phòng bị, đành rút lui… Sau trận này, Tôn Quyền gia phong Lục Tốn làm Phụ Quốc tướng quân, Giang Lăng hầu, giao trán thủ Tây Lăng.
Ít lâu sau, Lưu Bị chết, Thừa tướng Thục Hán là Gia Cát Lượng nắm quyền, quay lại liên minh với Đông Ngô, hủy bỏ sự đối địch khi trước. Từ đó về sau, khi xử lý các chuyện trong quan hệ với Thục, Tôn Quyền đều trưng cầu ý kiến Lục Tốn, văn thư gửi Thục cũng đưa Tốn xem trước, có khi giao Tốn thay mặt mình trả lời Thục. Tôn Quyền còn cho khắc ấn của ông giao cho Lục Tốn để thay mình xử lý các vấn đề liên quan đến Thục. Đó quả là điều hiếm thấy trong lịch sử.
Năm 229, Tôn Quyền xưng đế, lập ra chức Thượng Đại tướng quân ở trên Đại tướng quân, địa vị cao hơn Tam Công. Lục Tốn được phong Thượng Đại tướng quân, Hữu đô hộ. Cùng năm, Tôn Quyền du tuần Kiến Nghiệp, để Thái tử Tôn Đăng, các hoàng tử và các quan Thượng thư ở lại Vũ Xương, giao Lục Tốn phò tá Thái tử, nắm quyền điều hành mọi việc ở cả 3 quận Kinh Châu, Dương Châu, Dự Chương, chủ trì đại quyền nước Ngô.
Quyền thần ngậm oan
Tôn Quyền giao Lục Tốn giáo dục các hoàng tử. Con thứ ông là Tôn Lự mê chọi gà, Lục Tốn nghiêm khắc: “Quân hầu phải chăm đọc kinh điển để gia tăng kiến thức, chơi trò đó phỏng ích gì?”, Tôn Lự nghe ra bèn phá hủy trường gà.
Cháu Tôn Quyền là Hiệu úy Tôn Tùng được Tôn Quyền yêu quý, nhưng không nghiêm quân kỷ, buông lỏng cho quân sĩ làm bậy, Lục Tốn bắt phạt cạo đầu tên lính vi phạm trước mặt Tùng mà Tùng không dám oán trách.
|
Lục Tốn - Tranh cổ |
Năm 244, Cố Ung chết, Lục Tốn được giao làm Thừa tướng, chủ trì mọi việc mà tiếp tục đảm nhiệm các chức Kinh Châu mục, Hữu đô hộ…Ít lâu sau, ông bị cuốn vào cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa Thái tử Tôn Hòa và Lỗ vương Tôn Bá.
Con Toàn Tông là Toàn Ký theo Tôn Bá, Lục Tốn viết thư khuyên Toàn Tông hãy học người xưa, giết quách Toàn Ký kẻo gia tộc chuốc họa. Tông không nghe khiến hai người xảy ra mâu thuẫn.
Theo “Ngô Lục” ghi chép: Tôn Quyền gọi riêng Dương Trúc để hỏi, Trúc ủng hộ Tôn Bá, nói Bá là người văn võ toàn tài, nên cho kế vị. Tôn Quyền định phế Thái tử. Có người núp nghe được báo cho Thái tử, Tôn Hòa vội nhờ Lục Tốn dâng biểu khuyên ngăn. Lục Tốn 3 - 4 lần dâng biểu ngăn Tôn Quyền, khiến ông rất tức giận, nhưng Lục Tốn là trọng thần nên không xử lý.
Lục Tốn nhiều lần cầu kiến, nhưng Tôn Quyền không cho gặp và truy xét những người đã làm lộ chuyện cơ mật này, đồng thời cho người đến trách mắng Lục Tốn.
Năm 245, Lục Tốn qua đời ở tuổi 63, theo “Tam Quốc chí”, Lục Tốn u uất sinh bệnh mà chết do bị Tôn Quyền trách mắng, các cháu ngoại là Diêu Tín, Cố Đàm bị cha con Toàn Tông hãm hại. Cả đời ông tiết kiệm, tri túc, khi chết trong nhà chẳng có của cải gì.
Con trai Tốn là Lục Kháng năm đó 20 tuổi, được Tôn Quyền phong làm Kiến Vũ Hiệu úy, lĩnh 5 ngàn quân của cha. Mai táng cha xong, Lục Kháng về kinh tạ ơn, Tôn Quyền sai người chất vấn Lục Kháng về 20 tội trạng của Lục Tốn mà Dương Trúc tố cáo.
Kháng làm rõ từng vấn đề, giải oan cho cha, Tôn Quyền mới dần thôi tức giận Lục Tốn. Năm 251, Tôn Quyền nhận ra sai lầm, khi Lục Kháng về kinh chữa bệnh, Tôn Quyền đến thăm đã khóc bày tỏ hối hận:
“Trước đây ta nghe lời sàm tấu, quay lưng chính đạo, phụ lòng cha ngươi. Ta đã cho đốt hết những tài liệu trách vấn để người sau khỏi thấy”. Đến đời Ngô Cảnh Đế Tôn Hưu, Lục Tốn được truy phong làm Chiêu Hầu...