Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp diễn biến phức tạp

(PLO) - Được triển khai thực hiện từ năm 2009, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã góp phần hỗ trợ người lao động (NLĐ) trong trường hợp bị mất việc làm, giúp gia đình họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp NLĐ sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã có không ít trường hợp lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi quỹ, gây thất thoát nguồn quỹ và tạo sự mất công bằng trong thụ hưởng.
Hình minh họa

Có việc làm nhưng vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp

Theo quy định, nếu NLĐ có việc làm mới sẽ chấm dứt ngay việc hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), số tháng hưởng TCTN còn lại sẽ được bảo lưu. Tuy nhiên, nhiều NLĐ vừa có việc làm mới vừa hưởng TCTN mà không tự động khai báo. 

Ví dụ như trường hợp anh Đỗ Văn T., hiện đang làm việc cho một doanh nghiệp (DN) ở KCN Đồng Văn (Duy Tiên – Hà Nam), với mục đích trục lợi BHTN, anh T. đã xin nghỉ việc và đến Phòng Giao dịch việc làm huyện Duy Tiên nộp hồ sơ hưởng TCTN. 

Ngay sau khi được hưởng TCTN, anh T. có việc làm mới. Tuy nhiên, anh T. cũng không đến thông báo cho cơ quan chức năng về tình hình việc làm của mình. Đến khi anh T. đi làm, đóng BHXH nơi làm việc mới, cơ quan chức năng phát hiện thời gian gián đoạn của anh T. rất ngắn, chưa quá 1 tháng và ngành chức năng đã dừng việc chi trả.

Còn ở Đồng Nai, trong năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh phát hiện bà T.T.N.T từ tháng 8/2017 hưởng TCTN với số tiền 18,75 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế bà T. đã có việc làm trong vòng 15 ngày nộp hồ sơ BHTN, nên không thuộc diện hưởng trợ cấp; do đó, Trung tâm DVVL đã đề nghị ngành chức năng ra quyết định thu hồi.

Một trường hợp khác là bà H.T.T.T đã hưởng 3 tháng TCTN, song qua rà soát cho thấy bà này cũng không thuộc diện được hưởng, vì trong vòng 15 ngày nộp hồ sơ BHTN đã có việc làm mới.

Hay tại thành phố lớn như TP HCM, trong 10 tháng đầu năm 2017, Trung tâm DVVL TP HCM phối hợp với BHXH TP HCM đã phát hiện khoảng 330 NLĐ có việc làm nhưng vẫn hưởng TCTN với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, qua kiểm toán cũng phát hiện 720 trường hợp khác vừa có việc làm, vừa nhận TCTN từ các năm 2012, 2013, với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Đại diện Trung tâm DVVL TP HCM cho biết: “Trung tâm cũng không biết và không có công cụ nào để nhận biết NLĐ đã có việc làm mới ở đâu hay không. Tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực của NLĐ. Những trường hợp gian lận chỉ được nhận biết khi họ có tham gia đóng BHXH ở nơi làm mới. Nhưng khi phát hiện được thì rất nhiều trường hợp đã “ăn gian” được vài tháng tiền TCTN”.

Trước đó, theo số liệu tổng hợp của BHXH các địa phương, trong năm 2015 và 2016 đã phát hiện và đề nghị ngành LĐ-TB&XH ban hành quyết định thu hồi đối với 15.156 người hưởng TCTN sai quy định với tổng số tiền 70,96 tỉ đồng. Trong đó, tập trung tại một số địa phương như: TP HCM (4.940 người), Bình Dương (2.806 người), Đồng Nai (986 người), An Giang (730 người)… Tuy nhiên, tính đến hết năm 2016, vẫn còn 32,58 tỉ đồng chưa thu hồi được do không liên lạc được với NLĐ, hoặc NLĐ chưa có khả năng nộp lại. Đại diện một số địa phương cho hay, việc thu hồi lại tiền TCTN rất khó khăn, bởi NLĐ thường có tâm lý tiền đã trả vào tay họ là tiền của họ, nên cố tình né tránh không chịu nộp lại…

Tăng cường thực hiện các giải pháp ngăn chặn 

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHTN; phòng chống việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHTN, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phải chủ động phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm DVVL tổ chức rà soát, đối chiếu dữ liệu quản lý thu BHXH bắt buộc, BHTN, qua đó phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp hưởng chế độ sai quy định.

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cần thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra nội bộ việc thu, chi BHTN, trong đó tập trung nội dung chi trả TCTN một lần, chi hỗ trợ học nghề giai đoạn từ năm 2014 trở về trước theo quy định của Luật BHXH năm 2006. Kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm pháp luật về BHTN và xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp nào vượt quá thẩm quyền thì chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo BHXH Việt Nam, đối với những vụ việc phát hiện giả mạo hồ sơ hưởng BHTN mang tính điển hình, gây thiệt hại cho quỹ và ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội thì BHXH các địa phương cần chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an điều tra, xử lý nghiêm. Qua đó, giúp cảnh báo đối với các cá nhân, đơn vị đang có ý định phạm luật; đồng thời ngăn chặn các hành vi gây thất thoát quỹ, đảm bảo công bằng trong thụ hưởng chế độ…

Được biết, hiện nay BHXH Việt Nam đã giao Vụ Thanh tra - Kiểm tra rà soát, củng cố lại đội ngũ cán bộ làm công tác này; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thanh tra chuyên ngành cho đội ngũ thanh tra viên ở các địa phương, để họ thực hiện tốt công tác thanh tra đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Đồng thời, phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành theo kế hoạch hoặc đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ BHTN. Đặc biệt, việc thực hiện liên thông dữ liệu thu BHXH, BHTN sẽ giúp BHXH các địa phương nắm bắt được kịp thời tình hình đóng, hưởng chế độ; từ đó có giải pháp bảo đảm an toàn nguồn quỹ. 

Đọc thêm