Trực tiếp hay gián tiếp làm lây lan bệnh dịch: Cần xử lý nghiêm để răn đe

(PLVN) - Dư luận đang quan tâm những trường hợp như thế phải xử lý thế nào để tăng tính răn đe, nhằm hạn chế tình trạng tương tự tiếp diễn?
Lực lượng biên phòng siết chặt nhập cảnh.

Cả đất nước “chạy theo một người”

Mới đây, trường hợp một bệnh nhân Covid-19 đi xuyên nhiều quốc gia Đông Nam Á, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam theo đường bộ rồi bắt xe nhiều chặng, đến nhiều tỉnh,  thành khiến cả xã hội bất an, lo lắng.

Bệnh nhân nói trên quê ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ngày 24/12, người này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, sau đó về TP.HCM cùng với một tài xế và bắt xe khách di chuyển Vĩnh Long. Sau đó, bệnh nhân này đổi lời khai là nhập cảnh tại cửa khẩu An Giang, không phải Tây Ninh.

Đến địa phương, người này lại bắt xe ôm về nhà. Tổng cộng, có một tài xế taxi, năm người ngồi chung xe khách, một xe ôm nhưng bệnh nhân không nhớ rõ biển số xe và cũng không biết tên hay địa chỉ của những người từng tiếp xúc trên các chặng đường.

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về công tác y tế và phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh ngay từ giai đoạn đầu tiên, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã xác định việc ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài biên giới vào nước ta, đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.

Những đóng góp của lực lượng biên phòng cả nước nói chung, lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh nói riêng đã đóng góp rất lớn cho thành quả chống dịch của đất nước.

GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu di chuyển qua lại cửa khẩu của người dân là rất lớn, nguy cơ nhập cảnh trái phép thông qua đường biên giới trên bộ là rất lớn do đó cần tăng cường và đặt công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu vực cửa khẩu, biên giới lên mức cao hơn nhằm phòng ngừa và ngăn chặn nhập cảnh trái phép, đảm bảo an toàn cho người dân.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long mới xác định được 7 trường hợp F1 là  gia đình bệnh nhân, Công an xã Nhơn Phú và các cán bộ y tế địa phương đến làm việc với bệnh nhân vào ngày 24/12. Chưa kể đến việc bệnh nhân khai mơ hồ, liên tục đổi lời khai làm khó cho cơ quan điều tra.

Cách đây không lâu, một nam tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airline đã khiến cộng đồng một phen "thót tim" khi đang trong thời gian cách ly tại nhà lại đi khắp nơi, tiếp xúc với nhiều người. Khi nam tiếp viên này phát bệnh, hàng ngàn trường hợp F1, F2, F3 bị cách ly, nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa.

Trường hợp này, cơ quan Công an TP HCM đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Đây cũng là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống Covid-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng bị xem xét xử lý hình sự.

Để không có “gót chân Asin”

Bên cạnh những người thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, những người vì tham lợi mà tham gia vận chuyển, tổ chức người vượt biên trái phép cũng gây nguy cơ không kém trong lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Mới đây, cơ quan công an giao thông Đà Nẵng đã phát hiện một xe ô tô chở 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tài xế người Việt khai nhận, anh này nhận 20 triệu để chở những người nhập cảnh trái phép nói trên từ sân bay Nội Bài đến TP Đà Nẵng. Cách đó mấy ngày, cũng tại Đà Nẵng, cơ quan công an phát hiện 6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, đang di chuyển từ Hà Nội đến Quảng Ngãi.

Những sự việc này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây lan Covid-19 qua các cửa khẩu biên giới. Thời điểm tháng 7 vừa qua, đợt bùng dịch mạnh tại Đà Nẵng lan ra một số tỉnh miền Trung cũng được cho là liên quan đến tình trạng nhập cảnh trái phép.

Thậm chí, có những đường dây tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, cụ thể là Đà Nẵng, sắp xếp chỗ lưu trú, dẫn tour đi chơi ở các tụ điểm ngay thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch.

Thông tin được đưa ra trong buổi làm việc ngày 25/12 tại Tây Ninh của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng cho thấy mỗi ngày trung bình có 30 người nhập cảnh qua cửa khẩu của Tây Ninh, cao điểm có ngày lên đến 1.000 người về. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, dự báo số lượng người nhập cảnh tăng cao, trong đó có cả lượng người nhập cảnh trái phép.

Với tình hình các nước lân cận như Myanma, Thái Lan... đang tăng cao số lượng người mắc Covid-19, vấn đề nhập cảnh “lậu” thông qua các biên giới đường bộ chính là "gót chân Asin" cho công tác phòng chống dịch của chúng ta, nếu không thắt chặt kiểm soát.

Cạnh đó, việc xử lý nghiêm những trường hợp thiếu trách nhiệm gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhập cảnh trái phép và tổ chức nhập cảnh trái phép cũng cực kì cần thiết nhằm tạo sự răn đe, hạn chế những hành vi nói trên. Công tác phòng, chống, kiểm soát và truy vết dịch của Việt Nam đang được thực hiện cực kì hiệu quả, được quốc tế đánh giá cao.

Để giữ gìn được thành quả ấy, cần có sự nỗ lực không chỉ của Chính phủ, của lực lượng y tế mà là của toàn dân với việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, sống đúng pháp luật, hành xử trách nhiệm với cộng đồng. 

Gây hại cho cộng đồng, vô tình hay cố ý đều đáng trách

Theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Đoàn Luật sư TP.HCM, những trường hợp gây lây lan Covid -19 trong cộng đồng như trên, dù vô tình hay cố ý cũng đều đáng trách.

“Cả nước đang chung tay phòng chống Covid -19 và tình hình kinh tế nước ta ổn định so với khu vực như hiện nay là không dễ có được. Nhưng sự ổn định ấy cũng rất mong manh, chỉ cần một, vài cá nhân vô trách nhiệm, ích kỉ, không tuân thủ nguyên tắc y tế là “tổ kiến nhỏ gây vỡ đê” ngay. Chính vì vậy, trước những hành vi nói trên, cần áp dụng nghiêm quy định pháp luật, không có ngoại lệ để làm gương, tăng tính răn đe” - luật sư Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh

Theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng, quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm một số hành vi như cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền...

Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự. 

Đọc thêm