Và đến tận hôm nay, tại trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), người xem lại lần nữa rưng rưng trước bức ảnh tư liệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà bếp của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tháng 3/1960”.
“Bác để tình thương cho chúng con”
Bệnh viện Bạch Mai thời kỳ đầu là cơ sở y tế của nền y tế cách mạng Việt Nam. Trải qua nhiều biến động của chiến tranh, trong suốt quá trình phát triển, các thế hệ cán bộ y, bác sỹ bệnh viện luôn nêu cao tấm gương và tôn chỉ hành động “Lương y như từ mẫu” theo lời Bác Hồ căn dặn.
Tháng 12/1954, sau 2 tháng quân đội ta tiếp quản Thủ đô, ngày 15/12/1954 Bác Hồ đã đến thăm Bệnh viện Bạch Mai. Đến bệnh viện, Người không qua chỗ họp mà tới ngay nhà bếp. Người hỏi tỉ mỉ số bệnh nhân, số anh chị em cấp dưỡng về việc nấu cơm, việc củi nước. Người khuyên anh chị em ra sức tiết kiệm của công, nấu cơm ngon, canh ngọt cho bệnh nhân.
Qua phòng thí nghiệm vi trùng, Người khuyên ngoài việc nghiên cứu còn tìm thêm các thứ thuốc chữa bệnh. Qua các phòng bệnh nhân, Người ân cần thăm hỏi, chúc mọi người yên tâm chữa bệnh cho mau khỏi.
Khi đến phòng họp, tất cả anh chị em cán bộ, nhân viên bệnh viện đã tập trung ở đây tưng bừng đón chào Người. Tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!” và tiếng vỗ tay hoan hô hết đợt này đến đợt khác, Người vẫy tay mãi, mọi người mới ngồi xuống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ khen ngợi, cảm ơn anh chị em cán bộ, nhân viên đã tích cực, bền bỉ đấu tranh với đối phương, giữ gìn được nhà thương tương đối vẹn toàn. Người đã khen ngợi cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện vì đã có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Người nhấn mạnh tới vinh dự và nhiệm vụ của người công dân của một nước độc lập và vai trò chủ nhân của mọi người trong xã hội.
Người căn dặn: “Đối với anh chị em hiện nay, phê bình và tự phê bình là một việc mới, nhưng phải thẳng thắn và làm dần. Ai làm việc có kết quả tốt, phải khen, ai có khuyết điểm thì góp ý kiến để sửa chữa, thi đua “cơm ngon, thuốc đúng, người phục vụ tận tụy, nhất định bệnh nhân mau khỏi, nhà thương mau tiến”.
Đến tháng 3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Bạch Mai lần thứ hai. Người đã khen ngợi cán bộ, y, bác sỹ Bệnh viện vì đã có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Người còn khuyên anh chị em học tập, cán bộ, nhân viên nhà thương tiết kiệm thuốc men, dụng cụ, điện nước, cố gắng làm Bệnh viện Bạch Mai trở thành bệnh viện gương mẫu. Cán bộ, công nhân viên vô cùng cảm động trước sự thương yêu, chăm sóc của Người.
Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, công nhân bệnh viện đã hăng hái thi đua, tích cực xây dựng chuyên môn của mình, đồng thời nâng cấp và sửa chữa cơ sở vật chất của bệnh viện ngày càng lớn mạnh và hiện đại xứng đáng với hy vọng của Bác Hồ và của nhân dân.
Không chỉ với Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm rất nhiều bệnh viện như Bệnh viện thành phố Nam Định vào tháng 5/1963; Viện Quân y Hải Phòng vào tháng 5/1957; Bệnh viện Mắt Trung ương; Bệnh viện Việt Đức... Ở mỗi bệnh viện, Người đều rất quan tâm đến đời sống của cán bộ, y, bác sĩ, bệnh nhân, quan tâm đến việc xây dựng một nền y học Việt Nam vững mạnh, trong đó có hình ảnh người thầy thuốc Việt Nam mẫu mực.
Học tập giá trị nhân văn từ nhân cách cao đẹp của Người
Bức ảnh tư liệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà bếp của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tháng 3/1960” là một trong những nội dung của trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” vừa khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 7/5/2020 nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).
TS Vũ Mạnh Hà – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu, tư liệu ảnh, hiện vật và tranh cổ động đặc sắc được lựa chọn từ kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
Nội dung của trưng bày thể hiện sinh động chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội.
Nội dung trưng bày gồm 6 phần bao gồm: Nguyễn Sinh Cung: Cậu bé giàu nghị lực; Nguyễn Tất Thành: Người thanh niên yêu nước tiến bộ; Nguyễn Ái Quốc: Người Chiến sỹ cộng sản kiên trung; Hồ Chí Minh: Nhà lãnh đạo thiên tài; Hồ Chí Minh: Nhà Văn hóa lớn; Hồ Chí Minh: Chân dung đời thường.
Được biết, cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh, chuyên đề trưng bày Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” cũng sẽ được tổ chức tại các đơn vị thuộc hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số bảo tàng địa phương và trường đại học trên cả nước.
Bởi “Với cách tiếp cận mới, trưng bày giới thiệu đến công chúng hình ảnh về một vị lãnh tụ vĩ đại, tận tụy quên mình, kiên trung, bất khuất vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc nhưng giàu lòng bác ái, thanh bạch, dung dị trong cuộc sống đời thường. Nhân cách cao đẹp của Người đã tạo nên những giá trị nhân văn mà mỗi cá nhân có thể học tập và noi theo”, ông Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh.