Trung tâm cách ly lập ban thờ cho người con vái vọng chịu tang bố

(PLVN) - Nén nỗi đau mất đi người thân, không ít người chấp nhận ở lại khu cách ly tập trung vì sức khỏe người thân, cộng đồng.
Ông Sỹ vái vọng người cha quá cố từ khu cách ly.

Câu chuyện trên được ghi lại tại khu cách ly tập trung tại Trung tâm bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh (Trung đoàn 971, Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng). Ông Trần Đình Sỹ (SN 1969, trú huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) làm việc tại Malaysia nhiều năm. Hơn 1 tuần trước, ông nhận được tin từ người nhà về tình hình sức khoẻ của bố "không được khả quan". 

Vội vàng bay từ Malaysia về với hy vọng được chăm sóc bố những ngày cuối đời nhưng ông Sỹ bắt buộc phải cách ly tập trung. Tại đây, ngày nào ông Sỹ cũng gọi về quê để theo dõi tình hình cha với hy vọng đến khi hết thời gian cách ly sẽ được về nhà. Vậy nhưng ngày 23/3, bố ông đã qua đời.

Nhận tin bố mất, ông Sỹ đã báo lên chỉ huy khu cách ly xin về nhưng không được vì chưa đủ thời gian cách ly.   

Cán bộ trung tâm đã chuẩn bị bàn thờ với đầy đủ trái cây, lễ vật, bình hoa để ông Sỹ thắp nén hương cho bố mình. Ông Sỹ cầu mong cha thứ lỗi vì không thể thắp hương lên bàn thờ của cha vì đang trong thời gian cách ly 

Cũng không được về chịu tang mẹ vì còn trong thời gian cách ly là trường hợp của anh Nguyễn Tiến Khoa (30 tuổi, trú TX.Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình).  

Đầu tháng 2/2020, anh Khoa cùng đồng nghiệp có chuyến công tác tại Hàn Quốc. Theo kế hoạch chuyến công tác này sẽ kéo dài 1 tháng.

Tuy nhiên, đến ngày 22/2 Khoa nhận được tin từ anh chị báo mẹ bị nhiễm trùng máu nặng, phải đưa vào Bệnh viện T.Ư Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) điều trị. Khoa đã sắp xếp công việc để tức tốc đặt vé máy bay về Việt Nam.

Nhưng lúc đặt chân đến sân bay Đà Nẵng, anh nhận được thông báo phải cách ly do về từ vùng dịch. Anh được cách ly tại khu cách ly Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Xanh - Đồng Nghệ (TP Đà Nẵng). 

 Khu cách ly Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Xanh - Đồng Nghệ. Ảnh Thanh Niên.

Sáng 25/2, anh nhận được điện thoại báo tin mẹ qua đời. Chàng thanh niên 30 tuổi vội chạy lên phòng chỉ huy của khu cách ly để xin được về nhưng không được.

Mặc dù không được về chịu tang mẹ nhưng anh Khoa quan niệm là một công dân nên phải thực hiện đúng theo quy định cách ly vì xã hội, vì cộng đồng và những người thân. Kết thúc thời gian cách ly, cũng khi mẹ anh đã mất được 10 ngày.

“Em đã khóc rất nhiều, nhớ mẹ, nghe lời mẹ nói ở đâu đây... Suốt trong đám tang mẹ, em chỉ được nhìn mẹ qua camera. Những đêm ở khu cách ly, cứ nhắm mắt lại là giọng mẹ lại vang lên, em đã thức trắng rất nhiều đêm. Mẹ luôn mong em sống tốt, làm việc tốt, điều này mẹ ở trên cao chắc sẽ hiểu cho đứa con bất hiếu này”, Khoa rưng rưng.

Đọc thêm