Trung ương Giáo hội Phật giáo đề nghị bỏ tục đốt vàng mã là “cuộc cách mạng”

(PLO) - Công văn mới đây của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo đang thu hút sự chú ý của dư luận. Người dân đồng tình hay phản đối đề nghị này?
Khuyến cáo bỏ tục đốt vàng mã tại các tự viện

Đề nghị bỏ tục đốt vàng mã tại các tự viện

Công văn số 031 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký gửi Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường nét đẹp truyền thống tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. 

Công văn nêu rõ, nhằm tạo điều kiện cho các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (tự viện) phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong lễ hội, Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành thực hiện một số việc cụ thể trong mùa lễ hội, để đảm bảo nét đẹp văn hóa.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Trong các bài giảng, chư tôn đức tăng ni cần chú trọng gìn giữ nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo.

Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay, dịp lễ Tết, mùa vu lan hàng năm Giáo hội đều khuyến cáo không đốt vàng mã ở nơi thờ tự của Phật giáo. Trước Tết Mậu Tuất 2018, Giáo hội tiếp tục đăng tải lên trang điện tử với mục tiêu tuyên truyền mạnh hơn.

Việc không đốt vàng mã sẽ được đưa vào các bài thuyết giảng, nghị lễ để các tăng ni, phật tử biết, thực hiện và qua đó lan tỏa toàn xã hội.

“Đốt vàng mã là vấn đề nan giải từ nhiều năm qua, Giáo hội, Bộ Văn hóa khuyến cáo nhưng không thuyên giảm. Cần có sự chung tay của cộng đồng, các cấp chính quyền mới mong giảm được” - Thượng tọa Thiện nói và cho biết Luật Tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực từ tháng 1/2018. Nếu nghị định hướng dẫn sắp ban hành có chế tài đối với hành vi đốt vàng mã không đúng sẽ là biện pháp tốt giảm được tục lệ này.

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý việc đốt vàng mã tại các lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) có Công văn số 91/VHCS- QLHĐLH gửi các Sở địa phương về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018. Theo đó, công văn của Bộ cũng yêu cầu siết chặt tình trạng rải tiền lẻ, đốt vàng mã vô tội vạ.

Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đã có Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. 

Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu: “Một số nơi vẫn còn tập quán lạc hậu như đưa đón dâu nhiều lần; đốt nhiều đồ mã, rắc rải vàng mã và tiền trên đường đưa tang, khóc thuê, để thi hài quá lâu, xây dựng lăng mộ phô trương. Nhiều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chưa gương mẫu trong thực hiện, còn dự tiệc cưới trong giờ hành chính”. 

Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và trật tự an toàn xã hội, khuyến khích các địa phương hỗ trợ kinh phí cho việc hỏa táng.

Các gia đình đảng viên, công chức, viên chức cần gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống phô trương, hình thức, không lạm dụng công quỹ, phương tiện, tài sản công phục vụ mục đích cá nhân.

Đa số đều đồng tình

Về Công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, đa số ý kiến bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ. 

Với tư cách cá nhân, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho rằng: “Giáo hội Phật giáo đưa ra công văn như vậy là một tư duy cách mạng. Tôi ủng hộ quyết định của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi tục đốt vàng mã giờ đã bị biến tướng. Nếu như trước đây ở góc độ tâm linh người ta đốt vàng mã chỉ là tượng trưng một chút lòng thành con cháu muốn gửi gắm tới ông bà, tổ tiên.

Song, giờ đây cái suy nghĩ mê tín dị đoan rằng “trần sao âm vậy” nên họ đốt quá nhiều và đốt đủ thứ một cách sa đà, lãng phí gây nên nhiều hệ lụy, làm cho ô nhiễm môi trường, tốn kém về tài chính, thậm chí hỏa hoạn và nhiều vấn đề kèm theo dẫn đến tiêu cực, mất đi ý nghĩa ban đầu”.    

Tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ của đời sống xã hội, Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng đưa ra một vài ý kiến băn khoăn. Ông chỉ rõ: “Nếu việc cấm đốt vàng mã được thực thi sẽ ảnh hưởng tới một số lĩnh vực, nhất là các làng nghề sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa làng nghề, bởi rất nhiều nơi người dân đang sống bằng nghề làm vàng mã và những đồ thờ cúng.

Tôi nghĩ có thể thực hiện việc cấm đốt vàng mã ở một số nơi và quy mô đưa ra như thế nào cho hợp lý, bởi bỏ đi một tục lệ đã ăn sâu vào văn hóa của người dân hàng ngàn đời thì rất khó. Trên thực tế cuộc sống cũng khó để thực thi nhưng đây là một kiến nghị nhân văn vì xã hội, vì cộng đồng. Nếu như làm tốt công tác truyền thông, làm tốt công tác dân vận thì tôi nghĩ cái gì có lợi cho cuộc sống, có lợi cho dân, thì dân sẽ ủng hộ”.

Ở khía cạnh khác, một bạn đọc thẳng thắn: "Tôi chưa bao giờ đốt vàng mã nhưng Chính phủ không cấm được, quyền tự do tín ngưỡng của một bộ phận người dân. Đốt vàng mã lãng phí nhưng đó là tiền của họ bỏ ra, người mua mất tiền thì tạo công ăn việc làm cho người sản xuất, người bán, ô nhiễm môi trường thì cũng giống như đốt rác, giấy không đáng kể.

Đốt vàng mã sao nguy hại hơn đốt pháo? Nó có gây thương tích không? Đốt vàng mã giống như thắp hương, không ai có quyền cấm cả”. Cũng có ý kiến cho rằng Công văn 31 có tác dụng giáo dục phật tử, còn vấn đề ngăn chặn việc đốt vàng mã thì chỉ có Nhà nước mới đủ năng lực!?

Tiến sĩ Hán – Nôm Nguyễn Xuân Diện cho báo chí biết những khó khăn sẽ vấp phải nếu thực hiện lệnh cấm đốt vàng mã trong chùa: “Trong mỗi ngôi chùa ở phía sau đều có một ngôi nhà gọi là Điện thờ Mẫu Tam tòa Tứ phủ. Thực hiện nghi lễ Tam tòa Tứ phủ thì phải có nghi lễ lên đồng hầu bóng. Trong nghi lễ hầu bóng thì luôn luôn phải có vàng mã. Không biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nói rõ về vấn đề đó hay không”.

Trước thông tin việc bỏ đốt vàng mã sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế của nhiều người, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đặt ra câu hỏi: “Nếu việc cấm đốt vàng mã này dừng lại hoàn toàn thì Nhà nước và Bộ Văn hóa cần làm gì để những làng xã và hộ dân mưu sinh bằng nghề vàng mã có cách mưu sinh như thế nào? Đó cũng là một vấn đề tôi thấy băn khoăn và sẽ khó thực hiện được”.

Đọc thêm