Trông coi phạm nhân… không còn nữa
“Giám đốc” hay “quản lý” là cách gọi vui mà những cán bộ, chiến sỹ dùng để nói về Trung uý Trần Xuân Hiển (SN 1986, hiện đang công tác tại Đội Giáo dục và Hồ sơ, trung tâm chỉ huy Trại giam Cái Tàu).
Người lạ mới nghe lần đầu nghĩ anh Hiển có vẻ oách, bản thân tôi cũng thế, đến khi biết công việc của anh là trông coi nghĩa địa tù nhân nằm giữa bạt ngàn rừng keo, rừng tràm mỏi… cánh cò bay mà sững người. Đặc biệt là công việc này anh lại làm một mình, nghĩa là có “giám đốc” nhưng chẳng có “cấp phó”, chẳng có “nhân viên” nào.
Hôm gặp anh Hiển để trò chuyện về công việc đặc biệt của anh, biết tôi là phóng viên anh ái ngại vì có nhiều chuyện sợ nói ra người ta biết sẽ cười mình mê tín. Cũng bởi vậy mà nhiều năm qua, có nhiều chuyện anh chỉ dám kể với vài đồng đội thân thiết, có chuyện tuyệt nhiên chẳng bao giờ dám nói với ai, vì chỉ cần nhắc đến là tay chân rụng rời.
Rạng sáng một ngày cuối tháng 9 năm 2015, anh Hiển cùng một người đồng đội làm việc tại Đội Giáo dục và Hồ sơ lặng lẽ trốn vợ con rời nhà từ lúc 4h.
Trời mưa lất phất, màn đêm còn u ám, hai chàng chiến sỹ gặp nhau tại điểm hẹn rồi chẳng ai nói với ai lời nào, cả hai cùng tiến về nghĩa địa cách đơn vị hơn 1 cây số, nằm giữa hai vạt rừng keo lai.
Ở đó, giữa cảnh hoang vắng gió mưa mờ mịt, hơn chục con người tay đuốc tay đèn pin loay hoay bên phần mộ chuẩn bị lấy cốt. Đó là những người thân của anh Đoàn Công T (SN 1964, quê Quảng Ninh) lặn lội từ phương Bắc xa xôi vào đất cực Nam đưa người thân về lại quê hương. Anh Hiển và đồng đội đến nơi thì việc cúng bái, bốc mộ bắt đầu, cả hai đứng cạnh lặng im quan sát.
Trước đó hai ngày, khi người thân của anh T đến trại giam xin bốc mộ, anh Hiển đã thuyết phục họ nên lấy mộ vào giờ hành chính lúc ban ngày để thuận lợi, bản thân anh cũng dễ dàng hướng dẫn, theo dõi việc bốc mộ. Tuy nhiên, gia đình theo ý thầy, nhất định cho rằng giờ bốc mộ tốt nhất chính là lúc rạng sáng, hơn nữa lại là chuyện tâm linh nên anh “đành” nhường thua.
Anh Hiển nhớ lại, lần đó việc bốc mộ không gặp bất kỳ trở ngại nào ngoài việc mưa gió lạnh lẽo, thế nhưng anh cứ nhớ mãi. “Anh T quê tận Quảng Ninh, lưu lạc vào Cà Mau rồi lập gia đình, sau đó vì sát hại vợ mà nhận mức án 15 năm tù, khi vào trại giam thì tự tử. Sau thời gian dài cuối cùng anh cũng được trở về quê hương, hương hồn coi như được an ủi…”, anh Hiển tâm sự.
Câu chuyện về việc bốc mộ anh T chỉ là một trong vô số câu chuyện mà anh Hiển trải qua khi làm công việc quản lý nghĩa địa phạm nhân. Thế nên có lúc anh bảo, việc quản lý phạm nhân còn sống vô cùng khổ cực, vất vả, việc quản lý những phạm nhân… không còn nữa kể ra cũng nhọc nhằn không kém, đó là chưa nói đến những chuyện bản thân gặp phải nhưng chẳng biết nên nói với ai.
Sưởi ấm những linh hồn bơ vơ
Anh Hiển vào đơn vị công tác từ năm 2006 ở đội cảnh sát bảo vệ, thực hiện nhiệm vụ canh gác, dẫn giải phạm nhân đi lao động. Năm 2012, anh được chuyển về đội giáo dục và hồ sơ, làm nhiệm vụ quản lý hồ sơ phạm nhân. Tuy nhiên khi đó, người “tiền bối” làm nhiệm vụ trông coi nghĩa địa thuyên chuyển công tác nên nhiệm vụ được giao cho anh Hiển.
Ngoài nhiệm vụ quản lý hồ sơ phạm nhân đang thụ án cùng với các đồng đội, anh Hiển kiêm nhiệm việc quản lý hồ sơ phạm nhân được chôn cất tại nghĩa địa, chịu trách nhiệm lập sơ đồ, lưu giữ thông tin, theo dõi các trường hợp phạm nhân bị tử hình hoặc tử vong khi thụ án mà không có người thân đến nhận, được chôn cất tại nghĩa địa.
Anh Hiển cho biết, hiện tại nghĩa địa có tổng cộng 134 ngôi mộ, trong đó có 17 ngôi mộ của 17 tử tù mà Trại tạm giam Công an tỉnh Cà Mau gửi về sau khi thi hành án. Số còn lại là mộ của những phạm nhân thụ án ở trại Cái Tàu, trong đó một phần không có thân nhân, một phần phạm nhân khi chấp hành án không có khai thân nhân, đến khi mất trại giam không liên hệ được.
Mỗi khi có phạm nhân ở trại mất mà không có thân nhân đến nhận về hay nghĩa địa tiếp nhận chôn cất các tử tù từ các nơi khác chuyển về, anh Hiển tiếp nhận, bổ sung hồ sơ về phạm nhân. Vất vả nhất là việc đi đi về về giữa trại giam và nghĩa trang để quan sát, đánh dấu, vẽ sơ đồ vị trí chôn cất, phục vụ cho việc định vị và bốc mộ sau này.
“Việc an táng cho phạm nhân thì ở trại có đội phạm nhân người ta làm, cũng khâm liệm, đào huyệt, đưa đi chôn cất. Chỉ có điều không rình rang, thủ tục như bên ngoài. Phần việc của mình là theo dõi, vẽ sơ đồ và chịu trách nhiệm trông coi mồ mả sau khi chôn cất đến lúc bốc mộ”, anh Hiển tâm sự.
Vì mộ phạm nhân trước giờ là mộ đất, lại chôn cất trên liếp đất giữa mương lạch nên việc trông nom khá vất vả. Đất xình lầy, không thể đào sâu nên phải đắp mộ lên cao, mùa mưa lại ngập lụt nên dễ bị sạt lở, mấu dấu tích của mộ. Chưa kể đến việc chuột bọ đục khoét, xâm phạm đến thi thể phạm nhân.
Đó là bây giờ, còn trước kia việc trông coi nghĩa trang khổ cực gấp bội. Theo như anh Hiển được nghe kể, ngày trước khi chưa có bờ đất đắp chắn qua mương, muốn vào nghĩa địa phải đi qua cây cầu khỉ. Những lần cầu trơn trượt, mục nát, muốn đưa phạm nhân đi chôn phải khiêng quan tài lội dưới sình lầy, khổ sở không nói hết được.
Ấy thế mà bận 2 năm 1999, 2000, nghĩa địa tiếp nhận tới hơn 60 trường hợp mất vì nhiễm HIV, có đợt mỗi ngày tiếp nhận đến 2, 3 trường hợp phạm nhân mất do căn bệnh thế kỷ. Những phạm nhân ấy thường nằm một chỗ lay lắt đến hơi thở cuối cùng, lúc mất đi cũng chẳng có thân nhân, phải nhờ tất cả vào trại giam và các phạm nhân.
Công việc sau khi chôn cất là phát dọn làm cỏ, hương khói cho các ngôi mộ. Công việc vất vả và cũng có lắm chuyện để nói nhất có lẽ vẫn là hướng dẫn, theo dõi việc bốc mộ. Đến bây giờ, dù đã có thể hướng dẫn cho thân nhân cách bốc mộ lấy cốt, thế nhưng anh Hiển vẫn chưa thể quên được nỗi ám ảnh của những ngày đầu tiên làm công việc ấy.
Có lần lấy mộ của một phạm nhân đã được chôn cất đã lâu năm nhưng kỳ lạ là thi thể vẫn chưa phân huỷ hết, mỡ đóng thành từng mảng, khung xương vẫn nguyên vẹn, nhìn rất đáng sợ. Lần đó nhìn xương cốt người chết về mà tôi không dám ăn thịt, tối đến hay nằm mơ, mỗi lần thấy cảnh đó là nửa đêm giật mình la hét.
“Khi tôi nhận nhiệm vụ trông coi nghĩa địa là lúc vợ mới sinh con, công việc tôi làm là chuyện kiêng cữ nên đâu dám cho ai hay. Gia đình thấy tôi hay lảng vảng nghĩa địa, cứ hỏi thằng này làm gì ở nghĩa địa hoài. Đến lúc tôi đã bốc được mấy ngôi mộ thì gia đình mới hay biết, rồi cũng thông cảm, sẻ chia”, anh Hiển kể.
Sau 4 năm gắn bó, công việc đã thành quen, thế nhưng mỗi khi có thân nhân đến lấy cốt, dù báo trước 2 ngày nhưng anh vẫn rất hồi hợp, lo sợ lấy nhầm phải mồ mả của người khác. Nhiều trường hợp khi chôn cất có sự chứng kiến của thân nhân, họ ghi nhớ những đặc điểm trang phục, dụng cụ chôn theo người chết, khi bốc mộ họ dựa vào đó để biết có chính xác hay không.
“Khi thân nhân họ gật đầu thừa nhận đó đúng là mộ người thân thì mình thở phào nhẹ nhõm, coi như xong nhiệm vụ, khi thân nhân mà họ thấy lạ, đặt nghi vấn thì mình tháo mồ hôi luôn. Lúc đó phải xem đi xem lại có đúng sơ đồ hay không, kiểm tra lại phần mộ để tìm các dấu hiệu nhận dạng, căng thẳng vô cùng…”, anh Hiển tâm sự.
Từ chỗ bất đắc dĩ thực hiện nhiệm vụ cơ quan giao phó và tâm lý luôn muốn từ chức “giám đốc”, bây giờ anh Hiển đã chắt chiu được những niềm vui cho công việc.
Đó là việc khói hương sưởi ấm cho những linh hồn tuy lúc sống họ gây tội lỗi nhưng khi mất đi rất đáng thương, hay những lần được thấy hài cốt phạm nhân được gia đình đưa về đoàn tụ ông bà trong những giọt nước mắt xúc động.