Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD- ĐT cho biết, vào đầu năm học, Thanh tra bộ sẽ tổ chức thanh tra việc thu chi đầu năm học để hạn chế tình trạng lạm thu mà dư luận đang bức xúc…
Rục rịch… “nóng”
Lạm thu luôn là câu chuyện luôn “ nóng” vào đầu mỗi năm học. Đó là các khoản đóng góp tự nguyện, nhưng “không đóng không được” và các khoản này năm nào cũng tăng theo giá thị trường. Chẳng hạn như tiền xây dựng trường, nếu như các năm trước ở những trường trung tâm, phụ huynh tùy điều kiện cũng phải chi khoảng 500.000 đồng, nay nhẹ nhàng, phụ huynh đều nhìn nhau góp gấp đôi số tiền đó.
Năm học mới, niềm vui con trẻ, nỗi lo người lớn |
Đó là chưa kể tới vô số các khoản mà mỗi học sinh bước vào năm học mới phải “cõng” trên lưng như đồng phục- có trường đồng phục từ sách vở, đồ dùng học tập, tiền nước, tiền điều hòa, quỹ phụ huynh…
Những ngày qua, câu chuyện về bộ đồng phục của học sinh Trường Tiểu học Văn Bình ở Thường Tín (Hà Nội) cũng gây xôn xao dư luận. Theo đó, mức giá cho bộ đồng phục mùa hè (váy áo với nữ, quần áo với nam) và áo vest cho mùa đông được nâng lên gần gấp đôi so với năm trước: Lớp 1-2 giá 629.000 đồng, lớp 3 giá 661.000 đồng và lớp 4-5 giá 693.000 đồng. Theo một số phụ huynh, tiền đồng phục đáng giá bằng cả “tạ thóc” nhưng “không đóng không được”.
Đó là với trường công, trường tư thì còn muôn hình vạn trạng các khoản thu “khủng”. Phụ huynh có con đang theo học ở Trường Tiểu học Wellspring, Hà Nội cho biết họ cũng phải nộp rất nhiều loại phí trước năm học. Riêng tiền đồng phục đã lên tới 4 triệu đồng với đủ các loại quần áo, từ áo khoác ngoài, sơ mi, quần âu, đồ thể thao....
Một số phụ huynh có con học tại Trường THDL Đoàn Thị Điểm, Hà Nội cho biết tất tật các khoản thu cho con em đầu năm học đã lên tới khoảng 200 USD. Các khoản đó gồm: tiền sách vở, tiền xe ôtô đưa đón, tiền ăn, tiền học phí, tiền học bán trú, tiền nhắn tin báo việc học của con và nhất là tiền học tiếng Anh hệ Cambridge trong vòng 3 tháng đã lên tới gần 30 triệu đồng.
Rồi nữa, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, ngoài việc tiếp tục đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, hoạt động sinh hoạt tập thể...., là một khoản không nhỏ cho quỹ lớp. Năm ngoái, ban phụ huynh một lớp 2 trường này thậm chí đã thu quỹ tới 3 triệu đồng/ năm học.
Dạy thêm, học thêm vẫn ngổn ngang
Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, năm học 2012-2013, ngành Giáo dục đã triển khai hàng nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực quản lý giáo dục, quản lý cơ sở vật chất…, trong đó có hơn 1.000 lượt thanh tra việc quản lý dạy thêm học thêm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Bằng cũng nhìn nhận, nhu cầu dạy thêm, học thêm của phụ huynh và xã hội là có thật và ở nhiều nơi vẫn còn gây bức xúc do quản lý chưa chặt như dạy trước chương trình, tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định.
Công tác quản lý hoạt động dạy thêm học thêm xử lý sai phạm còn hạn chế, việc chỉ đạo, thực hiện các khoản thu đầu năm chưa đạt hiệu quả, còn gây nhiều bức xúc trong dư luận…
Thêm nữa, sức nặng trong việc xử lý vi phạm của ngành giáo dục cũng cần xem lại, bởi với trên 1.000 lượt thanh kiểm tra dạy thêm học thêm ở nhiều địa phương như Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng.... nhưng số tiền xử phạt vi phạm Bộ GD-ĐT thống kê được chỉ là 11 triệu đồng. Trong khi tổng số tiền thu được từ xử phạt hành chính các sai phạm trong lĩnh vực giáo dục của cả nước là gần 400 triệu đồng.
Ông Hoàng Cơ Chính, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, năm học vừa qua Hà Nội vẫn có tình trạng một số đơn vị trường học chưa quản lý tốt nguồn kinh phí đóng góp của học sinh, thu chưa đúng công văn chỉ đạo...
Kết quả thanh tra cho thấy có những trường chưa thực hiện đúng hướng dẫn về huy động các khoản đóng góp tự nguyện, để xảy ra việc Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp thu các khoản đóng góp tự nguyện theo hình thức bổ đầu và thu trái quy định.
Để khắc phục tình trạng này, ông Chính cho biết, năm học tới, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ban ngành liên quan, chính quyền địa phương để triển khai thanh tra, kiểm tra các khoản thu chi ngoài học phí đầu năm, phát hiện các khoản thu không đúng quy định và buộc phải trả lại cho phụ huynh.
Ngoài ra, phòng GD-ĐT cần kiên quyết làm rõ trách nhiệm các nhân, xử lí vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm đối với các sai phạm phát hiện qua thanh kiểm tra hoặc do báo chí nêu.
Năm nay, đối với giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Huy bằng cho biết, Thanh tra bộ sẽ tập trung thanh tra việc triển khai Đề án tiếng Anh trong giáo dục phổ thông; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; triển khai xây dựng và phát triển trường THPT chuyên, dạy học có yếu tố nước ngoài; quy định về tuyển sinh, quản lý dạy thêm, học thêm, thu chi kinh phí ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh…
Hà My