Trường cao đẳng, trung cấp "ngắc ngoải" chờ thí sinh

Chưa có năm nào tình hình tuyển sinh tại các trường CĐ nghề, trung cấp lại bi đát như năm nay. Dù đang là mùa cao điểm tuyển sinh nhưng số hồ sơ nộp vào quá ít. Nhiều trường chỉ tuyển được 10% - 20% chỉ tiêu, có trường thậm chí chỉ có vài chục hồ sơ nhập học. 

Chưa có năm nào tình hình tuyển sinh tại các trường CĐ nghề, trung cấp lại bi đát như năm nay. Dù đang là mùa cao điểm tuyển sinh nhưng số hồ sơ nộp vào quá ít. Nhiều trường chỉ tuyển được 10% - 20% chỉ tiêu, có trường thậm chí chỉ có vài chục hồ sơ nhập học. 

Hình minh họa
Lay lắt tồn tại
Đại diện Phòng GDCN Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại chỉ các trường khối y dược mới có khả năng tuyển đủ chỉ tiêu; những khối ngành còn lại, kể cả công lẫn tư đều chỉ ở mức dưới bán hoặc quá bán. Đơn cử như Trường Trung cấp (TC) Cộng đồng mới tuyển được 50 thí sinh, TC Công thương có 100 thí sinh, TC Công nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm có 50 thí sinh. Đặc biệt Trường TC Thăng Long mới tuyển được… 20 thí sinh.
Trong khi đó, Trường TC Kinh tế kỹ thuật ESTIH từ xưa đến nay vẫn là trường tuyển sinh tốt nhưng năm nay cũng mới chỉ dừng lại ở con số trên dưới 300 thí sinh.
Khó khăn này không chỉ diễn ra ở các trường TC mà ngay ở các trường CĐ nghề cũng không khá hơn. Trường CĐ Nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Ninh đến giờ cũng mới có trên 500 hồ sơ/1.200 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Đức Nhời - Phó Hiệu trưởng- cho biết, từ năm 2009 đến nay, số lượng tuyển sinh đầu vào cứ ít dần. Đơn cử như năm 2011, trường chỉ tuyển được 436 thí sinh ở các hệ chính quy, trong khi quy mô đào tạo đạt tới hơn 1.000 em.
Trường CĐ Nghề Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh không nằm ngoài tình trạng khó khăn này. Với chỉ tiêu đặt ra cho năm học 2012-2013 là 1.800 sinh viên ở tất cả các hệ đào tạo, nhưng đến nay mới có 1.300 bộ hồ sơ nộp vào trường, còn con số vào học thực chất thì cũng chưa tính toán được. 
Hệ thống các cơ sở dạy nghề trên nhiều tỉnh thành thời điểm này cũng mới chỉ tuyển sinh được khoảng 40-60% chỉ tiêu theo kế hoạch. Cá biệt có trường thậm chí chưa tuyển được học sinh nào. Tuy vậy, những con số ít ỏi trên cũng không phải là các trường đã “ăn chắc” vì việc học sinh nộp hồ sơ với quyết định vào học tại trường còn là khoảng cách. 
ĐH “khai tử” trường nghề?
Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) là một trong những mắt xích thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Bộ GD-ĐT là đơn vị quản lý ngành dọc của các trường. Tuy nhiên, từ trước tới nay, TCCN luôn được coi là “đứa con có sinh nhưng không có dưỡng” của Bộ GD-ĐT.
Trong tất cả các đề án, các chiến lược đổi mới… TCCN đều nằm “ngoài cuộc”. Và theo lý giải của các trường trung cấp, các trường đại học tư thục được “đẻ ra” quá nhiều. Vì vậy có một lượng lớn thí sinh đã lựa chọn những trường này thay vì vào trường nghề. Bên cạnh đó, chính sách của Bộ GD- ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đến cuối tháng 11 đã khiến các trường nghề không còn cách nào khác phải “ngồi chờ”.
Và có một điều tréo ngoe, chính những chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã một lần nữa “kết án tử” cho các trường TCCN. Trong thông tư 57/2011, Bộ GD-ĐT khẳng định các ĐH, học viện, các trường ĐH không được đào tạo trình độ TCCN nhưng chỉ sau đó 6 tháng, Bộ ra tiếp Thông tư 20/2012 sửa đổi điều 6 của Thông tư 57/2011.
Theo đó, các ĐH, học viện không thuộc nhóm ngành văn hóa nghệ thuật đang đào tạo trình độ TCCN phải xây dựng lộ trình giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ TCCN (mỗi năm giảm không thấp hơn 20% so với chỉ tiêu năm 2011) để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017. Như vậy, các trường TCCN chưa kịp mừng thì đã lại lo. Và để đợi được đến năm 2017 như theo quy định của bộ thì sẽ còn nhiều trường TCCN hoặc ngồi chơi xơi nước hoặc phải bán trường, hoặc sẽ tìm cách làm “liều” để tồn tại. 
Năm 2011, cả nước có 136 trường cao đẳng nghề, 308 trường trung cấp nghề, 849 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở khác, tuy nhiên tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mới đạt 32% (Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, nước ta đạt tỷ lệ 50% học sinh sau trung học được tham gia học nghề). Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi cho biết, đa số học sinh nước ta  còn tâm lý cố theo đuổi giấc mơ đại học bằng được, trừ khi khả năng quá kém mới chịu đi học nghề.
Tình trạng này kéo dài nhiều năm qua và trong bối cảnh kinh tế hiện nay đã bộc lộ những hệ lụy to lớn mà xã hội đang phải gồng mình giải quyết. Cụ thể là hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm do thị trường lao động không có nhu cầu, ngược lại hàng nghìn doanh nghiệp luôn trong cảnh rất khó khăn để tuyển dụng được công nhân kỹ thuật, lao động đã qua đào tạo nghề đúng lĩnh vực và có chất lượng. Thế nhưng có một thực tế, gần như 100% lao động nghề đã qua đào tạo khi vào làm việc tại các doanh vẫn phải đào tạo lại…
Uyên Na

Đọc thêm