Trương Đăng Quế - Vị thanh quan thờ 4 đời vua Nguyễn

(PLO) - Nửa đầu thế kỷ XIX, dưới thời trị vì của các vua nhà Nguyễn, Trương Đăng Quế nổi lên là một nhân vật tài danh, thanh liêm nhất mực. Trương Đăng Quế có tự là Diên Phương, ngoại hiệu là Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê, người huyện Bình Sơn (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Ông sinh năm Quý Sửu 1793, mất năm 1865, là một trong số những nhân vật hiếm hoi trong lịch sử làm quan qua 4 đời nhà Nguyễn. 
 Lăng mộ thờ Trương Đăng Quế.
Lăng mộ thờ Trương Đăng Quế.
Các tài liệu chính sử hiện nay ít nhiều đều ca ngợi nhân phẩm liêm khiết của Trương Đăng Quế, nhưng một điều ít ai biết về con người này đó là chuyện ông từng làm quan đến chức Cần Chánh Điện đại học sĩ, tước Quận công, hàmThái sư – một vị trí tương đương với chức Thủ tướng ngày nay, cũng là vị Tổng Tài Quốc sử quán đầu tiên của triều Nguyễn
Liêm khiết suốt 1/3 thời gian tồn tại triều Nguyễn
Theo chính sử chép lại, Trương Đăng Quế thuở nhỏ đã nức tiếng gần xa với tài thơ văn. Năm vừa tròn 8 tuổi thì cha mất, gia thế trải không ít biến cố. Tuy nhiên, nhờ tài học thiên bẩm cùng nỗ lực không nghỉ nên đến năm Gia Long thứ 18 (khoảng năm 1819) ông đỗ Hương tiến – một chức danh tương đương với học hàm Cử nhân, tại trường thi hương Thừa Thiên. 
Riêng về chi tiết này cần nói thêm, ngay khi lên ngôi, Vua Gia Long đã ban hành hàng loạt định chế khá kỳ quặc nhằm tập trung quyền lực vào vương triều. Trong số đó có định chế “4 không” là: Không Trạng nguyên – Tiến sỹ; Không Thừa tướng – Thái sư; Không Thái tử - Hoàng hậu; Không phong Vương cho người ngoài hoàng tộc.
Song hành cùng chế định “4 không” này là việc bãi bỏ hàng loạt cuộc thi thường niên trong lịch sử như kỳ thi Hội, thi Đình. Việc Trương Đăng Quế đỗ danh vị Cử nhân là hết sức dễ hiểu và có thể coi là đỗ đạt cao thời điểm ấy. Nói cách khác, Trương Đăng Quế là một trong số những người khai khoa, đỗ đạt cao đầu tiên của Quảng Ngãi dưới triều Nguyễn. Sau khi Vua Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi đã bổ nhiệm Trương Đăng Quế từ chức Hành tẩu Bộ Lễ lên làm việc ở Hàn lâm viện, giữ chức Biên tu - chuyên dạy học các hoàng tử và công chúa. 
Chân dung danh thần Trương Đăng Quế.
Chân dung danh thần Trương Đăng Quế.
 
Có thể nói, bước đường quan lộ của Trương Đăng Quế hết sức thênh thang. Chỉ trong vòng 18 năm sau khi thi đỗ vào triều và 7 năm khi chính thức vào chính trường, ông đã bước lên vị trí cao tột bậc trong đội ngũ quan lại triều Nguyễn. Qua 3 triều vua là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Trương Đăng Quế lần lượt giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình như: Thượng thư Bộ Binh, Cơ mật viện đại thần (1831), Chánh chủ khảo thi Hội (1833, 1838), Thượng thư Bộ Lễ (1839), Quốc sử quán Tổng tài (1841), Cần chánh điện Đại học sĩ (1848)… 
Đặc biệt, khoảng năm 1836, Trương Đăng Quế nhận nhiệm vụ vua giao, đi tổ chức thực hiện chỉnh đạt điền thổ, thiết lập địa bạ, đinh bạ ở Nam kỳ lục tỉnh, góp phần quan trọng trong công cuộc ổn định vùng đất mới, đem lại nguồn thu cho Nhà nước tăng cao gấp 3 lần. Nhiệm vụ này ông làm tốt đến mức được người đương thời hết lời khen ngợi và đời sau, trong đó có nhiều học giả Pháp, đánh giá công trình đạt điền khoa học này lớn nhất thế kỷ XIX ở Việt Nam.
Dù luôn nắm giữ một vị trí cao trong vương triều nhưng khi nhắc đến Trương Đăng Quế, hình ảnh của ông thường nhất mực giản dị, liêm khiết. Trong nhiều sớ tấu dâng lên vua, ông luôn đề nghị tiết kiệm công quỹ, không xuất của kho mua hàng xa xỉ của phương Tây, chấn chỉnh, tinh giản hàng ngũ quan lại, chú trọng bổ nhiệm, cất chức cho nhiều người có thực học, thực tài. 
Riêng chi tiết này, trong cuốn dịch Đại Nam chính biên liệt truyện có đoạn chép: “Quế lúc làm quan giữ mình khiêm tốn, chính trực, kiến văn nhiều, xử đoán khéo, làm quan hơn 40 năm, ngồi ở chức Tể tướng thế mà ăn mặc giản tiện sơ sài, không khác gì lúc còn chưa làm quan, và lại có tính siêng năng... Triều đình lấy làm trọng, các tiên thánh vốn vẫn chọn dùng... Các danh thần lúc bấy giờ như Tráng liệt bá Nguyễn Tri Phương, mà vua cũng bảo là phong độ không bằng Quế. 
Sau khi Quế chết, Hoàng thượng thương nhớ, triều đình lấy làm tiếc. Các hoàng thân, công chúa và sĩ phu trong ngoài đều làm thơ văn, câu đối đem đến phúng”. 
Trương Đăng Quế là một trong số ít những danh thần trải qua 4 đời vua Nguyễn.
Trương Đăng Quế là một trong số ít những danh thần trải qua 4 đời vua Nguyễn. 
 
Ngoài ra, tính cách thanh bạch, đức độ của Trương Đăng Quế cũng khiến người đời không ít lần thán phục. Đơn cử như chuyện thuở làm quan cao, lộc hậu nhưng ông không ham tài, ham chức, cố níu danh vọng. Chẳng là, khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (1859), thấy mình đã già nua, không có kế sách chống xâm lăng cứu nước, ông xin từ chức. 
Sách Đại Nam thực lục còn chép lại đoạn sớ tâu của Trương Đăng Quế: “Từ khi Tây dương đến đây đã ba năm nay, mà ngồi trơ mặt ở triều ban, không vạch ra được một mưu chước gì  để đánh lại được giặc Tây dương, tội ấy chối sao được. Lại bóng chiều đã xế, bệnh tật luôn luôn, gần tới cõi chết  mà cố giữ địa vị, thực đáng hổ thẹn. Vậy xin cho về quê để nhường chỗ cho lớp trẻ”. Nhận sớ xong, vua vẫn quyết ý không cho từ quan, Trương Đăng Quế lại dâng sớ khác xin tự giáng chức, bỏ hẳn tước Quận công, xin giảm nửa lương… 
Trong 3 năm đã dâng sớ 6 lần, mãi đến tờ sớ cuối (khoảng 1863) vua mới ưng thuận. Khi về hưu, ông không ở lại kinh thành mà xin về quê nghèo. Ngay cả khi nhà vua nể nang, thăng cho con trai chức Hàn lâm viện thừa chỉ, lấy cớ con mình tài hèn, đức bạc ông cũng xin vua rút lại quyết định này.
Hồn thơ nặng lòng với quê hương
Trương Đăng Quế là một người tài năng, có tầm hiểu biết rộng về chính trị, văn hoá và quân sự. Dưới thời Tự Đức, trước tình hình binh lực hùng mạnh và tân tiến của Pháp, nhiều người lo sợ, muốn giảng hoà với giặc. Thế nhưng, Trương Đăng Quế lại là người cầm đầu phe chủ chiến, ông quyết tâm phải đánh đuổi Pháp đến cùng. 
Căn cứ theo nhiều sử liệu, văn liệu và hồi ký của các sỹ quan viễn chinh Pháp còn lưu lại đều cho thấy trong hàng ngũ quan lại nhà Nguyễn, Trương Đăng Quế là đối tượng mà quân xâm lược e dè và căm ghét bậc nhất.
Sử cũ cũng lưu lại câu chuyện rằng, năm 1858 có 12 chiếc tàu Pháp đến bắn phá các bảo đài ở cửa Hàn, nay thuộc Đà Nẵng. Ban đầu, Trương Đăng Quế cùng Phan Thanh Giản đều tâu lên vua sách lược kháng Pháp là “chiến không bằng hòa”. Tuy nhiên, theo cách nhìn nhận sâu hơn của Trương Đăng Quế thì trước khi hòa, “cần phải giữ vững đã”. 
Sách lược này được vua cho là phải, sau đó ông nhận lệnh vua đi khắp Quảng Nam đôn đốc việc xây đắp đồn lũy để phòng thủ.
Xét trên khía cạnh văn hóa, Trương Đăng Quế được đánh giá là người có nhiều kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực này. Chẳng hạn, dưới triều Minh Mạng, ông là một đại thần của Viện Cơ mật, được thăng Hiệp điện đại học sĩ. Đời Vua Thiệu Trị, Trương Đăng Quế là Phụ chánh đại thần, Văn minh điện đại học sĩ. Sang đời Vua Tự Đức, ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và được phong tước Tuy Thạnh Quận công. 
Cũng dễ hiểu vì sao các vị vua Nguyễn đều rất mực coi trọng thực tài học vấn của ông, cử ông làm Tổng tài ở Quốc sử quán, chủ biên nhiều bộ sách lớn của triều Nguyễn. 
Bằng tài năng thực học của mình, ông đã góp công xây dựng triều Nguyễn.
Bằng tài năng thực học của mình, ông đã góp công xây dựng triều Nguyễn. 

Tên tuổi của Trương Đăng Quế gắn liền với nhiều bộ sách địa chí, lịch sử quan trọng, thuộc vào hàng công phu nhất thời cận đại như: Đại Nam liệt truyện (Tiền biên), Đại Nam thực lục (Tiền biên), Đại Nam thực lục (Chính biên, chép đến đời Vua Thiệu Trị), Hoàng Nguyễn thực lục (Tiền biên), Hoàng Nguyễn thực lục (Hậu Chánh biên)...

Trương Đăng Quế cũng là người có tâm hồn đa cảm, ông sáng tác văn học rất nhiều. Những danh sĩ cùng thời với ông như Tùng Thiện Vương, Phan Thanh Giản, Nguyễn Công Trứ đều rất mực quý mến ông về tài học và tài thơ. Trương Đăng Quế đã để lại cho đời không ít tác phẩm có giá trị như: Thiệu Trị văn gia, Quảng Khê thi văn tập, Học văn dư tập…
Đến nay, không ít thơ ca của Trương Đăng Quế được nhân gian truyền tụng, mang sắc thái thương nước, yêu dân, nặng lòng với quê hương. Chẳng hạn, trong bài “Thuyền quá Quảng Ngãi cố hương” viết khi Trương Đăng Quế nhận lãnh trách nhiệm kinh lược xứ Nam kỳ có đoạn: Xuân phong tống chinh nghích/ Thuấn tức việt trùng ba/ Lộ chỉ  cố hương quá/ Tinh huyền du tử đa/ Không hoài Tang tử Kính/ Trùng xướng Thử miêu ca/ Khởi lập thuyền đầu vọng/ Dao thôn ẩn nguyệt la. Đại ý nói về việc Trương Đăng Quế và đoàn tùy tùng đi bằng đường biển, thuyền của ông đi sát dọc theo Quảng Ngãi quê hương ông. Nhưng vì mệnh vua và là một người có trách nhiệm với công vụ, không thể dừng lại thăm quê nhà, đứng ở đầu thuyền, nhìn về quê nhà, Trương Đăng Quế xúc động viết thành thơ với tấm lòng dạt dào thương nhớ quê hương.
Tháng 2 năm Ất Sửu (1865), Trương Đăng Quế lâm bệnh nặng, mất ở tuổi 72. Nghe tin, nhà vua cho nghỉ triều 3 ngày, truy tặng ông hàm Thái sư, ban tên thụy là Văn Lượng, cho khắc trên bia mộ dòng chữ “Lưỡng triều cố mệnh lương thần Trương Văn Lượng chi mộ”, nghĩa là mộ của bề tôi giỏi chịu mệnh tiên đế phó thác qua hai triều là Trương Văn Lượng. 
Năm 1876 (Tự Đức thứ 28) nhà vua cho phối thờ ông trong Thế miếu, nơi thờ phụng các vua nhà Nguyễn và phối thờ các đại công thần. Ngày nay, nhiều địa phương ở Quảng Ngãi, TP.HCM cũng lấy tên ông đặt cho các tuyến đường nội thị trọng yếu./.

Đọc thêm