Trường hợp nào được sử dụng hình ảnh mà không cần sự đồng ý của người có hình ảnh?

(PLVN) - Em trai tôi chia sẻ trên Facebook cá nhân hình ảnh một quảng cáo game bài online với nội dung nhắc nhở mọi người hãy cẩn trọng với tình trạng đánh bạc trá hình theo cảnh báo của cơ quan chức năng nhưng lại bị người ta dọa kiện, yêu cầu phải xóa nội dung, hình ảnh và xin lỗi...

Hỏi: Em tôi chia sẻ trên Facebook cá nhân hình ảnh một quảng cáo game bài online với nội dung nhắc nhở mọi người hãy cẩn trọng với tình trạng đánh bạc trá hình theo cảnh báo của cơ quan chức năng. Sau đó chủ trang mạng trên đã nhắn tin yêu cầu em tôi phải xóa bài viết và hình ảnh, đồng thời phải đăng tải nội dung công khai xin lỗi vì đã đăng tin không đúng sự thật, nhằm vu khống, xúc phạm uy tín của họ khi chưa có bản án của Tòa án.  

Xin hỏi việc em tôi đăng nội dung cảnh báo về dấu hiệu vi phạm pháp luật như trên có xâm phạm quyền cá nhân với hình ảnh của họ hay không? Pháp luật quy định trường hợp nào sử dụng hình ảnh mà không cần sự đồng ý của người có hình ảnh? 

Trả lời: Do bạn chỉ nêu tình huống rất chung chung, sơ lược nên rất khó để có thể khẳng định việc em bạn đăng tải nội dung và hình ảnh như vậy có được phép hay vi phạm.

Về vấn đề bạn hỏi, Luật sư xin dẫn chiếu các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về quyền của cá nhân với hình ảnh, cũng như quy định  về việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ để em bạn tham khảo, đối chiếu với tình huống của mình. 

Cụ thể Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền cá nhân đối với hình ảnh như sau: 

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Như bạn nói thì việc em bạn đăng tải thông tin và sử dụng hình ảnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo cảnh báo của cơ quan chức năng dù chưa có có kết luận của Tòa án nhưng nếu em bạn chứng minh được việc sử dụng hình ảnh đó là vì lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng (quảng cáo công khai trên mạng) mà không tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh... thì không vi phạm pháp luật. 

Đọc thêm