Hiện tượng học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Hiền (Quận 11, TP HCM) ném đề cương môn Lịch sử sau khi biết trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không thi môn học này đang khiến dư luận xã hội quan tâm. Xung quanh vấn đề này, GS.TS Đỗ Thanh Bình,Trưởng khoa Sử trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã trao đổi với PLVN:
- Với học trò, dư luận cần khách quan và rộng lượng, có thể hiểu đây là một hành động bột phát tập thể của các em thời “nhất quỷ nhì ma”. Không hẳn chỉ khi liên quan đến sự kiện này mà từ lâu, các em đã chịu ảnh hưởng tâm lý học gì, thi đó. Với những môn không thi ĐH, các em chỉ lo học đối phó.
Tôi không phủ nhận thiếu sót từ chương trình, sách giáo khoa lịch sử và năng lực của một bộ phận giáo viên. Nhưng đó không phải là tất cả. Những năm gần đây phần đông học sinh THPT không lựa chọn những ngành thi ĐH thuộc khối C, là những ngành ít việc làm, thu nhập thấp. Đơn cử như những giảng viên trẻ ở khoa tôi, lương chỉ vài triệu/ tháng và vẫn phải đi thuê nhà. Nếu ở các ngành nghề khác, thu nhập có thể “ sống ổn” như ngân hàng, kinh tế…
* Nhiều người đánh giá rằng dù là hành động đáng buồn nhưng hành động khiến chúng ta phải nhìn nhận cách dạy và học sử hiện nay, giáo sư có đồng ý như vậy không?
- Có nhiều số liệu thống kê khoa học cho thấy số học sinh không thích lịch sử không đến mức quá nhiều. Vẫn còn nhiều em say mê với môn học này. Lỗi của chương trình chỉ là một phần. Lỗi của giáo viên cũng có nhưng không phải của tất cả giáo viên. Còn có nguyên nhân quan trọng từ sự lựa chọn của học sinh. Không ai thích học môn mà mình không yêu hay môn mà mình phải cố gắng một cách vất vả.
Trên thực tế vẫn có nhiều em yêu văn, yêu sử, chỉ có điều các em lựa chọn những gì thiết thực hơn thôi chứ không hẳn là học sinh quay lưng lại với môn Sử, Địa. Tuy nhiên, ở trường tôi, những năm gần đây, mặc dù đầu vào của học sinh giỏi Sử luôn cao nhưng chúng tôi lại không thể thu hút được những học sinh giỏi Sử hàng đầu ở kì thi quốc gia. Với những học sinh giỏi đó, các em thường đăng kí vào trường An ninh, Mật mã ra trường dễ xin việc và thu nhập cao hơn.
“Hội Sử học đã đề nghị với Bộ GD& ĐT nhiều lần rồi là phải đưa môn sử trở thành môn học và thi bắt buộc, nhưng Bộ nghe rồi để đấy chứ chẳng có ý kiến gì. Trong khi đó, Sử cần được coi như kiến thức nền bắt buộc, nó có sự liên quan chặt chẽ tới tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc. Đảng ta cũng rất coi trọng giáo dục con người, giáo dục chính trị mà nền tảng phải là lịch sử. Chúng ta tự hào truyền thống mấy nghìn năm dựng nước giữ nước, truyền thống quật cường mà lại phải bốc thăm chờ đợi sự may – rủi thì thật đáng buồn!” |
Vừa rồi tôi đi bồi dưỡng kiến thức cho nhiều giáo viên phổ thông, các bạn ấy cho biết là ở trường họ chỉ được coi là hạng trung bình, kể cả khi đề bạt một giáo viên vào vị trí lãnh đạo thì giáo viên môn Sử rất hiếm khi được chú ý, mà chủ yếu vẫn chỉ là Văn và Toán. Và một thực tế nữa, để có được các em học sinh giỏi Sử vào đội tuyển thì các thầy cô phải vận động các em đi luyện thi. Và các em vào đội tuyển cũng chỉ để đẹp lòng thầy cô, nhà trường.
* Thực tế hiện nay là chương trình học ở bậc phổ thông còn rất nặng, tâm lý chung của học sinh là nếu không thi thì sẽ không học. Vậy cần phải làm gì để giúp lớp trẻ yêu thích môn Sử?
- Trước hết ở chính sách vĩ mô, Chính phủ cần có nhiều chính sách về ngành nghề, đầu ra cho môn sử để thu hút giới trẻ. Đồng thời, đã đến lúc phải nhận thức lại vị thế của môn Sử cho đúng. Trên cơ sở nhận thức rõ ràng, đúng đắn cần phải xác định mục tiêu, yêu cầu môn Sử hay nói cách khác là dạy và học Lịch sử nhằm mục tiêu gì? Dạy và học những cái gì? Không phải dạy Sử là để thuộc lòng một số sự kiện, nhân vật, số liệu...
Điều quan trọng nhất là rèn luyện tư duy, là thấm nhuần các giá trị lịch sử - văn hóa vào tâm trí lớp trẻ và lắng đọng dần thành phẩm chất, năng lực của các em, trở thành hành trang đi theo học sinh suốt cả cuộc đời.
Muốn biên soạn SGK tốt thì cần xây dựng lại chương trình. Chương trình hiện nay có một số thay đổi nhưng vẫn rất bất cập. Cần nghiên cứu để chương trình môn Sử thể hiện rõ ràng mục tiêu, cùng các nguyên tắc cơ bản trong phân bố chương trình cho các cấp, các lớp và yêu cầu cụ thể của mỗi cấp, mỗi lớp…
Chẳng hạn với học sinh lớp 4, 5 người làm sách phải viết thành những câu chuyện lịch sử dễ hiểu thay vì những sự kiện, số liệu khô cứng. Chương trình hiện nay bố trí theo lối đồng tâm nên có phần lặp lại suốt ba cấp học và không còn hấp dẫn nữa. Chúng ta cần chuyển từ đồng tâm sang đường thẳng để suốt quá trình phổ thông, chương trình không bị lặp lại và bài học nhẹ nhàng dễ hiểu đi vào tâm trí của người học suốt đời chứ không phải học đối phó như hiện nay.
* Xin cảm ơn Giáo sư!
Nguyệt Thương (thực hiện)