[links()]Năm nào cũng vậy, điệp khúc lạm thu tiền trường (các khoản đóng góp đầu năm học) cứ cất lên mà xem ra tình hình chẳng chuyển biến được bao lăm. Thậm chí, nó lại có vẻ gia tăng bởi có nhiều khoản thu biến tướng, do người ta sáng tác ra, chưa từng có trong từ điển.
Có điều khiến các bậc phụ huynh băn khoăn là ở cấp học Mầm non mà các khoản thu lại còn nhiều hơn Đại học. Chẳng hạn như ở Hải Phòng, có trường đặt ra tới 20 khoản thu(?!) với số tiền lên tới hơn 2 triệu đồng. Tại Hà Nội, người viết bài này hôm thứ Sáu vừa rồi đi nộp tiền học cho đứa cháu Mẫu giáo, thấy bà mẹ trẻ bế con đứng băn khoăn trước cửa phòng Tài vụ.
Mãi sau, chị mới rụt rè hỏi: “Cô ơi, sao tháng này phải đóng nhưng 23 ngày ăn?”. “Nếu thừa thì tính sang tháng sau chứ, phải lân sang mấy ngày vì các vị có đóng tiền ngay đầu tháng đâu!”. “Tất cả phải đóng là bao nhiêu hở cô?”. “Chín trăm mười nghìn đồng, chị nộp đi!”. Người mẹ trẻ ngượng ngùng xin lỗi vì không mang đủ tiền, chị bần thần bế con đi. Hẳn tình cảnh như chị này không phải là cá biệt.
Từ cái việc thu tiền học của trẻ con này mà liên tưởng tới việc mua đồ cho trẻ. Hầu như các thứ đồ cho trẻ con đều rất đắt như quần áo, giày dép… Đặc biệt, khi ta dẫn trẻ đi mua đồ thì thể nào người bán cũng nói giá vống lên. Vì trẻ thích nên người lớn vẫn phải mua cho nó dù biết đấy là đắt. Mánh khóe đánh vào tâm lý này là của người buôn bán, cớ sao các nhà sư phạm lại áp dụng?. Hơn nữa, các trường mầm non, nơi tiếp nhận và dạy dỗ “trẻ em như lá trên cành”.
Kinh phí Nhà nước dành cho giáo dục đâu mà cái gì cũng phải đóng, từ cái giá để giày dép đến đồ chơi ngoài sân, rồi điện, nước, sàn nhà, điều hòa, quạt máy…?. Chẳng lẽ Nhà nước ta không quan tâm đến trẻ học Mẫu giáo hay sao?. Trẻ con thì bị đối xử thế, còn một cô Hoa hậu thì chẳng những được đặc cách tốt nghiệp, ưu ái vào học cao đẳng liên thông mà lại còn được nhận học bổng dành cho sinh viên nghèo học giỏi nữa!
Người mua đồ cho trẻ em biết là mua đắt mà vẫn phải mua nhưng trong thâm tâm thì coi thường cái mánh khóe móc túi của người bán hàng, đánh vào tâm lý của trẻ con. Các nhà giáo dục nghĩ sao về chuyện này?.
Nhị Ngọc