Như vậy, khẳng định chắc chắn đây là trường “ma”, giảng viên không, học sinh không, cơ sở vật chất không... thế mà, điều khó tin là lại có uy tín đến thế ở Việt Nam, liên kết với không ít cơ sở giáo dục nhằm đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước với học phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho mỗi học sinh.
Bất ngờ lớn hơn là Trường “ma” này được quảng cáo rầm rộ, chất lượng và chính danh, khi phụ huynh ngã ngửa vì bị lừa thì không một ai chịu trách nhiệm về chuyện lừa đảo này cả. Trường bảo do Sở Giáo dục cấp phép thì trường mới được liên kết đào tạo, Sở bảo cái này do Bộ Giáo dục thẩm định, kiểm tra, Bộ chối phắt, cái này là căn cứ vào hồ sơ do dưới đưa lên...
Tóm lại, “đồng đổ cho cốt, cốt đổ tại đồng”, “thầy sai tớ, tớ sai ngươi”, còn gì là tôn ti, trật tự của nền giáo dục XHCN nữa! Trường “ma” giở những trò ma mãnh, trách nhiệm chỉ là "bóng ma" lởn vởn, phụ huynh bức xúc, học sinh thành vật thí nghiệm và muôn thuở là nạn nhân cho chiêu trò kiếm tiền.
Trước cái trò lừa đảo khoác áo giáo dục này, người ta tham vấn ý kiến giới luật sư để đi kiện. Thế nhưng, có lẽ lời đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc sẽ hợp lý hơn nhiều. Bởi, trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, bất cứ việc gì cũng phải cứu viện đến lực lượng Công an: Bộ Y tế đề nghị Công an “cắm chốt” ở bệnh viện, gánh xiếc biểu diễn cho thiếu nhi Phan Thiết xem gây náo loạn cũng đề nghị cơ quan điều tra làm rõ, thi tuyển giáo viên ở huyện Krông Park (Đắk Lắk) phải huy động rất đông Công an đến giám sát...
Điểm qua như thế để thấy rằng Công an cần thiết đến như thế nào trong cuộc sống thường nhật, trong các sinh hoạt văn hóa và cả ở trong lĩnh vực thuộc về quản lý hành chính, xã hội. Rõ ràng, sự tự giác chấp hành pháp luật của cả một bộ phận cán bộ và dân ta đều có vấn đề.
Trước đây, đã có những trường đại học “ma” nước ngoài cấp bằng tiến sỹ cho một số cán bộ của ta (dân thường thì hoặc là không cần bằng tiến sỹ, hoặc là không có tiền mua), việc này bị phát hiện và nhiều ông phải giấu nhẹm bằng đi, không dám xưng mình là tiến sỹ nữa. Những tưởng việc đó là bài học đối với những trò ma mãnh, nhưng không, người ta vẫn nhắm mắt làm ngơ cho sự gian dối và lừa đảo ngay cả trong lĩnh vực văn hóa nhất, nhân văn, đạo lý nhất, đó là giáo dục!