Nằm lọt thỏm trong khu dân cư ngoài đê sông Hồng, Trường trung cấp y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội có không gian khá chật. Toàn bộ diện tích đất chừng 2.000m2 mét vuông với các phòng ốc ngoắt nghéo và lồi lõm như những cái hang. Khu sân phía trước văn phòng rộng chừng 100m2 khiến các học viên không có chỗ gửi xe đành phải trông cậy vào dịch vụ giữ xe của mấy nhà hàng xóm kiêm dịch vụ bán nước.
Khi quan sát các phòng như tư vấn tuyển sinh, đào tạo thì thấy các phòng này đều có diện tích “nho nhỏ, xinh xinh”, chừng hơn chục mét vuông. Phòng kế toán ở mãi trong hốc ngoắt nghéo nếu những ai mới đến lần đầu thì dễ bị lạc. Trong khi đó, giảng đường quá chật so với lượng học viên (khoảng hơn 50 người ngồi tại giảng đường 3 với chừng 30 m2), trần nhà thấp tè khiến phòng học vừa tối, vừa bí. Nếu đóng cửa sổ có kính mờ thì không đủ ánh sáng và nóng; hệ thống quạt treo tường đã hết đát và đang trong tình trạng hư hỏng kêu rít và nhếch nhác. Bàn ghế xuống cấp nghiêm trọng, khiến người ta nhìn còn kém cả bàn ghế của học sinh tiểu học ở vùng cao Nghệ An bị mưa lũ cuốn trôi phát trên truyền hình vừa qua.
Ở tầng 2 có hai “nhà” vệ sinh dành cho hai giới, chỉ khoảng gần 10m2. Khu vệ sinh dành cho nam giới chỉ có một chỗ đi tiểu, song lại hỏng không sử dụng được phải đi nhờ sang phòng nữ. Khi các bạn nam đi sang phòng nữ thì phải có người đứng ngoài cảnh báo kẻo người khác giới không biết thì lại trở thành chuyện không nhỏ.
Mới học trọn một ngày với buổi trưa ăn cơm bụi trong quán nhếch nhác ở giữa con hẻm, rồi ngủ vật vờ trên ghế băng ọp ẹp ở giảng đường 3 khiến tôi và các học viên thấy oải. Nhiều chuyện phiếm được học viên rì rầm kể về hiện trạng một mái trường đào tạo chưa đủ chuẩn nói gì đến chất lượng giảng dạy.
Theo quảng cáo của trường thì nhà trường tuyển sinh liên tục tuyển sinh đào tạo từ hệ trung cấp rồi liên thông lên cao đẳng, đại học y dược. Đây quả là “giấc mơ” quá lớn so với điều kiện cơ sở vật chất như đã nêu ở trên.
Tôi mới học trọn một ngày đầu tiên tiếng Hán mà xem chừng không ổn. Đó là việc giảng viên chạy nhanh như “chuồn chuồn đạp nước”, người mới lần đầu tiếp xúc với tiếng Hán làm sao tiếp thu được một ngày giảng tới mấy bộ chữ? Mỗi bài đọc 3 lần theo cô giáo thì khi bước ra khỏi giảng đường trong, đầu tôi trống rỗng chẳng thấy vương vấn gì từ tiếng Hán. Trong khi ở các trường chính quy, tiếng Hán phải học một năm hoặc hơn mới giúp học viên đọc thông viết thạo tên thuốc trong đơn.
Phải khẳng định một điều là nước ta có nhiều tiềm năng về cây thuốc phục vụ tốt cho việc chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Từ xa xưa, cây thuốc Nam ở nước ta chiếm vị trí quan trọng của nghề y học cổ truyền. Vấn đề đào tạo đội ngũ thày thuốc chữa bệnh bằng y học cổ truyền phải hết sức nghiêm túc đáp ứng yêu cầu khai thác nguồn dược liệu quý tại địa phương vào việc chữa bệnh cho nhân dân. Nếu cơ sở đào tạo không đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu của một trung tâm đào tạo nghề thì phải đầu tư, nâng cấp hoặc dừng lại để tránh mang tiếng xấu cho một nghề cao quý, bởi các thầy thuốc không đủ kiến thức và kỹ năng chữa bệnh thì sẽ không bảo vệ được sức khỏe cho người bệnh.