Truyền cảm hứng qua từng trang sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để “Thắp lửa tri thức”, nhằm quảng bá, tôn vinh sách, khơi gợi tình yêu sách và thúc đẩy văn hóa đọc, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương tổ chức nhiều hoạt động như: Phát động “Tháng phát hành sách, tuần lễ phát hành sách chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc; Tổ chức các chương trình tọa đàm giới thiệu sách, các cuộc thi tìm hiểu qua sách, kể chuyện theo sách; Xây dựng không gian sách như đường sách, phố sách, thư viện sách tại các nhà văn hóa, khu dân cư…
Văn hóa đọc - Thắp lửa tri thức. (Ảnh: Nguyễn Quang)
Văn hóa đọc - Thắp lửa tri thức. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Nhộn nhịp Hội sách trực tuyến quốc gia 2022

Để tôn vinh Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam, hưởng ứng tinh thần “Thắp lửa tri thức”, Hội sách trực tuyến Quốc gia 2022 vừa được tổ chức tại địa chỉ https://book365.vn kéo dài tới hết ngày 20/5. Hội sách trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, Công ty CP Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education trực thuộc Tổng công ty V&V phối hợp tổ chức.

Để vận động sự chú ý của toàn xã hội, BTC năm nay đã thực hiện chuỗi sự kiện toạ đàm “Kiến giải thông điệp sách hay cùng người nổi tiếng” với sứ mệnh: vận động sự ủng hộ từ những nhân vật khách mời có sức ảnh hưởng, uy tín và tình yêu với hoạt động phát dương tri thức nước nhà sẽ tới kiến giải và chia sẻ những trải nghiệm thực tế của bản thân qua từng cuốn sách với bạn đọc thông qua những sự kiện toạ đàm, là tấm gương thiết thực nhất cho phong trào đọc sách “thắp lửa tri thức” của đất nước.

Book365 triển khai các chương trình trợ giá sách từ 30-50% cho bạn đọc ở khắp các tỉnh thành, dự kiến 20.000-30.000 đơn vận chuyển sách miễn phí. Tất cả đang cùng nhau thắp lên ngọn lửa tri thức trong toàn đất nước sau 02 năm đình trệ đầy khó khăn của đại dịch.

Ngoài ra, Hội sách trực tuyến Quốc gia 2022 năm nay lần đầu tiên tổ chức cuộc thi “Nhà thông thái” nhằm tìm ra 100 Nhà thông thái trên khắp Việt Nam, với ý nghĩa truyền cảm hứng và lan toả phong trào đọc sách tới tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

Nhằm tăng sự thu hút cho bạn đọc đến với Hội sách trực tuyến, 7-12 tọa đàm lớn diễn ra có sự tham gia của những nhân vật nổi tiếng, uy tín và có sức ảnh hưởng lớn đối với bạn đọc đến tham dự giới thiệu, kiến giải thông điệp sách hay đặc sắc. Đại diện BTC cho hay, chuỗi sự kiện toạ đàm “Giới thiệu, chia sẻ và kiến giải thông điệp sách hay đặc sắc đến bạn đọc cả nước” được tổ chức với Sứ mệnh: “Thông qua nhiệt huyết, sức ảnh hưởng và tình yêu của những người có tấm lòng thiện lương, có nền tảng tri thức vững vàng và uy tín trong xã hội, bằng những trải nghiệm thực tế đã trải qua của mình, các đại biểu sẽ chia sẻ những kiến giải về những ý hay, những nội dung tâm đắc trong từng cuốn sách mình từng đọc, cùng thảo luận và trả lời những câu hỏi của độc giả trong các chương trình. Mỗi buổi tọa đàm sẽ được diễn ra trong không gian giao lưu tri thức ấm cúng, sang trọng, được lan toả rộng rãi trên các kênh toạ đàm trực tuyến của Hội sách, qua đó góp phần trao truyền cảm hứng đọc sách đặc biệt góp phần thắp lửa tri thức nước nhà.”

“Nghĩ tích cực - Sống tự tin”

Trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều loại áp lực tác động không nhỏ đến tâm lý và tính cách, thói quen của chúng ta. Tuy nhiên, không phải chỉ có người lớn chúng ta mới gặp phải các áp lực này, mà dường như ở mọi lứa tuổi đều có thể. Các loại áp lực mà trẻ em ngày nay có thể phải đối mặt? Và có phải áp lực ấy chỉ xuất hiện khi các em đã vào tuổi teen, hay khi còn rất nhỏ tuổi?

Đó là chủ đề của toạ đàm “Nghĩ tích cực - Sống tự tin” do Đinh Tị Books tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng ngày sách Việt Nam của Thủ Đô Hà Nội và 5 năm thành lập Phố Sách. Toạ đàm có sự tham dự của Th.S Tâm Lý Giáo Dục Lại Vũ Kiều Trang (ĐH Văn hóa Hà Nội) - chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy kỹ năng sống và kỹ năng mềm cho các trường học như THCS Herman Gmeiner, THPT Nguyễn Huệ và là diễn giả của nhiều chương trình hỗ trợ sức khoẻ tinh thần cho giáo viên trong cộng đồng giáo viên đổi mới. Đại diện cho thế hệ trẻ là Chuyên gia Đào Quỳnh Anh - tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - là chuyên viên cao cấp về tâm lý học đường của hệ thống giáo dục Alpha School, các tổ chức giáo dục nổi tiếng như Cùng Học, Edlab Asia.

Các diễn giả phân tích khái niệm áp lực, điểm mạnh điểm yếu của các loại áp lực trong cuộc sống. Trong đó có áp lực đồng trang lứa. Diễn giả Quỳnh Anh giải thích: “Có rất nhiều loại áp lực, trải dài khắp các độ tuổi. Ở tuổi tiểu học thì bị gia đình so sánh với đứa trẻ khác. Và ở tuổi trung học thì còn áp lực về tình cảm, thay đổi tâm sinh lí và ngoại hình”.

Hiện tại cụm từ “Áp lực đồng trang lứa” tức Peer Pressure đang rất thịnh hành. Có thể hiểu đây là loại áp lực gây ra từ những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè cùng trường lớp, nhất là việc ganh đua, hơn kém trong học tập và sinh hoạt. Hẳn ai trong tất cả chúng ta đều cũng được nghe qua cụm từ “con nhà người ta”.

Sôi động hội sách trực tuyến quốc gia 2022.

Sôi động hội sách trực tuyến quốc gia 2022.

Diễn giả Kiều Trang cho biết “Ai trong chúng ta cũng bị so sánh với người khác. Áp lực đồng trang lứa xuất hiện với mọi độ tuổi. Chính các bậc phụ huynh cũng bị so sánh với phụ huynh khác, khi con họ kém hơn, và nghĩ rằng do mình kém cỏi nên con cái không thể vươn lên. Thế nhưng việc con cái giỏi giang không phải là thước đo giá trị của con người. Mỗi người sinh ra đều có một đặc điểm riêng, không thể đánh giá con cá qua khả năng leo cây. Khi gặp chính các áp lực ấy từ cha mẹ, con trẻ sẽ có biểu hiện phản ứng, chống đối. Các vị phụ huynh thường phán xét con qua những hành vi này và điều này vô tình cô lập đứa trẻ. Một loại áp lực đồng trang lứa đang gây nhiều hậu quả tâm lý nhất là áp lực học đường: có nhiều học sinh nói với tôi rằng bạn ấy không thể hoà nhập nổi, bởi vì điểm kém hơn các bạn”.

Diễn giả Th.s Lại Vũ Kiều Trang cũng đưa ra phương pháp cho cha mẹ để giải quyết loại áp lực này: “Tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh cần lắng nghe con cái nhiều hơn, kế đến là lắng nghe chính bản thân mình. Lắng nghe mà không phán xét, cũng như tìm hiểu phía sau hành động của mỗi đứa trẻ là biểu hiện tâm lý nào. Nếu chúng ta cảm thấy khó nói chuyện thì viết thư là một hình thức hữu hiệu. Ngoài ra các cha mẹ không chỉ nên quan tâm đến mỗi con mình, mà có thể cần trò chuyện, dành thời gian làm bạn với cả những người bạn của con nữa”.

Độc giả tên Vinh ở Hà Nội “làm sao để biến áp lực đồng trang lứa thành những điều tích cực trong cuộc sống”. Diễn giả Đào Quỳnh Anh giải đáp: “Vốn các loại áp lực đều có mặt tốt. Chỉ khi chúng gặp một yếu tố độc hại thì mới biến thành những sự việc đau lòng. Chúng ta có thể vượt qua áp lực bằng cách trước hết là tìm hiểu các loại áp lực này và nhận ra bản thân mình đang bị. Sau đó, hãy phân tích cơ hội của chúng ta đối với áp lực đó”.

Nghĩ tích cực và sống tự tin, hẳn là ước mơ của tất cả mọi người. Nhưng nỗi tự ti và bóng tối của những áp lực luôn luôn ngăn cản chúng ta. Hẳn phương pháp để vượt qua điều đó là gì? Làm sao để chúng ta “Nghĩ tích cực và sống tự tin”? Diễn giả Lại Vũ Kiều Trang cho biết: “Trong thực tế xã hội, dường như cha mẹ đang có ít thời gian cho con cái, và đặc biệt là cho bản thân mình. Cách giải quyết tốt nhất chính là mỗi cá nhân chúng ta phải tự nỗ lực thôi. Những sự việc gây rúng động gần đây chính là một bài học cảnh tỉnh. Việc làm phong phú thế giới nội tâm, đặc biệt là tạo thói quen đọc sách ngay từ nhỏ cũng là một phương pháp để tăng cường sức khoẻ tinh thần”.

Trong khoảng ba năm trở lại đây, vấn đề tâm lý học - đặc biệt là tâm lý học đường trở thành một đề tài được quan tâm trong dư luận xã hội cũng như các bậc phụ huynh. Hiện tại nhiều trường học đã tổ chức bộ phận tư vấn tâm lý riêng, tuyển chọn các chuyên gia từ các khoa tâm lý tại các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam.

Rất nhiều tựa sách về giáo dục kỹ năng, làm cha mẹ đã được các đơn vị xuất bản phát hành ra thị trường và nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, như dòng sách “Cùng con trưởng thành của Đinh Tị Books”. Đây là tín hiệu đáng mừng dành cho các vị phụ huynh và học sinh ở thế hệ mới, hướng đến một xã hội lành mạnh, giàu sự cảm thông.

Đọc thêm