Người lớn đang làm gương bằng bia rượu, thời trang…
Sinh ra từ gia đình nghèo khó, vậy sách có ý nghĩa thế nào để biến ông từ “from zero to hero” (tức là từ con số không đến anh hùng)?
- Nhà tôi rất nghèo. Ngày ăn chỉ một bữa. Tôi không có đường thoát ngoài học giỏi. Mà hồi trẻ con có biết học giỏi để làm gì đâu. Bác tôi tên là Chí, làm công nhân mỏ Quảng Ninh, cứ đến Tết là mang về chè, thuốc lá, đường, thịt… Thời đó mẹ tôi làm nông dân ở Thái Bình nên rất quý những món quà Tết đó. Tôi hỏi bác, làm sao để lớn lên được là công nhân? Bác bảo, phải học giỏi. Thế là tôi lao vàso học: Vừa nấu cơm vừa đọc sách; vừa chăn trâu vừa học bài; Đêm đốt đèn đọc sách, học bài đến nửa đêm.
Ít nhất hai lần, tôi làm cháy nhà chỉ vì mải đọc sách quá. Có những cuốn sách đọc hồi đó tôi vẫn thuộc lòng một số đoạn. Cuốn sách “Hai vạn dặm dưới đáy biển” với câu chuyện về thuyền trưởng Nemo đã thay đổi đời tôi. Tôi học thuyền trưởng Nemo. Ông khám phá đại dương thì tôi quyết tâm khám phá bầu trời và mặt đất. Thế là từ cậu bé nghèo ở quê tôi quyết học, ham đọc để hết cấp 3 nhận học bổng đi học đại học ở Liên Xô và đến nay đã khám phá trên 40 quốc gia với hàng trăm chuyến bay.
Ông từng nhận xét: “Sách là tri thức, là trí tuệ. Trong sách có ngọc. Trong sách là cả thế giới. Nhưng phần lớn bạn trẻ chưa biết cách đọc sách. Được mệnh danh là “Tiến sĩ đọc sách” với khả năng đọc sách siêu tốc, có thể đọc một cuốn sách trong vòng một giờ và nhớ được hầu hết nội dung trong cuốn sách đó, ông có thể chia sẻ “bí kíp” đó?
- Ở Việt Nam không có lớp dạy đọc sách. Chưa một ngôi trường nào mở lớp dạy đọc. Các trưởng THCS chỉ dạy đánh vần. Đầu thế kỷ XXI, tôi là một trong những người đầu tiên dạy đọc sách siêu tốc và chúng tôi xuất bản sách hướng dẫn đọc sách.
Tôi cũng đã làm việc với Bộ GD-DT để đề nghị có các lớp đọc sách nhưng vấn đề đầu tiên là cần đào tạo giáo viên. Thứ 2, muốn các bạn trẻ đọc sách nhiều thì người lớn phải làm gương. Thế nhưng không ít người lớn đang làm gương bằng bia, rượu, thời trang, ăn uống… Hơn nữa, nói thật nhé, ngay cả không ít thầy cô giáo không có tủ sách ngon lành! Thế thì sao dạy được học trò. Bố mẹ về không đọc sách thì nói ai. Lãnh đạo lười đọc sách thì sao làm gương cho cấp dưới được à chị.
Còn “Tiến sĩ đọc sách” ư ? Đó là cái danh thôi. Háo danh có ngày chết. Ngày trước, Phó vụ trưởng vụ Thư viện, Bộ VH - TT & DL và hiện là Chủ tịch hội Thư viện Việt Nam gọi tôi là “Hiệp sỹ văn hóa đọc”. Ý nghĩa là, tôi ăn xong chỉ lăn lộn với sách và văn hóa đọc. Mỗi năm, tôi có khoảng 50 chương trình truyền bá sách và văn hóa đọc, giới thiệu sách, hướng dẫn đọc sách.
Tôi lập ra CLB yêu sách, nghĩ ra Tết sách, tháng đọc sách, là một trong những người đầu tiên làm Đường Sách ở TP HCM, Phố Sách ở Hà Nội, triển khai Reading Tour, Reading Books Together và Happy Reading Room. Còn cách đọc nhanh, đọc siêu tốc, tôi đã chia sẻ nhiều lần rồi. Ngay gõ trên mạng internet cũng ra các chia sẻ của tôi cách đây từ hơn chục năm trước.
Là Chủ tịch Thái Hà Books, ông hướng dẫn hay yêu cầu các nhân viên của mình đọc sách ra sao, ông thường khuyên các nhân viên của mình đọc dòng sách nào?
- Lạ lắm chị ạ, thường làm nghề nào không thích thứ đó, vì ngán. Ví dụ, bán bún chả nhưng ít ăn bún chả. Bán phở nhưng ít ăn phở. Tuy nhiên người làm sách lại đọc sách nhiều và chuyên đi mua sách. Tôi vừa có một tháng đi hai hội sách London (Anh) và Bologna (Italy) và thăm các nước châu Âu về. Học được quá nhiều.
Trước đó, ngay sau Tết, tôi nhận được giải thưởng vàng và đi thuyết trình về sách và văn hóa đọc trong diễn đàn xuất bản toàn cầu ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Càng đi càng học được nhiều. Càng đi càng có cơ hội quảng bá cho văn hóa đọc Việt Nam. Và tôi nghĩ các đơn vị xuất bản Việt Nam nên ra với thế giới nhiều hơn nữa.
Mỗi lần giao lưu văn hóa đọc sách, TS Nguyễn Mạnh Hùng thu hút hàng trăm, hàng ngàn người chăm chú lắng nghe |
Tháng 4 cả Hà Nội và Kuala Lumpur đều có hội sách nhưng ở Việt Nam mới đọc 1 người/cuốn/năm còn Malaysia là 12 cuốn/người/năm. Tôi mong bao giờ VN bằng ½ Malaysia chứ chưa dám mơ đến các nước phát triển kiểu như Nhật. Cứ mơ và cứ quyết tâm làm chút chút từng ngày chị ạ. “Chút điều lành cùng thử cùng làm” mà. Tại hai hội sách London và Bologna, chúng tôi mang về hơn 100 kg sách! Mua được nhiều lắm.
Công ty sách Thái Hà tặng sách cho nhân viên, và kể cả sinh viên thực tập, cộng tác viên. Mỗi em mỗi tháng được tặng một cuốn sách mà e ấy thích. Như vậy, nếu làm 5 năm, ít nhất em có 60 cuốn sách và đã có một tủ sách nhỏ. Mà chị có biết ai là người mua sách Thái Hà Books nhiều nhất không? Chính là nhân viên công ty. Họ mua để làm quà tặng.
Bạn bè bảo "khùng", tôi càng quyết tâm
Là một trong những người tham gia tổ chức Ngày sách Việt Nam từ những năm đầu, ông có nhận xét gì về sự chuyển biến văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay?
- Thế này nhé, lúc đầu, chúng tôi bị phản đối ghê lắm, bị chê bai dè bỉu nhiều lắm. Để phát triển và quảng bá sách và văn hóa đọc, tôi mua hai căn hộ sát nhau ở mặt phố Tô Hiệu để hàng ngày ra pha trà mời bạn đọc và cùng đọc sách.
Có một nhà văn khá nổi tiếng bảo tôi dở hơi. Ông đề nghị cho con gái ông thuê lại tầng một bán thời trang. Tôi không đồng ý. Ông bảo tặng tôi chữ K. Tôi vẫn chưa hiểu. Ông bảo tôi là Hùng, tặng chữ K nữa thành Khùng. Ông bảo thời nay có ai đọc sách đâu, chỉ đọc bia hơi và đọc rượu thôi.
Đã thế tôi càng quyết tâm. Và từ 2008, chúng tôi có Têt Sách, có Tháng Đọc Sách. Rồi tôi gặp bà vụ trưởng vụ Thư viện và ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng bộ Văn hóa Thế thao Du lịch đề xuất tổ chức Hội sách ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Phúc đức thay, họ đồng ý ngay. Cứ thế và tiến dần chị à.
Đến nay, nhiều doanh nhân đã không khoe tủ rượu mà khoe tủ sách. Ít nhất phải gần 20 danh nhân liên lạc nhờ chúng tôi làm tủ sách gia đình và tủ sách cơ quan trong năm 2018 vừa qua. Mà mỗi tủ cả ngàn cuốn và bổ sung liên tục. Còn một số bạn sinh viên, học sinh đã dành tiền tiết kiệm mua sách. Tôi vui nhất là, mỗi buổi nói chuyện về sách luôn đông vui như trẩy hội. Có gì vui hơn đâu chị.
Ông từng tặng hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách cho trẻ em nghèo, hay bệnh nhân với phương châm “càng cho đi càng hạnh phúc, càng giàu thêm”?
- Thế này chị à, tôi thích tặng quà. Nhưng nghĩ lại nếu tặng cái bánh, ăn cái hết veo. Nhưng tặng một cuốn sách có vài chục ngàn, người này đọc rồi người kia đọc. Mà nếu người được tặng chưa đọc, có người khác đọc. Hơn nữa, “ăn” sách xong rồi vẫn còn nguyên. Để lâu lại thành sách cổ, sách quý, sách hiếm. Chị biết không có những cuốn sách từ thế kỷ 16 tôi phải mua cả ngàn đô la đấy nhé. Hàng hiếm mà! Nhiều người đến thăm ngắm những cuốn sách cổ, quý của tôi đâm ra mê sách!
Và thế là, chúng tôi phát triển mạnh Tết Sách, lỳ xì sách, mừng tuổi sách, kêu gọi các con dùng một phần tiền mừng tuổi mua sách. Tết 2019 vừa qua, chúng tôi cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về Dạ Trạch, Hưng Yên mừng tuổi cả trăm cuốn sách. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền Thông mừng tuổi 2.000 cuốn “Phụng sự để dẫn đầu” cho các lãnh đạo bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp trong giao ban đầu xuân hôm mùng 9 Tết đấy.
Để khơi dậy văn hóa đọc, ông khuyên: “Thứ nhất là người lớn phải làm gương, thứ hai là cần có sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông, tiếp theo là trách nhiệm của các nhà xuất bản”. Vậy theo ông, các nhà xuất bản nói chung, Thái Hà Book hiện nay kích thích giới trẻ yêu sách tới đâu?
Mạng xã hội mạnh lắm chị nhé. Facebook của tôi chỉ giới thiệu sách là chủ yếu mà có đến hơn 36.000 người theo dõi. Hay hôm trước tổ chức giới thiệu sách “Đi dọc dòng sông Phật giáo” mà kín người đến nghe, trưa rồi mà không ai muốn về. Cứ thành tâm, chuyên tâm, hết mình giới thiệu sách thôi. Mà sách lại hay và đẹp nữa thì chắc chắn là tốt. Tôi chỉ mong các báo, đài dành thêm một chút “sân” nữa cho sách thì tuyệt vời.
Xin trân trọng cảm ơn ông!