Ngày (29/10), Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương đã dành hơn 3 tiếng đồng hồ để chia sẻ tới đông đảo sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội về chuyên đề "Người Việt trẻ và vấn đề văn hóa ứng xử" do Khoa Báo chí và Truyền thông tổ chức. Đặc biệt, buổi nói chuyện còn có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái cùng đông đảo các thầy cô và các bạn sinh viên trong và ngoài trường.
Sinh viên phải có lý tưởng sống
Mở đầu buổi giao lưu là tâm sự của TSKH Đoàn Hương về lý tưởng sống của giới trẻ ngày nay. TSKH Đoàn Hương khẳng định: Sinh viên phải có lý tưởng sống ngay từ đầu vì “chỉ có mục đích và lý tưởng sống mới giúp các em đi đến nơi đến chốn trong cuộc đời, không có mục đích và lý tưởng sống nó giống như con tàu đi trên đại dương không có la bàn".
TSKH Đoàn Hương: "Không có lý tưởng giống như con tàu đi trên đại dương mà không có la bàn" |
Nói về chủ đề của buổi tọa đàm, TSKH Đoàn Hương chia sẻ văn hóa ứng xử có 4 vấn đề: ứng xử giữa xã hội với con người; con người với xã hội; con người với tự nhiên và con người với bản thân mình.
Chia sẻ về vấn đề tình yêu và sống thử, bà ví "tình yêu là một thứ doping trong cuộc sống nhưng yêu không được để lại hậu quả cho người khác". "Người trẻ không yêu thì phí một thời gian của tuổi thanh xuân".
Đông đảo các bạn sinh viên tập trung lắng nghe chia sẻ từ TSKH Đoàn Hương. |
Bà đưa ra kết quả điều tra xã hội học về các sinh viên nam khi sống thử với câu hỏi: Các em có lấy bạn nữ sống thử với mình không?”, Gần như 100% nói là không bao giờ. Bà chia sẻ thêm lý do vì sao các bạn nam không lấy vì sống thử với một bạn nam biểu hiện tính dễ dãi trong cuộc sống của người phụ nữ và người đàn ông không chấp nhận những người đàn bà dễ dãi như thế.
Buổi nói chuyện chuyên đề đầy hấp dẫn khi hai diễn giả chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu từ chính cuộc sống của mình cho sinh viên. Ngay đó, một cựu sinh viên của trường đã đặt câu hỏi và muốn được chia sẻ về kinh nghiệm trong nghề làm báo cũng như những áp lực của nó.
Cựu sinh viên trong Trường đưa ra câu hỏi về kinh nghiệm cũng như cần được chia sẻ những áp lực làm báo. |
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Báo chí phải giải mã được văn hóa
Trả lời câu hỏi của các cựu sinh viên và sinh viên báo chí, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định, báo chí là nghề thông tin, muốn thông tin phải giải mã được văn hóa bởi bất kỳ đất nước nào cũng có một nền văn hóa riêng. Việc giải mã văn hóa chính là hành trang giúp cho người viết báo và văn hóa là đề tài vô tận không bao giờ cạn kiện cho nghề báo.
TSKH Đoàn Hương thẳng thắn chia sẻ: “nghề báo sau này các em bước vào nó không nhiều hào quang như các em tưởng tượng đâu mà nó là cái áp lực ghê gớm". Nhưng nếu mình yêu nghề thì nghề sẽ không phụ mình".
"Cho nên khi mình yêu cái gì thì mình sẽ đam mê vào đó, chỉ có tình yêu mới cứu được. Nên các em bây giờ vào nghề báo mà vì tình yêu thì các em hãy ở lại, còn các em nào cảm thấy mình chọn lầm nghề thì phải ra ngay, làm một cái nghề mình không yêu thì khủng khiếp lắm! Trong cuộc đời tôi, tôi thấy tôi có cái hạnh phúc duy nhất đó là tôi được làm đúng nghề của mình yêu".
Toàn cảnh buổi nói chuyện chuyên đề về "người Việt trẻ và vấn đề văn hóa ứng xử" |