TT - Huế xuất gạo, trích tiền hỗ trợ ngư dân thiệt hại bởi cá chết

(PLO) - UBND tỉnh Thừa Thiên (TT). Huế sẽ xem xét cụ thể các trường hợp bị ảnh hưởng do cá chết để có cách hỗ trợ công bằng nhất cho các ngư dân.
TT - Huế xuất gạo, trích tiền hỗ trợ ngư dân thiệt hại bởi cá chết

Sau khi nắm bắt tình hình và số lượng cá chết, vào ngày 12/5, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh TT. Huế đã có quyết định về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các huyện ven biển do hiện tượng hải sản chết  bất thường.

Qua đó, hỗ trợ 15kg gạo/1 người/1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy có công suất dưới 90CV và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng.

Đối với các phương tiện đánh bắt thủy sản không ra khơi được sẽ được hỗ trợ theo từng loại riêng, cụ thể: ghe, thuyền không lắp máy hỗ trợ 3,5 triệu/chiếc, ghe thuyền lắp máy có công suất dưới 90CV được hỗ trợ 5 triệu/chiếc.

Với các doanh nghiệp thu mua hải sản, tàu dịch vụ hậu cần được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do NHNN Việt Nam quy định với lãi xuất thấp và được nhà nước hỗ trợ 100% lãi xuất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua...

Hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận không đảm bảo an toàn buộc phải tiêu hủy thì được hỗ trợ 70% giá trị theo các loại, hải sản được Sở tài chính thông báo.

Trên cơ sở quyết định của UBND tỉnh, Ngày 13/5, Sở tài chính tỉnh TT. Huế đã phối hợp với Sở NN&PTNT cùng với các phòng ban họp bàn để tìm cách hỗ trợ cho các ngư dân ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua.

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Ngọc Sơn-  Giám đốc Sở tài chính tỉnh TT. Huế cho hay, các địa phương phải nhanh chóng khẩn trương thống kê thiệt hại của ngư dân, Phòng nông nghiệp của các huyện phải xác định công khai minh bạch, chính xác để triển khai đồng bộ các phương án hỗ trợ trên cơ sở đảm bảo công bằng và có tính pháp lý cho các ngư dân. “Người thiệt hại nhiều thì hưởng sớm, người thiệt hại ít thì hưởng ít”, ông Sơn cho biết.

Về biện pháp lâu dài, ông Sơn cho rằng nên khôi phục nuôi trồng thủy sản để các ngư dân có kế sinh nhai về lâu dài.

Trong khi đó ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT. Huế cho rằng, việc hỗ trợ cho các ngư dân bị ảnh hưởng bởi hải sản chết trong thời gian vừa rồi phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai nhằm tạo tính đồng thuận cao trong ngư dân.

Cùng quan điểm với ông Sơn, ông Hùng cho hay việc hỗ trợ kinh phí chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài các sở ban ngành phải có biện pháp xây dựng và phục vụ sản xuất. Theo ông Hùng, các vùng ven biển nên nuôi trồng các loại hải sản để phù hợp với từng vùng. Ví dụ như vùng đầm Lập An nên nuôi hàu, vùng Hải Dương – Thuận An sẽ có phương án sản xuất riêng.

Ngoài ra ông Hùng cũng đề xuất rằng các ban ngành nên tập hợp các phương án sản xuất thành một phương án chung nhằm kêu gọi tài trợ cho các ngư dân. Đồng thời phải nghĩ ra sinh kế lâu dài để thay thế như chuyển đổi đánh bắt thuyền thúng sang nuôi trồng thủy sản, hoặc tập trung nuôi cá nước ngọt vì lợi nhuận cao.

Đọc thêm