Từ cậu bé đường phố đến người truyền hy vọng cho trẻ em lang thang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  15 tuổi, Đỗ Duy Vị rời bỏ quê hương mưu sinh trên khắp đường phố Hà Nội bằng nghề đánh giày. Hai mươi năm sau, anh trở thành một trong hai Giám đốc điều hành của Tổ chức Rồng Xanh – nơi đã trao cho Vị một cuộc đời khác.
Đối với nhiều trẻ em trong Tổ chức Rồng Xanh, Đỗ Duy Vị là ân nhân.
Đối với nhiều trẻ em trong Tổ chức Rồng Xanh, Đỗ Duy Vị là ân nhân.

Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh - Blue Dragon Children’s Foundation là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Việt Nam và Úc. Tổ chức được thành lập vào năm 2004 bởi một giáo viên người Úc là anh Michael Brosowski. Anh đến Việt Nam vào năm 2002 để giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh hàng năm hỗ trợ khoảng 10.000 trẻ em và thanh, thiếu niên trên khắp Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ thay đổi số phận

Đỗ Duy Vị (sinh năm 1987) là một trong số rất nhiều đứa trẻ đường phố quay trở lại làm việc tại Rồng Xanh, nhưng lại là số ít đã gắn bó hơn 15 năm với tổ chức này. Vị đã chứng kiến toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của Rồng Xanh.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc học hành bị ảnh hưởng nên Vị muốn bỏ học, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Dù bị bố phản đối nhưng Vị muốn lên Hà Nội để mưu sinh giống như nhiều đứa trẻ trong làng, xã khi đó. Vị muốn được thoát khỏi cuộc sống ở quê nhà. Vị muốn thay đổi cuộc đời của mình.

Nghĩ là làm, trong đêm, Vị bỏ nhà ra đi cùng một nhóm bạn. Lên tới Hà Nội, Vị sắm một bộ công cụ và được một người bạn dạy cho những kỹ năng cơ bản của nghề đánh giày. Những ngày đầu, Vị cảm thấy thích thú vì vừa được tự do lại kiếm được tiền gửi về hỗ trợ gia đình. Nhưng niềm vui đó chẳng được lâu, Vị đã nhận ra nhiều mối nguy hiểm, rủi ro vây quanh mình.

Vị thường xuyên bị bọn nghiện trấn lột và nhiều trận đòn “dằn mặt” từ những “đồng nghiệp”. Nhiều người khách quỵt tiền và còn đánh Vị. Sự khinh bỉ, dè bỉu từ người khác là những gì mà anh luôn phải đối mặt. Anh còn nhiều lần bị lôi kéo tham gia vào các vụ trộm giày của khách hay đi ăn cướp tài sản của các cặp đôi ngồi tâm sự trên cầu Long Biên. Thậm chí, Vị từng bị lôi kéo đi vận chuyển ma túy. May mắn, bản thân Vị đã thoát khỏi những cám dỗ đó.

Cuộc sống của một cậu bé đánh giày bắt đầu công việc từ 6h sáng tới 6h tối hàng ngày. Trở về phòng trọ tồi tàn, khu ổ chuột bên sông cùng với những người lao động nghèo, Vị cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Tuy vậy, Vị chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ trở về nhà bởi những khó khăn, vất vả đó không đáng sợ bằng một cuộc sống bế tắc tại quê hương. Nhưng bên trong cậu dần hình thành suy nghĩ muốn thoát khỏi cuộc sống tồi tệ khi đó.

“Khi đó, nhiều lần đi trên đường tôi cảm thấy bất lực, tuyệt vọng. Tôi muốn thoát khỏi cuộc sống tồi tệ lúc đó nhưng không biết làm cách nào. Tôi muốn được ai đó giúp đỡ, cho tôi cơ hội thay đổi cuộc đời”, Vị nhớ lại.

Gần một năm sau, cuộc gặp gỡ Michael Brosowsk đã thay đổi cuộc đời Vị. Gặp nhau vào một trưa hè oi ả, ở khu vực mà ít khách Tây xuất hiện, câu chào mời đánh giày của Vị cũng chỉ xã giao. Sau câu chào của Vị, Michael từ chối và cậu nhóc đánh giày cũng xách đồ nghề đi thẳng.

Có lẽ vì ấn tượng với thái độ đó của Vị mà Michael đã gọi anh lại và đồng ý đánh giày. Suốt quá trình đó, hai người nói chuyện và Michale đã đề nghị cậu bé đánh giày đến tham gia lớp học tiếng Anh miễn phí của mình vào sáng chủ nhật hàng tuần.

“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tự hỏi liệu anh ta có lừa mình không, liệu có vấn đề gì xảy ra không và tại sao anh ta lại muốn giúp tôi?” khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ bất ngờ từ một vị khách xa lạ Vị đã nghĩ như vậy.

Cuối cùng Vị quyết định tham gia lớp học với một người bạn đường phố khác cùng quê. Lý do ban đầu để Vị quyết định tham gia lớp học tiếng Anh là cậu có thể đánh giày cho nhiều người nước ngoài hơn, từ đó có thể kiếm được nhiều tiền hơn.

Vị thừa nhận rằng khi đó anh không hứng thú lắm với lớp học, nhưng sau đó, các tình nguyện viên Việt Nam thường đưa những đứa trẻ như Vị đi ăn phở. “Một bát phở là thứ xa xỉ với tôi vào thời điểm đó”, Vị nói.

Sau một thời gian tham gia, Vị nhận ra rằng, ngoài được học, được chơi, được ăn thì anh còn được mọi người ở đó trân trọng. Vị cảm nhận được giá trị của bản thân khi được nhiều người đối xử tốt. Những lớp học này là sự khởi đầu của Tổ chức Rồng Xanh.

Đỗ Duy Vị và Skye Maconachie, hai Giám đốc điều hành của Tổ chức Rồng Xanh. Ảnh: Tổ chức Rồng Xanh

Đỗ Duy Vị và Skye Maconachie, hai Giám đốc điều hành của Tổ chức Rồng Xanh. Ảnh: Tổ chức Rồng Xanh

“Nếu mình không làm thì ai sẽ giúp đỡ những đứa trẻ này?”

Trái ngược với những người bạn của mình, Vị không đến trường, anh đầu tư học tiếng Anh, tin học, lập trình web, sau đó học nghề khách sạn. Cậu được Michael xin việc giúp, dần lên chức bar trưởng rồi trở thành giám sát tại một khách sạn 5 sao ở Hồ Tây. Ở tuổi 21, chàng trai có lương cao, môi trường làm việc với người nước ngoài cùng cơ hội thăng tiến. Mọi tự ti dần biến mất khi Vị nhận ra, chỉ cần cố gắng, nỗ lực thì anh sẽ có được những thành công nhất định.

Cũng dạo ấy, Michael bận với việc điều hành tổ chức không thể ra phố tìm kiếm trẻ như trước. Vị ứng cử làm thay. Vì tổ chức và cũng với mong muốn được làm gì đó cho Rồng Xanh để trả ơn nên anh đã tình nguyện về hỗ trợ Michael trong 6 tháng.

Thế nhưng, sau một quãng thời gian tham gia trực tiếp vào công việc của Rồng Xanh, Vị đã không thể rời đi. Bởi anh gặp quá nhiều hoàn cảnh, những đứa trẻ phải trải qua một cuộc sống tồi tệ mà không có ai giúp đỡ, dù chúng khao khát được thay đổi cuộc đời. Vì bản thân đã từng trải qua cuộc sống vô định và bị giày vò đó, hơn ai hết Vị thấu hiểu nỗi đau của các em. “Nếu mình không làm thì ai sẽ giúp đỡ những đứa trẻ này”, đó chính là điều thôi thúc Vị chính thức trở lại làm việc cho Rồng Xanh.

Dù vậy, Vị nói rằng: “Nhưng có nhiều vấn đề hơn hiện nay, những đứa trẻ này thường bị lạm dụng tình dục hoặc ở trong các băng nhóm, hoặc ở những khu vực có nhiều vấn đề xã hội”.

Những ngày đầu tiên quay trở về làm việc cho tổ chức, Vị tự nhận bản thân anh chưa có đủ kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề phức tạp nói trên. Và những đứa trẻ như vậy vốn không hề dễ dàng đón nhận sự giúp đỡ, bởi chúng đã bị tổn thương rất nặng, nhiều trẻ có tâm lý chống đối.

Trong hàng trăm đứa trẻ Vị đã giúp đỡ, có những hoàn cảnh khiến anh thật sự ám ảnh, mất nhiều thời gian để đưa các em bước qua được “vũng lầy”, chấp nhận nắm lấy bàn tay của anh đưa ra.

Vị ám ảnh nhất về trường hợp của Minh (tên nhân vật đã được thay đổi) - cậu bé 12 tuổi lang thang ngoài phố vì mẹ bỏ đi, bố nghiện rượu. Minh thường lang thang quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, các bến xe và bị xâm hại bởi rất nhiều kẻ ấu dâm đồng tính. Minh có tính cách hiền lành nhưng sống nội tâm. Cậu bé khá lạ lùng khi không bao giờ xin tiền, không sống vì tiền và cũng chẳng muốn thay đổi cuộc đời mình. Minh quăng mình vào những tệ nạn xã hội và để mặc cuộc đời vùi dập.

Khi Vị tiếp cận cậu bé và muốn giúp đỡ Minh thay đổi cuộc đời nhưng liên tục bị từ chối. Tuy vây, Minh vẫn thường xuyên gặp Vị để uống cà phê, nói chuyện và nhiều lần chỉ để khóc. Dù không biết bao nhiêu lần Vị khuyên thằng bé đừng đi với những đối tượng lạm dụng mình nhưng rồi đâu lại vào đó. Vị nghĩ rằng, không có hy vọng thay đổi và nhiều đồng nghiệp cũng hỏi tại sao Vị còn kiên trì đến vậy? Khi đó Vị cũng không biết giải thích ra sao nhưng Vị biết “thằng bé cần một người bạn”.

Vị đã kiên trì và rất thành thật để làm bạn với Minh. Năm 2018, những đối tượng xâm hại tình dục nam trẻ em bị công an bắt. Từ đó Minh thay đổi, cậu bé đến nhà nội trú thay vì đi bụi. Và nhờ sự giúp đỡ của Vị cùng tổ chức, giờ đây Minh đã có một công việc ổn định, cuộc sống đã bước sang một trang tốt đẹp hơn.

Vị bảo, mỗi đứa trẻ lang thang là một bi kịch, mà bi kịch chủ yếu phát xuất từ gia đình. Đại diện Rồng Xanh cho hay, không chỉ hướng đến trẻ em đường phố, tổ chức còn quan tâm đến lựa chọn giải cứu trẻ em khỏi đường dây buôn bán người. Từ năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, nhiều trẻ em bị đẩy ra đường kiếm sống, một số trẻ em bị lừa bán sang nước ngoài.

Giờ đây, Vị dẫn dắt một đội ngũ khoảng 40 nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp để chăm sóc cho những trẻ bị bạo hành, bị mua bán và bị bỏ rơi. Vị tập trung vào việc xây dựng một đội ngũ và một môi trường làm việc vững mạnh tại Rồng Xanh, đồng thời tìm kiếm các đối tác và nguồn lực trong cộng đồng để hỗ trợ anh cùng đồng đội thực hiện sứ mệnh của mình.

Đọc thêm