Làm tròn chữ hiếu
Theo những cái chỉ tay của những người buôn bán ở khu chợ Liên Hương, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ đang đẩy chiếc xe lăn chở một người đàn ông già tay chân co quắp lại, miệng mếu máo nói những tiếng không rõ, chốc chốc người lại run run. Những người ở chợ cho biết, ngày nào cũng vậy, cứ tờ mờ sáng là họ nhìn thấy một trẻ, một già đẩy nhau trên chiếc xe lăn qua các ngả đường để xin ăn, để bán những tấm vé số.
|
Chị Gái và người cha tâm thần trên nẻo đường mưu sinh. |
Theo chị Gái về nhà, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước căn chòi lụp xụp mà người xung quanh thường gọi nó với một cái tên đắng chát là “biệt thự ổ chuột”. Anh Trần Thanh Lòng, hàng xóm của chị Gái cho hay: “Gia đình bên ấy khổ lắm mấy chú à, không có nhà cửa gì hết, sống lang thang qua ngày mấy năm nay rồi. Vừa rồi, gia đình tôi có miếng đất trước nhà nhưng chưa làm gì nên anh em quanh xóm vận động nhau làm một cái chòi rơm cho mấy cha con chị Gái ở qua ngày. Ai có đồ đạc gì không dùng thì đem qua giúp đỡ gia đình họ”.
“Tôi làm gì có tuổi thơ” là câu nói đầu tiên của chị Gái, rồi chị bắt đầu kể lại câu chuyện đời bất hạnh của mình. Chị đưa đôi mắt buồn thẳm nhìn qua phía người đàn ông gầy gò ngồi bên cạnh và cho biết đó chính là cha mình, tên là Hồ Thanh Nghĩa, sinh năm 1960. Chị làm PV ngạc nhiên và cảm phục thực sự khi cho biết chị là con gái riêng của vợ ông Nghĩa.
Kể từ khi người cha bỏ đi khỏi làng, mẹ chị tái giá với ông Nghĩa, chị Gái về sống cùng với cha dượng. Tuổi thơ cơ cực nên chị Gái không được đến trường như bạn bè đồng trang lứa mà phải sớm ngược xuôi mưu sinh bằng nghề bán vé số kiếm miếng cơm qua ngày. Cách đây gần chục năm trời, mẹ chị qua đời trong một cơn bạo bệnh, nên mọi gánh lo đều trút lên đầu đứa con gái riêng là chị.
|
Ông Nghĩa tay chân co quắp, miệng nói không thành tiếng. |
Vì không được học hành nên cái chữ tròn, méo thế nào chị cũng không hình dung ra được, suốt ngày chị chỉ quần quật với những công việc tay chân. Ai gọi gì làm nấy, khi thì giặt quần áo lúc nửa đêm, khi thì đi bắt ốc, mò cua ở các ven sông để bán kiếm thêm đồng bạc thuốc thang cho cha già.
Khi đề cập đến chuyện hạnh phúc riêng tư, chị Gái bỗng cúi mặt che đi nỗi buồn: “Lúc trước có nhiều người sang để gặng hỏi chị về làm vợ, nhưng nghĩ thương cha già bị bệnh tật, lại không có nơi để đi về nên chị đành ngậm ngùi từ chối tình cảm của người ta. Nhiều lúc, nhất là những lúc đêm tối ngồi một mình trong bóng đêm, mới cảm thấy xót xa cho thân mình”.
“Chỉ sợ mai mốt mình kiệt sức đi rồi thì ai lo lắng cho cha được nữa đây”
Với vẻ mặt ngơ ngơ ngẩn ngẩn, câu được, câu mất, ông Nghĩa cho hay, lúc còn trẻ, ông thường lên rừng đốn củi để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Trong lúc đi làm trên nương rẫy thì may mắn gặp được một người con gái tên là Nguyễn Thị Lạc (mẹ chị Gái) xinh xắn, hiền lành. Qua thời gian làm quen, ông được biết bà Lạc đã có chồng con, nhưng người chồng trước đó đã bỏ đi vì không chịu nổi cảnh cơ cực ở quê vợ. Cảm thông với nhau, hai số phận đã tìm về một mái ấm. Hạnh phúc tuy đơn sơ nhưng luôn tràn ngập tiếng cười.
Thế nhưng, hạnh phúc đó không được bao lâu, đầu năm 2002, một tai hoạ ập lên đầu khi gia đình hay tin ông bị tai nạn trong rừng sau một ngày đi đốn củi. Khi mọi người hốt hoảng chạy vào bệnh viện thì được biết ông rơi từ trên cây cao xuống, bị chấn động mạnh ở đầu.
Mặc dù gia đình nghèo khó nhưng vẫn cố gắng chạy ngược chạy xuôi để vay mượn từng đồng chạy chữa cho ông Nghĩa. Nhưng rồi may mắn đã không mỉm cười với họ khi biết dù chồng, cha đã qua cơn nguy kịch nhưng đầu bị chấn động mạnh nên bị ngớ ngẩn từ ngày xuất viện. Trở về nhà trong tâm trạng hụt hẫng, bà Lạc chỉ biết than trời, trách đất cho thân phận hẩm hiu của mình, nhưng rồi sau đó bà gạt nước mắt để thay người chồng lo cho gia đình.
Cứ tưởng rằng việc ông Nghĩa bị chứng ngớ ngẩn đã là nỗi đau lớn nhất trong ngôi nhà rách như ổ rơm này rồi. Nào ngờ “hoạ vô đơn chí”, chỉ một năm sau đó mẹ của chị Gái cũng qua đời trong một cơn bạo bệnh. Ngày bà Lạc mất, người chồng chỉ biết ú ớ những tiếng nấc không thành tiếng trước bàn thờ vợ. Bà con lối xóm góp tiền, góp sức tổ chức ma chay cho người xấu số. Vậy là trong căn nhà chật hẹp chỉ còn lại chị Gái và người cha già bị bệnh tâm thần hiu hắt bên chiếc bàn thờ đượm màu khói nhang.
“Lúc đấy khó khăn chồng chất, cha già thì đau ốm, mẹ mất rồi mà trong nhà chẳng có một vật gì là quí giá cả thì biết làm sao mà sống được đây? Nhiều lần tôi cũng muốn chết quách đi cho rồi chứ cái số sao mà khổ quá như vậy. Mình chết thì dễ nhưng còn người cha già bị tâm thần thì ai lo cơm nước đây? Dù sao mình cũng là con, một ngày là cha thì ngàn ngày cũng là cha, mình phải làm sao trả cho được cái ân nghĩa này trước lúc nhắm mắt xuôi tay. Gia cảnh thì bần cùng, tôi chỉ sợ mai mốt mình kiệt sức đi rồi thì ai lo lắng cho cha được nữa đây” - chị Gái tâm sự.