Từ chối làm hại động vật để kinh doanh - đó chính là văn hóa doanh nghiệp

(PLVN) - Ngày càng nhiều hãng thời trang trên thế giới chủ trương ngừng sử dụng các chất liệu khai thác từ động vật. Mới nhất, thương hiệu Armani (Ý) tuyên bố sẽ không sử dụng chất liệu len angora trong bộ sưu tập Thu Đông năm tới bởi chất liệu này được làm từ lông thỏ angora.

Những sản phẩm thời trang được làm từ da hay lông thú thường xuất hiện trong các sàn diễn thời trang lớn trên thế giới, trong những thiết kế sang trọng và xa xỉ. Tuy nhiên, xu hướng thời trang này bị lên án là vô nhân đạo bởi việc làm hại, thậm chí cả giết hại, động vật.

Hiện nay, ngày càng nhiều công ty thời trang trên thế giới chủ trương ngừng sử dụng các chất liệu khai thác từ động vật, trong đó có các hãng thời trang cao cấp như: Armani, Saint Laurent, Gucci, Stella McCartney, Ralph Lauren, Vivienne Westwood, Tommy Hilfiger, Hugo Boss, Versace, Calvin Klein... Dưới đây là một trong những động thái nổi bật trong ngành thời trang gần đây:

Armani ngừng dùng len angora để bảo vệ động vật

Đầu tháng 12, đại diện đến từ hãng thời trang Armani tuyên bố với toàn thế giới rằng họ sẽ sử dụng len angora trên tất cả các sản phẩm trong bộ sưu tập (BST) Thu Đông năm tới. Động thái này hoàn toàn phù hợp với chính sách hiện hành của hãng là “nói không” với lông thú bởi len angora có nguồn gốc từ lông thỏ.

Armani nói không với lông thỏ angora để bảo vệ động vật. Ảnh: Livekindly.

Năm 2013, Tổ chức bảo vệ động vật tại Mỹ (PETA) đã công bố một đoạn video ghi lại trong quá trình lấy lông thỏ angora, một con thỏ đã trải qua sự khó chịu và đau đớn như thế nào.

Sợi len mềm mượt từ động vật có thể làm đẹp cho thời trang nhưng lại đem đến “nỗi đau” cho những chú thỏ. Nhiều nhà bảo vệ động vật đã khẳng định những cách thức sản xuất vật liệu như vậy là “độc ác” và các hãng thời trang phải có trách nhiệm hơn với môi trường.

Năm 2016, Armani đã tuyên bố dừng sử dụng lông thú trong các sản phẩm của hãng, khẳng định đã có các chất liệu thay thế. Phía thương hiệu cũng khẳng định tỷ lệ sản phẩm của Armani sử dụng len angora rất thấp, đồng thời dự định thay thế bằng các chất liệu khác không có nguồn gốc từ động vật nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn cao.

Saint Laurent cũng “nói không” với lông thú

Thương hiệu thời trang cao cấp Saint Laurent (Pháp) tuyên bố sẽ ngừng sử dụng lông thú trong các BST của hãng kể từ năm 2022.

Saint Laurent cũng đã dừng sử dụng lông thú trong các BST mới của mình. Ảnh: Tạp chí Excellence.

Chưa hết, Tập đoàn Kering, đơn vị điều hành của Saint Laurent cho biết, ngoài Saint Laurent, thương hiệu Brioni trực thuộc tập đoàn này cũng sẽ nói “không” với lông thú. Như vậy, tất cả công ty thời trang thuộc Kering sẽ ngừng sử dụng chất liệu này.

Động thái này của ban lãnh đạo Tập đoàn Kering cho thấy nỗ lực xây dựng một nền thời trang bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và động vật, đồng thời vẫn phù hợp với thị hiếu của khách hàng và giá trị của xã hội.

Trong tập đoàn Kering, Gucci là thương hiệu đầu tiên nói không với lông thú vào năm 2017, tiếp đó là các thương hiệu cao cấp khác như: Balenciaga, Bottega Veneta và Alexander Mcqueen.

Vào năm 2019, Kering cũng đề ra một bộ tiêu chuẩn về bảo vệ động vật, theo đó các hãng thời trang phải giải trình rõ ràng nguồn gốc các loại sợi và chất liệu từ động vật khác của hãng có gây hại hay không.

Đạo đức trong thời trang

Năm 2020, các thương hiệu như: Prada, Miu Miu, Car Shoe và Church's đã ký tên vào danh sách các hãng thời trang không sử dụng lông thú, da động vật cho các BST kể từ mùa Xuân - Hè 2020.

Trước đó, thương hiệu Victoria Beckham cũng đã ký cam kết không sử dụng lông thú hay các loại da thú cho các BST trong tương lai. Stella McCartney cũng tuyên bố thương hiệu của bà ủng hộ việc không sử dụng lông thú để thiết kế trang phục.

Hàng loạt thương hiệu nổi tiếng khác như: Versace, Gucci, Michael Kors, Chanel, Burberry, Calvin Klein... đã cấm lông thú xuất hiện trong các sản phẩm của hãng.

Các hiệp hội bảo vệ động vật từ lâu đã vận động ngành thời trang từ bỏ lông thú. Đơn cử, trong nhiều năm, tổ chức PETA đã liên tục liên hệ và làm việc với các thương hiệu thời trang lớn nhỏ, các nhà thiết kế và nhà bán lẻ quần áo để thúc đẩy họ ban hành lệnh cấm lông động vật.

Động vật bị nhốt trong lồng để nuôi lấy lông được cho là cách thức "độc ác". Ảnh: National Geographic.

Vào khoảng tháng 9/2021, đáp lại lời kêu gọi của PETA, công ty mẹ của Louis Vuitton, Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH), đã chia sẻ với AFP rằng: Các sản phẩm lông thú được sản xuất “theo cách có trách nhiệm và đạo đức nhất có thể”. Đơn cử, nhà mốt sẽ không sử dụng lông từ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Được biết, vào năm 2018, báo chí Mỹ đưa tin PETA đã mua cổ phần của LVMH để cố gắng tác động như cách đã từng thực hiện với Prada.

Tuy vậy, điều đáng lo ngại đối với những nhà hoạt động để thúc đẩy việc sử dụng và bán các loại vải không có nguồn gốc động vật, đó là số lượng thương hiệu thời trang trên thế giới vẫn đang khai thác lông động vật trong sản phẩm của mình vẫn còn rất lớn, ví như: Dior, Marc Jacobs, Givenchy, Fenty...

Theo một thống kê của PETA, 85% da, lông của ngành công nghiệp lông thú đến từ những động vật bị nuôi nhốt trong những môi trường bẩn thỉu tại trang trại của nhà máy. Tại đó, nhiều con vật đã bị đánh đập hoặc bị điện giật, đôi khi còn bị lột da sống. Nhiều nhà sản xuất thậm chí thực hiện phương pháp giết mổ động vật dã man nhằm hạn chế tổn thương bộ lông.

Điều này đã bị lên án trong nhiều năm nay đối với vấn đề đạo đức trong làm nghề thời trang nói riêng và văn hóa doanh nghiệp may mặc nói chung.