Người tiêu dùng Thuỵ Điển “lắc đầu” với thời trang nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc năm 2014, thời trang là ngành công nghiệp ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, gây ra ô nhiễm nhựa đại dương chỉ đứng thứ hai sau ngành công nghiệp xăng dầu.
Thay vì yếu tố mới lạ, ngành thời trang Thuỵ Điển lấy tuổi thọ của sản phẩm làm trọng tâm
Thay vì yếu tố mới lạ, ngành thời trang Thuỵ Điển lấy tuổi thọ của sản phẩm làm trọng tâm

Thời trang bền vững là xu hướng tất yếu

Người tiêu dùng Thuỵ Điển ngày càng đặt yêu cầu cao hơn đối với các công ty thời trang so với trước đây. Họ ý thức hơn đến tính phát triển bền vững của ngành thời trang, nghĩa là người tiêu dùng cần được biết những sản phẩm họ mang theo hoặc mặc trên người được sản xuất bởi loại vật liệu nào, theo quy trình nào, có ảnh hưởng đến môi trường hay không, có tình trạng bóc lột lao động trẻ em không…. Đó là nhận định của Pauline Ström Gunnér – Trưởng bộ phận Bền vững của Hội đồng Thời trang Thụy Điển.

Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (UN FAO) và Uỷ ban Cố vấn Quốc tế về sợi bông (ICAC), từ đầu những năm 1960 cho đến nay, sản lượng hàng hàng dệt may được tiêu thụ trên toàn cầu đã tăng từ 15 triệu tấn lên đến hơn 90 triệu tấn. Nhu cầu mua sắm quần áo tăng mạnh kể từ năm 2010 khi đời sống của người dân các quốc gia cải thiện hơn.

Công nghiệp thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nhất hiện nay bởi quy trình phức tạp từ sản xuất tới phân phối sản phẩm, xử lý chất thải. Kể từ việc người nông dân sử dụng thuốc trừ sâu ở giai đoạn canh tác bông sợi, cho đến việc các công nghệ nhuộm, dệt đều sử dụng một lượng nước lớn các loại hoá chất gây nguy hại môi trường, chưa kể tới những bãi rác khổng lồ do quần áo cũ khó phân huỷ chất thành đống.

Thời trang là ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.Thời trang là ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Theo các số liệu thống kê khác cho biết, ngành công nghiệp thời trang có mức sử dụng nước ngọt rất cao so với các ngành khác. Ước tính phải mất tới 2.700 lít nước để làm ra một chiếc áo phông cotton. Quy trình nhuộm, dệt may còn có nguy cơ cao gây ô nhiễm nguồn nước tại các nhà máy, khu công nghiệp, làng nghề.

Các cuộc khảo sát với người tiêu dùng về thói quen mua sắm, sử dụng và thải bỏ quần áo cho thấy, phần đông người dân nhận thức được các tác động tiêu cực đến môi trường của ngành thời trang nhưng ít người thực sự hành động. Chính vì thế, “gánh nặng” đặt lên những doanh nghiệp và tổ chức sản xuất nhiều hơn, không chỉ cổ vũ xu hướng thời trang bền vững, mà còn góp phần thay đổi dần ý thức và thói quen của người tiêu dùng.

Nhiều người Việt Nam hiện rất ủng hộ xu hướng thời trang bền vững.Nhiều người Việt Nam hiện rất ủng hộ xu hướng thời trang bền vững.

Thuỵ Điển là một trong những đất nước đã tiên phong cổ vũ cho xu hướng phát triển thời trang bền vững, trong đó có rất nhiều công ty đã đầu tư một khoản tiền lớn vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm may mặc theo hướng bền vững và lâu dài hơn. Các thương hiệu sẵn sàng hợp tác với nhau để tìm giải pháp, chia sẻ thông tin nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển giao.

Ngược với quan điểm truyền thống, thời trang phải luôn đổi mới để không lỗi mốt, các công ty may mặc ở Thuỵ Điển ngày nay nỗ lực nhiều hơn trong việc kéo dài dòng đời sản phẩm của họ. Điều này cũng đồng nghĩa, các công ty này sẽ kiếm được ít tiền hơn từ các sản phẩm của mình trong ngắn hạn. Với nguyên lý vòng đời sản phẩm khép kín, thời trang Thuỵ Điển sẽ giảm tối đa tình trạng các vật liệu may mặc bị vứt bỏ sau khi sử dụng hay bị cũ hỏng, thay vào đó chúng sẽ được tái sử dụng hoặc tái chế.

Thương hiệu Nudie Jeans có chính sách sửa quần cũ hỏng để khách hàng không cần mua mới.

Thương hiệu Nudie Jeans có chính sách sửa quần cũ hỏng để khách hàng không cần mua mới.

Không chỉ dừng ở khẩu hiệu

Từ ý thức biến thành hành động, các mô hình kinh doanh, sáng kiến mới đã liên tục ra đời, được người tiêu dùng hưởng ứng mạnh mẽ. Ví như sự phổ biến của mô hình Klädoteket (thư viện thời trang) nơi khách hàng có thể đến thuê quần áo hàng hiệu.

Hay chương trình nghiên cứu khoa học có quy mô lớn nhất ở đất nước này - Mistra Future Fashion – để tìm ra giải pháp mang tình toàn diện cho ngành thời trang nước nhà trên bốn khía cạnh: thiết kế, khác hàng, chuỗi cung ứng và tái chế. Nhiều thương hiệu thời trang lớn vừa là đối tác vừa là đối tượng nghiên cứu của chương trình này có thể kể tên như H&M, Lindex, Eton, Nudie Jeans….

Nhắc đến Nudie Jeans, một Cty may mặc có trụ sở tại thành phố Gothenburg, được người tiêu dùng tin tưởng bởi họ luôn tuân thủ một quy tắc làm việc nghiêm ngặt nhiều năm nay. Cụ thể, họ chỉ làm việc với nhà cung cấp nguyên vật liệu không gây nguy hại tới môi trường. Cty này thường xuyên yêu cầu các nhà cung cấp gửi báo cáo, kế hoạch hành động và chứng nhận môi trường theo định kỳ.

Filippa K thành lập hẳn một hệ thống nhận lại quần áo của nhãn hàng nếu người mua không còn cần nữa.

Filippa K thành lập hẳn một hệ thống nhận lại quần áo của nhãn hàng nếu người mua không còn cần nữa.

Bên cạnh đó, Cty còn có chính sách sửa chữa quần jean Nudie cũ của khách hàng để họ không phải mua những chiếc mới. Mặc khác, thương hiệu Houdini Sportswear đã kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm may mặc của họ bằng các chính sách sửa chữa, cho thuê và mua bán lại đồ cũ. Cty còn tiến hành thí nghiệm phát triển các sản phẩm quần áo có thể phân huỷ thành “thức ăn” của đất sau khi không thể tái sử dụng hay tái chế được nữa.

Đáng nói, thương hiệu Filippa K có thể được xem là nhà tiên phong tại Thuỵ Điển khi có một cách tiếp cận toàn diện với thời trang bền vững. Từ năm 2014, Cty đã hoạt động theo kim chỉ nam “bền vững dẫn đường tăng trưởng”, lấy tuổi thọ của sản phẩm may mặc là trọng tâm hàng đầu.

Năm 2015, Filippa K thành lập một hệ thống nhận lại quần áo của nhãn hàng họ, những loại mà người tiêu dùng không còn cần hoặc cho thuê quần áo của các bộ sưu tập trước đó. Mục đích chính là kéo dài vòng đời của sản phẩm thông qua việc bán lại những quần áo cũ hoặc đem tái chế nếu bộ đồ không thể mặc được nữa.

Trước khi vứt đi một chiếc quần, áo hay phụ kiện, hãy suy nghĩ.

Trước khi vứt đi một chiếc quần, áo hay phụ kiện, hãy suy nghĩ.

“Hãy sử dụng những loại đồ có thể tái sử dụng” là châm ngôn của Elin Larsson – Giám đốc phát triển bền vững tại Filippa K. Theo bà, thời trang nhanh hay chậm, đắt hay rẻ đều được làm chỉ bằng một cách như nhau, cùng một chất liệu và quy trình sản xuất. Tuy nhiên, thời trang bền vững sẽ luôn ủng hộ việc tiêu dùng thời trang chậm, những bộ quần áo có thể tái sử dụng nhiều lần theo nhiều cách khác nhau.

Để thay đổi thói quen tiêu dùng thời trang bao lâu nay sang hướng bền vững, nói thì dễ làm thì khó. Đối với khách hàng, chúng ta cần xem xét từ lúc bắt đầu chọn mua sản phẩm, xem sản phẩm đó có thể ứng dụng cho nhiều mục đích, nhiều trường hợp hay không? chất vải có phải loại có thể tự phân hủy hay có thể đem đi tái chế không?…

Ít ai để ý tới, chúng ta đã quen dùng những loại vải được làm từ nhiều chất liệu khác nhau để tăng thêm độ thoải mái, tiện dụng khi mặc, nhưng những loại vải này lại khó có thể tái chế hơn. Còn đối với các nhà thiết kế, nhà sản xuất, may mặc, họ cần xem xét từ khâu sản xuất và chọn lựa vật liệu ban đầu, theo sau là cả vòng đời sản phẩm đến khâu tái chế cuối cùng để tạo ra một vòng đời sản phẩm mới.

Tại Việt Nam, xu hướng thời trang bền vững mới được các nhà sản xuất, nhà thiết kế hưởng ứng trong vài năm gần đây. Tuy vậy, để thời trang Việt có thể phát triển bền vững còn là một chặng đường rất dài và đầy khó khăn. Những rào cản đó đến từ giá thành sản phẩm cũng như sự khan hiếm và không đa dạng trong nguyên vật liệu “xanh”.

Dù vậy, theo nhận định của nhà thiết kế Trương Thanh Hải, thời trang bền vững nên là những sản phẩm mang phom dáng cơ bản, sắc màu trung tính, thân thiện, có độ bền khá cao, xét về khía cạnh lâu dài thì đây là một hướng đi tài chính hiệu quả. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất vẫn là giúp mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ mật thiết giữa thời trang và thiên nhiên.

Đọc thêm