Dấu ấn của người được mệnh danh “Biểu tượng thời trang thế kỷ XX”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi nhà thiết kế Pháp lừng danh Pierre Cardin qua đời ở tuổi 98 vào ngày 29/12/2020 vừa qua, người ta đã dành những lời ngợi ca có cánh, đáng tự hào để tôn vinh ông.
Ngài Pierre Cardin - người được mệnh danh Biểu tượng thời trang thế kỷ XX.
Ngài Pierre Cardin - người được mệnh danh Biểu tượng thời trang thế kỷ XX.

Thời thơ ấu bị miệt thị

Pierre Cardin chào đời với tên gọi Pietro Cardini vào năm 1922, tại một xóm nhỏ cách thành phố Venise của nước Ý 50 km về phía Bắc. Khi Pietro mới 2 tuổi, cha mẹ cậu, vốn là những nông dân có tư tưởng chống phát-xít, đã phải đưa 10 người con sang Saint-Etienne (Pháp) để trốn chạy chế độ độc tài Moussilini. Thuở nhỏ, cậu bé Pietro Cardini thường bị chúng bạn miệt thị vì xuất thân nhập cư. Chính điều này về sau đã nuôi dưỡng tham vọng thành công trong Pierre Cardin.

Ngay từ khi còn nhỏ, Pierre đã thể hiện rõ niềm đam mê với thời trang, sở thích của ông là lật giở cuốn tạp chí thời trang của mẹ và may váy cho búp bê. Lớn lên, Pierre học nghề may và cũng có thời gian làm nghề kế toán.

Sau khi cuộc Chiến tranh Thế giới II kết thúc, Pierre rời Saint-Etienne lên kinh đô thời trang Paris để theo đuổi niềm đam mê. Ông bắt đầu sự nghiệp ở các hãng thời trang lớn như Paquin, Schiapareilli. Với tài năng thiên bẩm của mình, ông nhanh chóng có được chỗ đứng vững chắc. Pierre được chọn làm thợ may chính đầu tiên của xưởng may Christian Dior tại Paris. Về sau, ông tiếp tục được tin tưởng cho tham gia thiết kế bộ sưu tập nổi tiếng New Look của Dior. 

Năm 1950, sau 4 năm làm việc cho Christian Dior, với chỉ 20.000 franc trong tay, Pierre Cardin quyết định tách ra làm riêng, mở thương hiệu riêng mang tên ông. Tạo dựng hãng thời trang ở độ tuổi còn rất trẻ là việc không hề dễ dàng, nhưng Pierre đã làm được. Trong một cuộc phỏng vấn, ông từng tâm sự rằng đó là việc vô cùng khó khăn.

“Cần có nhiều người mẫu, cần có các giám đốc và cả một đội ngũ nhân viên để điều hành một thương hiệu thời trang. Tất cả những điều đó là vô cùng tốn kém nên khó có một nhà may có thể làm được mọi việc từ A đến Z. Tôi chắc chắn mình là một trong số những người hiếm hoi tự tạo dựng được hãng riêng của riêng mình”, ông tự hào nói.

Theo lời Pierre, ông đã phải đảm nhiệm không chỉ phần thời trang mà còn phải làm cả công việc của một kế toán, một quản lý, một thư ký... Một điểm thuận lợi khác là ông có nghiệp vụ về kinh tế nên mọi việc tương đối suôn sẻ, tiết kiệm. “Tôi có nhiều mối quan hệ, tôi tràn đầy sức sống, tôi là một người lao động, tôi cũng là người đứng đầu hãng. Tôi biết chỉ đạo, điều hành, tôi biết cắt may... Tôi biết làm hầu như mọi thứ và làm một cách hoàn hảo”, ông nói thêm.

Cho đến nay, Pierre Cardin vẫn là hãng thời trang cao cấp duy nhất còn tồn tại từ thời hậu chiến. Đây cũng là một trong số rất ít hãng thời trang cao cấp mang tên nhà thiết kế và không bị sáp nhập vào bất kỳ tập đoàn nào.

Ban nhạc The Beatles diện thiết kế áo khoác không cổ của Cardin năm 1963.
Ban nhạc The Beatles diện thiết kế áo khoác không cổ của Cardin năm 1963. 

Những danh hiệu “đầu tiên”

Từng là người thiết kế phục trang và mặt nạ cho các nhân vật trong bộ phim nổi tiếng  Người đẹp và quái thú năm 1946 của nhà soạn kịch tài ba Jean Cocteau nên Pierre Cardin đã quyết định lập thương hiệu thời trang của riêng mình với khởi đầu là thiết kế trang phục biểu diễn trên sân khấu và các bộ y phục dạ hội.

Năm 1953, ông cho ra mắt bộ sưu tập thời trang đầu tiên với các thiết kế rất lịch lãm và tiện lợi. Đến năm 1954, mẫu váy bong bóng của ông đã gây ấn tượng mạnh với giới mộ điệu, đưa tên tuổi ông vươn ra toàn cầu. 

Năm 1959, Pierre Cardin có quyết định táo bạo là cho trình diễn bộ sưu tập trang phục may sẵn đầu tiên tại các hệ thống cửa hàng Printemps và Galeries Lafayette nổi tiếng tại Paris. Quyết định này của ông đã dẫn đến một số ý kiến trái chiều, trong đó có quan điểm cho rằng ông đã làm giảm giá trị của thương hiệu cao cấp từ nhiều đồng nghiệp.

Lý giải về điều này, Pierre cho biết, trang phục của ông đã được nhiều người nổi tiếng như Đệ nhất Phu nhân Mỹ Kennedy, hay nhóm nhạc huyền thoại The Beattle khoác lên người, nhưng mong muốn của ông là thấy các thiết kế của mình được đông đảo công chúng mặc hàng ngày chứ không phải chỉ để dành cho các công nương, công chúa, những người nổi tiếng. Đây cũng là điều mà giới thời trang vừa ngưỡng mộ, vừa coi thường ông.

Là người luôn đi tiên phong, nhà thiết kế Pierre Cardin cũng là người đầu tiên lấy các chữ cái đầu tên mình đặt thành logo gắn lên sản phẩm, đưa người mẫu nam lên sàn diễn thời trang. Ông cũng là người đầu tiên trình làng bộ sưu tập thời trang may sẵn cho nam giới.

Ưa khám phá, thử thách, Pierre Cardin đã đưa các thiết kế của ông vượt ra khỏi phạm vi châu Âu. Ngay từ năm 1957, thiết kế của ông đã hiện diện tại Nhât Bản và ông được chào đón tại đây. Ông cũng là nhà thiết kế Tây phương đầu tiên tổ chức trình diễn thời trang ở Trung Quốc vào năm 1979. Sau này, các bộ sưu tập của ông còn được trình diễn ở Tử Cấm Thành và Vạn Lý Trường Thành. 

Năm 1992, Pierre Cardin là nhà thiết kế thời trang đầu tiên trở thành Viện sĩ Viện hàn lâm mỹ thuật Pháp. Ông còn là nhà thiết kế đầu tiên xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time của Mỹ. Với tài năng của mình, ông từng được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh, được mời làm đại sứ của UNESCO...

Nhà kinh doanh đại tài

Không chỉ là người có trí tưởng tượng vô biên trong thiết kế và niềm đam mê mỹ thuật, Pierre Cardin còn có đầu óc thực tế và tầm nhìn xa trông rộng hiếm có. Chính điều đó đưa ông trở thành một nhà kinh doanh xuất sắc, tạo nên một đế chế toàn cầu trong khắp các lĩnh vực, từ thời trang đến các vật dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày như bát đĩa, đồng hồ treo tường, giấy dán tường, đồ nội thất, khăn choàng tắm, dao cạo râu, đèn bàn, thuốc lá, xì gà, xe đẩy cho em bé...

Thương hiệu sản phẩm của Pierre Cardin có mặt ở 120 quốc gia trên khắp 5 năm châu. Sáng tạo không ngừng nghỉ, Pierre Cardin đã có khoảng 850 bằng sáng chế. Đế chế kinh doanh của ông hiện có tới 500 nhà máy, sử dụng tới 200.000 lao động trực tiếp và gián tiếp trên toàn cầu.

Pierre Cardin cũng là người đầu tiên tạo ra mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu. Dù việc sử dụng tràn lan thương hiệu Pierre Cardin bị một số người chỉ trích là khiến thương hiệu trở nên tầm thường nhưng mỗi năm hình thức nhượng quyền ước tính mang lại cho ông 35 triệu euro và đưa Cardin trở thành một trong những người giàu nhất ở Pháp, đồng thời cũng là một trong những người Pháp nổi tiếng nhất thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Năm 2009, ông nhượng khoảng 30 bản quyền cho Trung Quốc, thu về 200 triệu euro, đưa khối tài sản của ông ước tính lên tới 600 triệu euro.

Trong những năm cuối đời, Pierre Cardin không còn tổ chức các buổi trình diễn thời trang tại Paris nhưng ông vẫn miệt mài thiết kế. Ngày nào ông cũng đến xưởng may; vẫn say mê với các dự án mỹ thuật, kiến trúc cho đến khi ông rời xa thế giới vào cuối tháng 12/2020, ở tuổi 98, kết thúc 60 năm sự nghiệp tỏa sáng toàn cầu. Tuy nhiên, tài năng luôn hướng về tương lai của ông sẽ còn được nhớ mãi!

Đọc thêm