Có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 Luật Giáo dục đại học kỳ vọng tạo diện mạo mới cho nền giáo dục đại học, giải quyết những bất cập như: Chất lượng giáo dục, tăng quyền tự chủ. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ giao quyền tự chủ nhưng các trường không thể “ vừa đá bóng, vừa thổi còi”...
|
Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga |
- Xin ông cho biết Bộ Giáo dục đang làm gì để chuẩn bị cho Luật đi vào cuộc sống?
Theo quy định chính thức hiện có 36 văn bản kể cả mới và cũ cần điều chỉnh đang được soạn thảo. Trong đó, quan trọng nhất là nghị định hướng dẫn thi hành Luật GDĐH, Bộ đang xin ý kiến rộng rãi. Bộ vừa trao đổi với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để làm rõ nhiều khái niệm mới, chủ trương mới được đưa vào Luật. Cụ thể, làm rõ thêm 4 điểm mới đang có nhiều ý kiến khác nhau: Thứ nhất là quan điểm tiêu chí phân tầng, khung xếp hạng các cơ sở GDĐH; Thứ hai là chính sách chuẩn quốc gia GDDH; Thứ ba, vấn đề lương, trước đây chỉ có 4 bậc như cán bộ công chức nhưng giờ là 5 bậc; Thứ 4 là tiêu chí xác định cơ sở giáo dục tư thục, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài nhưng hoạt động phi lợi nhuận và cơ chế chính sách ưu đãi với cơ sở GD tư thục không vì lợi nhuận sao cho phù hợp.
- Bài toán chất lượng và quy mô đang ngày càng trở thành vấn đề bức xúc của xã hội sẽ được giải quyết ra sao?
- Đổi mới căn bản toàn diện GDĐH lần này nhấn mạnh lấy chất lượng là trọng tâm, không chạy theo số lượng. Vấn đề đổi mới quản lý cũng được thể hiện rất rõ. Trong đó đề ra những cơ chế, chính sách nhằm tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường. Khâu tổ chức đào tạo cũng thay đổi, ví dụ như đào tạo thạc sỹ theo hướng nghiên cứu và ứng dụng, lâu nay bất cập về chất lượng. Trong hệ thống chưa có văn bản pháp quy nào hướng dẫn đến chất lượng đào tạo của hệ sau ĐH. Hoặc cách tiếp cận về quản lý chất lượng trong Luật này cũng khác, trước đây Bộ quy định chương trình khung cho GDĐH nay sẽ không còn chương trình khung mà thay vào đó là quy định chuẩn đầu ra của sinh viên. Nghĩa là Bộ sẽ quy định ngưỡng tối thiểu, trường tự xây dựng các chương trình đào tạo khác nhau làm sao để chuẩn đầu ra không thấp hơn quy định của Bộ. Với quy định đó thì chất lượng đào tạo sẽ được củng cố..
- Như ông nói, trong Luật GDĐH lần này các trường được tăng quyền tự chủ, điều này sẽ được thực hiện như thế nào?
- Để các cơ sở cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo, việc tăng cường quyền tự chủ cho các trường có ý nghĩa quan trọng. Giao quyền tự chủ phải theo năng lực quản lý của từng trường và phải đi kèm tự chịu trách nhiệm. Hiện nay có một số trường được giao quyền tự chủ rất cao và sắp tới, số trường được giao quyền tự chủ sẽ tăng dần theo năng lực quản lý và chất lượng đào tạo của họ. Các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo chất lượng; công khai các kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo.
Trường được tự chủ phải đáp ứng một số điều kiện như: phải có Hội đồng trường để giám sát hoạt động cũng như vạch ra chiến lược phát triển của trường, chứ không phải là Bộ giám sát như trước nữa. Nếu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” sẽ dễ dẫn đến sai sót.
Những trường được giao quyền tự chủ sẽ phải tự trách nhiệm, chứ không phải khi xảy ra sai sót, sai phạm gì thì cơ quan quản lý Nhà nước phải giải trình, giải quyết hộ như trước. Đó cũng chính là một tinh thần mới của Luật GDĐH lần này.
- Vậy Bộ sẽ có biện pháp gì để kiểm soát chất lượng?
Đi đôi với giao tự chủ, Bộ sẽ tăng cường chế độ kiểm tra giám sát. Ví dụ Bộ đã cho trường tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng nếu Bộ thanh tra phát hiện vi phạm như: khai không đúng số lượng sinh viên, số lượng giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất thì sẽ bị xử lý.
Quyền tự chủ trong các mặt hoạt động lĩnh vực khác cũng vậy, Bộ sẽ cùng với các tổ chức kiểm định chất lượng kiểm tra giám sát việc thực thi pháp luật. Tổ chức kiểm định chất lượng này sẽ độc lập hoàn toàn, để có tiếng nói trung thực, đánh giá khách quan không phân biệt loại hình trường.
Trường nào không tốt sẽ cảnh báo cho người học biết, cơ quan quản lý chất lượng sẽ có chính sách phù hợp. Sắp tới, các trung tâm kiểm định chất lượng sẽ kiểm định các trường và phân tầng các cơ sở GDĐH.
- Thứ trưởng kỳ vọng gì khi Luật có hiệu lực ?
Luật GDĐH là văn bản đầu tiên thể hiện quyết tâm cao độ chủ trương đổi mới căn bản toàn diện GDĐH nói riêng và GD nói chung. Bao nhiêu kỳ vọng của Bộ, những nhà quản lý, nhân dân đã được đưa vào Luật GD ĐH lần này. Với quyết tâm nỗ lực đó cùng với hành lang pháp lý mới chắc chắc chất lượng đào tạo nhân lực sẽ được nâng cao. Những cái lâu nay xã hội kêu ca về chất lượng, quản lý lỏng lẻo sẽ được xử lý mạnh trong lần này.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyệt Thương- Thu Hằng ( t.h)