Những sinh mạng vô tội
Một vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan đến rượu bia vừa xảy ra tại TP HCM: Khoảng 22h45 ngày 21/10, ô tô hiệu BMW, BKS 51F-279.10 do một nữ tài xế điều khiển khi đến nút giao ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh đã tông vào nhiều xe máy và một taxi đang chờ đèn đỏ (cùng chiều). Cú tông liên hoàn vào những người đang dừng xe chờ đèn đỏ, làm một người chết, 7 người bị thương.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Công an quận Bình Thạnh (nơi đang tạm giữ lái xe gây tai nạn) cho biết, nữ tài xế lái chiếc BMW là bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972, ngụ phường An Phú Đông, quận 12). Bước đầu, bà Nga khai nhận đã uống bia, rượu tại một nhà hàng ở quận 1, trên đường về quá buồn ngủ, không làm chủ tốc độ nên đã gây tai nạn. Và sau đó bà lại khai do giày cao gót.
Tuy nhiên, nồng độ cồn đo được của bà Nga là 0,94 mg/lít khí thở. Trong khi đó, theo luật, người lái ô tô tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu hay trong khí thở, một con số vượt ngưỡng rất xa so với mức quy định là 0,25miligam/lít khí thở.
Và một lần nữa, cộng đồng mạng lại sốc với bức ảnh ghi lại bàn chân đi giày của bà Nga đặt ngay trên cánh tay trái của nữ nạn nhân xấu số. Hình ảnh đau đớn ấy hẳn do quá say nên dù có người hét lên nhắc nhở, bà Nga vẫn cứ bước xuống mà không để ý xung quanh. Thế nên, nỗi ám ảnh “bàn chân vô cảm” của bà Nguyễn Thị Nga được chia sẻ với tốc độ kinh khủng trên cộng đồng mạng.
Bởi chỉ sau cuộc nhậu của bà Nga ít phút, cô gái xấu số dưới bánh xe không thể trở về nhà được nữa, cô bỏ lại phía sau nỗi đau tột cùng của người thân. Cuộc sống của những gia đình có người thân bị tai nạn sau bánh xe của những “đệ tử lưu linh” tông vào là nỗi ám ảnh tột bậc.
Không chỉ bà Nga mà trước đó chúng ta vẫn nghe báo chí đưa rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm khác do sử dụng rượu, bia. Có lẽ những con số này đau lòng không cần phải nhắc lại nữa.
Vượt ranh giới, văn hóa sẽ trở thành phản văn hóa
Liên quan đến chuyện uống rượu bia, có một thực tế là không biết từ bao giờ, văn hóa nhậu, buồn vui hay các thương vụ làm ăn phần lớn đều được người ta tổ chức trên bàn nhậu. Người viết nhận thấy không ít bạn trẻ cho rằng chỉ vì không biết uống rượu mà đường quan lộ dở dang. Thế nên, dường như ai cũng cố bằng uống rượu, bia. Đáng sợ hơn là khi người ta quan niệm với nhau rằng “chưa say là chưa hết lòng, không thể kết thân hay hợp tác”…
Trở lại vụ tai nạn tại TP HCM, ngay sau khi sự việc xảy ra, không ít người bày tỏ: “Lỗi của người phụ nữ này thì đã quá rõ ràng. Nhưng những người ngày hôm qua nếu ép bà ấy uống thêm một ly với giọng điệu thường thấy trong các cuộc rượu bây giờ kiểu như: “uống hết chén này thì mới nể mặt anh”, “phải lái xe thêm 1 ly thì ăn thua gì”...; những người thấy bà ấy đã say rồi mà vẫn cho lái xe có suy nghĩ gì không?
Họ mới chính là những người không tôn trọng bạn, không thương bạn và gia đình bạn. Hậu quả nếu xảy ra bạn gánh đủ, chứ không ai khác! Bản lĩnh không phải uống được bao nhiêu mà bản lĩnh là phải biết từ chối. Hãy biết học từ những bài học đau lòng này. Đừng cướp đi mạng sống của những người cha, người mẹ, người con… trong các gia đình đang yên ấm, hạnh phúc. Say xỉn mà lái xe phải bị coi là một hành động có ý giết người. Những người biết bạn mình phải lái xe mà còn ép uống phải bị coi là đồng phạm”.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến bày tỏ: “Tôi nghĩ, rất nhiều người trong chúng ta cũng đã đến lúc nhìn lại thói quen của mình từ câu chuyện tang thương này. Tôi xem đi xem lại đoạn clip ghi hình ảnh người đàn bà ấy sau khi bị lôi ra khỏi chiếc xe oan nghiệt. Chị ta ngồi bệt bên lề đường, giọng nói méo xẹo “Em lo, em lo hết, đời em chưa bao giờ thế này”.
Đó là một hình ảnh vừa đáng giận vừa đáng thương. Bởi tôi biết rằng, chẳng có ai muốn uống đến say mèm khi biết mình còn phải lái xe, chẳng có ai tự nhiên mà muốn đánh đổi cuộc sống của mình và người khác lấy một cơn say.
Từng bị ép rượu trong những chuyến công tác miền núi triền miên, nhà báo Phạm Trung Tuyến đặt câu hỏi: “Tôi không thể hiểu vì sao ở thành phố hôm nay, những con người bận rộn, nhiều thú vui, nhiều trách nhiệm lại cần ép rượu người khác đến mức say ở bữa trưa công sở, ở bữa tối bạn bè? Tôi nhìn những người đàn bà say rượu và thấy sự kiểm soát đầy bất lực của họ, thấy họ cố gắng để có vẻ bình thường, như con người mà bình thường chúng ta vẫn thấy”.
“Và tôi nhận ra câu trả lời rằng, khi ép một ai đó phải uống đến say, người ta tìm thấy niềm vui, thậm chí là khoái cảm khi chứng kiến một con người bộc lộ bản năng con vật. Đó là một nhu cầu hạ tiện, nhu cầu thấy người khác thấp kém hơn ta, thấy người khác phải phô bày bản thể trần trụi của mình, cái bản thể mà mỗi chúng ta đều luôn tìm cách giấu kín trong lớp vỏ đạo đức, điệu đà được bọc lên mỗi ngày ta sống”.
Nói về “văn hóa” ép rượu bia, TS Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED) từng chia sẻ trên Báo Dân Trí rằng: “Chúng ta đang học Tây rất nhiều thứ nhưng có lẽ thứ cần học nhất là không ép nhau uống. Ở các nước phương Tây, một bữa tiệc thường sử dụng nhiều loại nước uống khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người thực khách. Điều này phản ánh văn hóa ẩm thực, dân chủ và tôn trọng nhau.
Bởi lẽ cơ thể, tửu lượng, gu mỗi người là khác nhau nên không thể chỉ lấy whisky, hay bia để bắt mọi người cùng uống và phải uống như nhau được. Ở ta, cái sự uống mới đáng sợ. Whisky mà uống từ đầu đến cuối, “dô” lần này đến lần khác và cứ phải cạn ly. Bia thì uống két này đến két khác, uống rồi “xả”, hay khui ra rồi bỏ đó, uống đến khi té ngửa ra mới chịu”. Theo ông Trung, mời nhau một ly để giao lưu, để bắt đầu câu chuyện có thể chấp nhận được nhưng ép nhau thì quá phi lý.
Còn TS Trần Hữu Sơn (Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) cũng chia sẻ với Thể thao và Văn hóa rằng, khi vượt qua ranh giới cần thiết, văn hóa sẽ trở thành phản văn hóa: “Với tôi, chuyện say rượu vì ham vui, thiếu kiềm chế có thể được thông cảm phần nào. Và, dù ở đồng bằng hay tại vùng cao, chuyện nát rượu, hay thói quen uống rượu giải khuây bao giờ cũng có. Nếu bỏ qua những trường hợp cá biệt ấy, cái mà tôi thấy phản cảm nhất bây giờ là chuyện ép rượu, chuốc rượu một cách rất thô bạo và kệch cỡm trong xã hội hôm nay”.
Theo ông Sơn, thói tật nài rượu, ép rượu là sản phẩm nảy sinh trong xã hội hiện đại. Khi nhu cầu khẳng định mình ngày càng được đặt lên cao, con người ta bắt đầu chú trọng tới việc uống rượu, như một cách bên cạnh muôn ngàn cách khác. Và để chứng tỏ tửu lượng của mình, không còn cách nào khác là bạn mời, ép bằng được những người xung quanh cùng cạn chén.
“Và cả một lý do nữa, cuộc sống ở đô thị với muôn vàn sức ép càng khiến con người ta có nhu cầu vui hết cỡ, vui xả láng khi ngồi vào mâm rượu. Rượu chỉ ngon khi uống có dịp, uống đủ để người ta cảm thấy lâng lâng hào hứng – chứ biến nó thành thứ giải sầu “tẹt ga” hàng ngày thì tội cho rượu quá”, TS Trần Hữu Sơn chia sẻ.