Từ chuyện Phó phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cưỡng bức bé gái đến chuyện phá rừng, bán logo 'xe vua'

(PLO) -Một thông tin gây chú ý trong đời sống pháp luật tuần này là việc khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với một Phó phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thái Bình với tội danh: “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
Các bị cáo trong vụ bán logo “xe vua” xảy ra ở TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai hầu tòa
Các bị cáo trong vụ bán logo “xe vua” xảy ra ở TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai hầu tòa

Trước đó, một nữ sinh lớp 9 đã bị một nhóm người đưa đi và bị tố là có hành vi giao cấu với em này, sỹ quan công an là một trong số đó. Sự việc này khiến dư luận bàng hoàng bởi người thực hiện hành vi xấu xa trái pháp luật và đạo lý lại là một lãnh đạo cảnh sát, am hiểu pháp luật mà hành xử bê tha, trụy lạc, làm những chuyện “đồi phong, bại tục”.

Ở một diễn biến khác, vụ bán logo “xe vua” xảy ra ở TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai là mối quan tâm của nhiều người trong một thời gian dài, nay mới được đưa ra xét xử sau nhiều lần Tòa án trả yêu cầu điều tra bổ sung.

Tuy nhiên, vụ án chỉ có đầu và khúc giữa này, tức chỉ có người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ mà không có người nhận hối lộ làm dư luận thất vọng. Việc xét xử nửa vời như vậy làm tổn thương đến sự nghiêm minh pháp luật. Và 79 người trong lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông với đầy đủ danh tính, số điện thoại bị tố là nhận hối lộ đã có thể thở phào thoát tội nhưng dư luận thì không. 

Tương tự, những vụ phá rừng nghiêm trọng đã xảy ra, ngoài việc tiếp tục điều tra, xử lý thì một số vụ đã bị khởi tố. Tuy nhiên, có một điểm chung là việc “vạch mặt, chỉ tên” thủ phạm thực sự của các vụ phá rừng này gặp khó khăn, chưa nói là một ẩn số.

Đã từng có những vụ án phá rừng được đưa ra xét xử nhưng “tội phạm” chỉ là những người làm thuê, còn những “lâm tặc” ông chủ hay khoác áo công vụ thì không phải chịu trách nhiệm hình sự trong các vụ án đó. Phải thế chăng mà các vụ “mãi lộ” trên đường và các vụ phá rừng vẫn tiếp diễn?

Tình hình xã hội nói chung và đời sống pháp luật đang có những diễn biến tích cực, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng cùng với chống các biểu hiện suy thoái, vi phạm đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Không ít các cán bộ đi ngược lại với xu thế này và hành vi của họ gây hoen ố bộ đồng phục họ mặc hoặc làm xấu đi hình ảnh của những người đại diện công quyền.

Hơn lúc nào hết, việc thực thi pháp luật cần nghiêm minh, loại trừ các sự bao che, “chống lưng”, can thiệp vào hoạt động tư pháp. Đó là cách thiết thực nhất để đảm bảo công bằng xã hội, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh làm trong sạch đội ngũ, nêu cao đạo đức công vụ hiện nay!