Mâu thuẫn mang tên “học phí”
Gần đây nhất, phụ huynh Trường dân lập Quốc tế Việt Úc (TP Hồ Chí Minh) cầm biểu ngữ đứng trước cổng trường yêu cầu đối thoại với lãnh đạo Trường về vấn đề học phí của học sinh.
Theo trình bày của một phụ huynh, việc cho con đi học là phải đóng học phí nên các phụ huynh không thắc mắc về điều này. Tuy nhiên, đối với những tháng học sinh nghỉ học để phòng dịch Covid-19 thì học phí phải được giải quyết như thế nào cho thỏa đáng.
Theo chính sách học phí của Trường dân lập Quốc tế Việt Úc (TP Hồ Chí Minh), trong thời gian học sinh nghỉ học ở nhà để phòng dịch Covid -19 theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh, Trường chỉ thu 30% học phí (giảm 70%) vì học sinh được học trực tuyến. Tuy nhiên, các phụ huynh cho rằng, việc học trực tuyến không hiệu quả nên đã gây ra tranh cãi về vấn đề thu học phí các tháng học online ngay cả khi học phí được giảm đến 70%.
Bên cạnh đó, phụ huynh Trường quốc tế Việt Úc (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, việc thu học của học phần 4 chương trình học của Trường quá cao, thậm chi tăng hơn 40%. Việc này đã dẫn đến mâu thuẫn, căng thẳng trong quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường.
Còn tại Hà Nội, cách đây không lâu cũng có tình trạng phụ huynh một trường tư thục đã phản ứng trước “Thư ngỏ” của Trường chia sẻ về những vấn đề liên quan đến công tác tổ chức dạy học trong thời kỳ nghỉ dịch. Trong đó, Trường có đề cập đến việc phụ huynh cân nhắc nộp các khoản học phí chưa nộp của thời gian trước khi nghỉ dịch, với số nợ gần 3 tỷ đồng.
Khi Nhà trường chia sẻ nội dung này, không những không nhận được sự đồng cảm mà một số phụ huynh còn phản ứng bằng việc làm đơn gửi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo quận yêu cầu làm rõ việc thu học phí trong thời gian học sinh nghỉ phòng dịch. Thậm chí, sau đó Trường còn bị chụp mũ “không dạy vẫn thu học phí”.
Đứng dưới góc độ quản lý trường, những phản ứng của một số phụ huynh liên quan đến vấn đề học phí trong thời gian qua cũng khiến không ít chủ trường thất vọng. Bởi lẽ, vấn đề học phí không thuần túy chỉ là “tiền” mà nó còn là vấn đề trung tâm của cơ chế vận hành hệ thống giáo dục ngoài công lập mà các nhà đầu tư giáo dục cần sự chia sẻ của phụ huynh học sinh – các khách hàng của hệ thống giáo dục ngoài công lập
Cần thay đổi tư duy để cùng phát triển
Thực tế, giữa trường công và trường tư thì sự khác biệt lớn nhất là cơ chế tài chính. Nếu như trường công hoạt động với vai trò là các đơn vị sự nghiệp công lập, được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thì trường tư là các cơ sở giáo dục phải tự chủ toàn bộ, dựa vào nguồn thu duy nhất là học phí.
Do đó, có thể thấy trong các cơ sở giáo dục công lập, vẫn còn tồn tại yếu tố bao cấp. Ngược lại, trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, không tồn tại yếu tố “bao cấp” mà quan hệ cơ bản giữa Trường và người học là quan hệ dịch vụ.
Vì thế, ở các trường tư thục thì nghĩa vụ luôn mang tính “song vụ”; giữa nhà trường và gia đình luôn đồng hành với nhau. Trong đó, nhà trường luôn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ trong việc dạy học và chăm sóc học sinh còn gia đình luôn phải đảm bảo thanh toán đầy đủ các khoản phí liên quan đến việc học.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, do bản chất của mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập là quan hệ dịch vụ nên, những nguyên tắc căn bản của quan hệ dịch vụ luôn chi phối mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình.
Cụ thể, học phí là biểu hiện của giá dịch vụ, đã được các cơ sở giáo dục “tính đúng, tính đủ” các chi phí của dịch vụ cung cấp. Do đó, mỗi trường sẽ có mức giá khác nhau, dựa vào cơ sở là chất lượng dịch vụ khác nhau. Những cơ sở giáo dục tư thục có sử dụng đội ngũ giáo viên nước ngoài cho nhiều môn học theo tiêu chuẩn nước ngoài thì đương nhiên học phí sẽ cao hơn rất nhiều so với các cơ sở giáo dục không có kết cấu môn học này.
Trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, rất nhiều các khoản chi “khổng lồ” gây áp lực cho chủ đầu tư, bắt buộc cần có sự tính toán hợp lý nếu không sẽ không tránh khỏi tình trạng phải “dẹp trường”. Đó là chi phí thuê mặt bằng hoặc khấu hao cơ bản; chi phí lãi vay và chi phí lương và bảo hiểm cho giáo viên và người lao động. Thực tế, năm học 2019-2020, giáo viên các trường tư thục phải tương tác với học sinh suốt 12 tháng do trong thời gian nghỉ dịch vẫn phải giao bài, chấm bài, dạy trực tuyến và phải học bù tháng 6 tháng 7. Nhà trường vẫn phải thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động, điều này hoàn toàn khác với các năm học “không Covid 19”.
Đây là các khoản chi mà ngay cả khi học sinh “nghỉ dịch” thì trường vẫn phải trả. Tuy nhiên, thời gian nghỉ học này, các trường không thu được học phí của học sinh. Do vậy, đối với các cơ sở giáo dục tư thục, ngoài công lập thì đây là thiệt hại thực tế.
Bên cạnh đó, trách nhiệm đảm bảo chất lượng của chương trình học vẫn phải thực hiện. Điều đó có nghĩa là các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải bố trí thời gian học bù, học thêm để đảm bảo các cam kết về nội dung, chất lượng chương trình dạy học. Vì thế, nếu chương trình năm học của các trường tư thục là 10 tháng thì việc nghỉ dịch sẽ dẫn đến việc học bù vào các tháng hè để đảm bảo chương trình dạy học. Như vậy, học phí mà các gia đình phải nộp cho con em cũng sẽ tương ứng với thời gian học của học sinh.
“Một số trường tổ chức dạy học trực tuyến nhưng chỉ thu một phần học phí, sau đó tổ chức dạy học bổ sung để đảm bảo kiến thức cho học sinh; những ngày nghỉ sẽ được học bù bằng thời gian khác chính là cách để đảm bảo chất lượng dạy học. Do đó, có thể nói đây là cách thức xử lý tình huống phù hợp với điều kiện phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ”, Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết.
Theo đại diện một cơ sở giáo dục tư thục ở Hà Nội thì mối quan hệ giữa Trường và gia đình là mối quan hệ cộng sinh khá rõ ràng. Để có một ngôi trường tốt, các nhà đầu tư đã bỏ tiền để đầu tư xây dựng và tổ chức dạy học. Các gia đình trả tiền hàng năm để hoàn vốn đầu tư cho nhà đầu tư. Vì thế, nếu như nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính do vấn đề học phí thì người bị ảnh hưởng đầu tiên là đội ngũ giáo viên và và học sinh.
Đồng ý với quan điểm này, anh Nguyễn Xuân T, một phụ huynh có con học trường tư thục cho rằng quan điểm về vấn đề học phí đối với thời gian nghỉ dịch của các trường cũng cần mang tính xây dựng. Việc công kích chính ngôi trường mà con mình đang học không phải là việc làm đúng ở các phương diện kinh tế và văn hóa. Về phương diện kinh tế, nhà trường không bao giờ lợi dụng dịch bệnh để thu tăng học phí. Do đó, tiếp cận vấn đề nhạy cảm này không mang tính xây dựng sẽ không đúng bản chất vấn đề.
“Học phí là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa nhà trường và gia đình nên cần được trao đổi một cách thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, nếu không sẽ làm tổn thương các thầy cô giáo và điều đó không có lợi cho tinh thần dạy học”, anh T chia sẻ.
Có lẽ, đây cũng là quan điểm của rất nhiều phụ huynh khi lựa chọn trường tư thục để cho con em theo học. Sự thay đổi tư duy từ chọn trường công sang chọn trường tư đang trở thành xu hướng của các gia đình có điều kiện kinh tế, muốn cho con cái được học trong một môi trường có cơ sở vật chất tốt, các chương trình học có nhiều kiến thức bổ trợ, kỹ năng sống tốt hơn.
Xu hướng chọn trường tư, đặc biệt là trường quốc tế của các gia đình là khá rõ ràng. Song, khi giải quyết các vấn đề liên quan đến mối quan hệ cơ bản giữa gia đình và nhà trường thì nhiều phụ huynh lại “chợt quên”, nhất là việc trường tư thục phải “sống” bằng học phí để rồi gây ra những vụ việc ồn ào không cần thiết.
Có lẽ, những lùm xùm này cần được giải quyết một cách tốt hơn, để cuối cùng người được hưởng thụ môi trường giáo dục chuyên nghiệp nhất chính là học sinh, con em của chúng ta./.