Buổi trưa hôm xảy ra sự việc, người cha linh cảm có chuyện chẳng lành nên đã nhiều lần gọi điện thoại cho con trai. Khi cuộc gọi được kết nối, ông chỉ kịp nghe con trai nói “Con đang làm nhiệm vụ” rồi gác máy. Ngờ đâu, đó là câu nói cuối cùng mà Đại úy Sầm Quốc Nghĩa nói chuyện với người thân trước khi ra đi vì những nhát dao oan nghiệt của bọn buôn ma túy.
Đổ máu giữa thời bình
Gần hai tuần trôi qua kể từ ngày Đại úy Sầm Quốc Nghĩa (SN 1991) hy sinh khi đang làm nhiệm vụ nhưng căn nhà anh nằm sát QL48, thuộc xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) vẫn trĩu nặng buồn đau. Sự ra đi trong đau đớn của anh để lại nỗi đau khôn nguôi cho những người ở lại, nhất là người vợ trẻ và đứa con thơ.
Bàng hoàng, đau đớn đó là cảm xúc của người thân khi nghe hung tin Đại úy Sầm Quốc Nghĩa bị nhóm đối tượng buôn ma túy dùng dao tấn công, tử vong. Dù biết công việc của cháu gặp nhiều nguy hiểm nhưng ông Lương Văn Xuyên (SN 1943, ông ngoại của Nghĩa) không ngờ rằng cháu mình lại chịu cảnh đau thương như vậy. Đưa chiếc khăn tay lên lau nước mắt, ông Xuyên đau đớn: “Biết công việc của cháu vô cùng nguy hiểm nên tôi đã dặn phải hết sức cẩn thận. Thế nhưng đến lúc này tôi không ngờ được cháu lại ra đi như vậy”.
Di ảnh Đại úy Sầm Quốc Nghĩa |
Giọng như nghẹn lại, ông Xuyên kể, vào khoảng 9h ngày 22/3, do gia đình dự định sẽ làm một mâm cơm cuối tuần để mọi người quầy quần nên ông đã gọi điện cho Nghĩa bảo về sớm. Lúc này, Nghĩa đang đi trực nhưng vẫn hứa là đến trưa sẽ cố gắng sắp xếp để về ăn cơm với mọi người.
Đến trưa nhưng vẫn không thấy con trai về khiến ruột gan ông Sầm Quốc Vinh (cha của anh Nghĩa) như ngồi trên đống lửa. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành nên ông Vinh nhiều lần điện thoại cho con. Khi cuộc gọi được kết nối, ông chỉ nghe con trai nói “con đang làm nhiệm vụ” rồi gác máy. Biết công việc đặc thù của con mình nên người cha ấy không hỏi nhiều, dù trong lòng rất sốt ruột. Nhưng ít tiếng sau, họ đau đớn khi nhận hung tin.
Lúc này gia đình mới biết, sáng đó Nghĩa cùng đồng đội vào khu vực rừng núi ở xã Nậm Giải (huyện Quế Phong) phục kích đối tượng người Lào mang ma túy qua Việt Nam bán. Khi tổ công tác tiếp cận được địa bàn, Nghĩa đã xung phong đi tuyến đầu để di chuyển vào gần hơn khu vực nghi vấn, nhằm tiếp cận đối tượng. Nghĩa sau đó đã quật ngã, khống chế được một đối tượng, nhưng bất ngờ từ lùm cây phía sau một đối tượng khác lao ra đâm, chém liên tiếp vào người trinh sát này rồi giải cứu cho đồng phạm bỏ chạy.
Lúc này, mặc dù bị trọng thương nhưng anh Nghĩa vẫn tiếp tục truy đuổi đồng thời ra hiệu cho đồng đội tới. Nhưng khi đồng đội kịp tới, 2 kẻ buôn ma túy đã bỏ chạy vào rừng sâu, vứt lại con dao vẫn còn vết máu ở dọc đường. Đồng đội sau đó đưa Nghĩa về cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện, nhưng anh đã không qua khỏi do vết thương quá nặng, mất máu nhiều.
Thương tiếc người công an ưu tú, người công dân gương mẫu
Đại úy Sầm Quốc Nghĩa sinh ra trong một gia đình nghèo, bố làm ruộng, mẹ làm việc tại Trạm y tế xã Châu Thắng. Tháng 10/2015, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I - Bộ Công an, Nghĩa về nhận công tác tại Công an huyện Quế Phong. Suốt quá trình công tác, anh Nghĩa được lãnh đạo đánh giá là một trong những trinh sát ma túy tinh nhuệ của đơn vị.
5 năm công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, chiến sĩ trẻ tham gia triệt phá nhiều chuyên án ma túy lớn, trong đó không ít lần đối mặt với lằn ranh sinh, tử với những tội phạm luôn thủ dao nhọn, súng, lựu đạn bên người.
Một trong những chuyên án nổi bật đầu tiên mà Đại úy Nghĩa tham gia là Chuyên án 516P. Giữa năm 2016, Công an huyện Quế Phong phát hiện tại địa bàn xã Thông Thụ, một số đối tượng nghi vấn có biểu hiện mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới Việt - Lào. Sau khi nhận thông tin các đối tượng buôn ma túy sẽ giao dịch vào lúc rạng sáng tại khu vực biên giới, Đại úy Nghĩa cùng đồng đội đã tiếp cận địa điểm và tổ chức mai phục lúc 1h sáng. Quá trình bắt giữ, các trinh sát đã bị những kẻ này rút dao ra chống trả quyết liệt. Tuy nhiên bằng biện pháp nghiệp vụ sắc bén, Nghĩa và đồng đội đã nhanh chóng khống chế, bắt giữ 2 đối tượng.
Bức ảnh hạnh phúc của vợ chồng anh Nghĩa |
5 năm công tác tại công an huyện Quế Phong, Đại úy Nghĩa đã có 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Tại Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc giai đoạn 2015 - 2020 của Cụm thi đua số 8 các đơn vị trên tuyến QL48A, anh được vinh danh là 1 trong 20 gương mặt tiêu biểu. Năm 2018, Đại úy Nghĩa được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xác lập, phá thành công Chuyên án 318Đ, bắt được “ông trùm” ma túy ranh ma, thủ đoạn Xồng Xái Hờ.
Là trinh sát giỏi, dám xông pha nên thông tin Đại úy Sầm Quốc Nghĩa hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ khiến gia đình, người thân, bạn bè và đồng đội đều hết sức ngỡ ngàng, đau xót. Sự hy sinh của Nghĩa đã để lại những mất mát tột cùng cho bố mẹ già, vợ trẻ, con thơ.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã ký quyết định thăng cấp hàm từ Thượng úy lên Đại úy cho Sầm Quốc Nghĩa. Đơn vị đang làm thủ tục đề xuất truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, phong Liệt sĩ Công an nhân dân cho Đại úy Sầm Quốc Nghĩa đồng thời phát động phong trào học tập và noi gương anh dũng của Sầm Quốc Nghĩa trong toàn thể lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sỹ.
Ngày 24/3, được sự ủy quyền của Ban chấp hành Trung ương Đoàn, anh Phạm Văn Toàn - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An đã trao “Huy hiệu tuổi trẻ dũng cảm” tới vợ của Đại úy Nghĩa.
Từ khi nhận hung tin của chồng, chị Phan Thị Quỳnh (1992, vợ anh Nghĩa) đã khóc cạn nước mắt. Dường như người vợ trẻ ấy không còn sức để đối mặt với mất mát, đau thương này. Nhìn cảnh tượng bố mẹ già, vợ trẻ, con thơ đã mất đi một trụ cột gia đình, những người chứng kiến không ai cầm nổi nước mắt.
Theo chia sẻ của người thân, tháng 3/2017, sau khi về nhận công tác được hai năm, Đại úy Nghĩa mới tổ chức đám cưới với chị Quỳnh (một giáo viên tiểu học) và sau đó sinh hạ cô con gái đầu lòng. Từ khi vợ sinh con, bố mẹ già lại hay đau ốm nhưng do đặc thù công việc, dù nhà chỉ cách đơn vị chưa đầy 16 km nhưng anh ít khi có mặt ở nhà.
Thấy anh Nghĩa có hoàn cảnh đặc biệt, lãnh đạo công an huyện Quế Phong đã nhiều lần đề xuất để anh được chuyển tới đội khác công tác để có thời gian cho gia đình hơn nhưng lần nào người chiến sĩ cũng từ chối. Sự ra đi của anh để lại nỗi đau không thể lấp đầy cho người vợ trẻ.
Hôm chúng tôi đến chia buồn cùng gia đình, trong dòng nước mắt, chị Quỳnh nghẹn ngào kể: trưa hôm đó, khi chị đang ở nhà trông con thì bố chồng chị trở về nhà với vẻ thất thần. Nhưng sợ chị bị sốc nên đã tạm thời giấu chị. Mãi lâu sau, mọi người mới làm công tác tư tưởng rồi cho chị biết là: “chồng con đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ”. Kể đến đây chị Quỳnh khóc nghẹn. Tiếng khóc của người vợ trẻ khi ấy tựa như những nhát dao cứa vào tâm can của những người thân trong gia đình và mọi người chứng kiến...