Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước dự kiến hoàn tất trước ngày 1/7.
Tầm nhìn chiến lược trăm năm
Chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp lần này hướng tới mục tiêu lớn, với tầm nhìn chiến lược trăm năm. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp lần này “không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là điều chỉnh không gian kinh tế; điều chỉnh về phân công, phân cấp, điều chỉnh về phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế”.
Theo các chuyên gia, với diện tích 331.212km2, dân số hơn trăm triệu người, nhưng lại có đến 63 tỉnh, thành; 705 quận, huyện và 10.595 xã, phường, bộ máy hành chính của nước ta khá cồng kềnh, thiếu tính liên kết, khó tạo ra đột phá phát triển. Do đó, việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh có quy mô diện tích nhỏ, dân số ít để thành lập các đơn vị hành chính lớn hơn, rộng hơn, đồng thời bỏ cấp huyện, giảm số lượng cấp xã là yêu cầu cấp thiết.
Về định hướng sáp nhập cấp tỉnh, theo Kết luận 126 và Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới... làm cơ sở, căn cứ khoa học trong sắp xếp tỉnh.
Trong các tiêu chí, tiêu chuẩn để nghiên cứu sáp nhập tỉnh, ngoài diện tích, dân số, một vấn đề cũng nhận được nhiều ý kiến là sự tương đồng về văn hóa, xã hội và mối liên kết vùng (6 vùng kinh tế - xã hội gồm: vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long).
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước sẽ có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh được giữ nguyên hiện trạng, bao gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại, bao gồm 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ thuộc diện phải sắp xếp.
Việc đặt tên cho tỉnh, thành sau sáp nhập không chỉ là quyết định hành chính mà còn mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa, lịch sử và định hình hướng phát triển bền vững cho đất nước.
Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ ngày 11/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tên gọi của các đơn vị hành chính cấp tỉnh cần bảo đảm tính kế thừa, phản ánh rõ nét truyền thống lịch sử, văn hóa và bản sắc địa phương.
Theo đó, Bộ Nội vụ, cơ quan tham mưu chính của đề án đề xuất ưu tiên giữ lại một trong những tên gọi cũ của các đơn vị hành chính trước sáp nhập. Điều này nhằm giảm thiểu tác động đến người dân và doanh nghiệp do phải thay đổi giấy tờ hay chỉ dẫn địa lý.
![]() |
Sự kiện Diễu hành áo dài và xếp hình áo dài bản đồ Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo, Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 29/3/2025. Phần xếp hình áo dài bản đồ Việt Nam được hoàn thành với toàn vẹn lãnh thổ, gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi mảnh ghép trong bản đồ tượng trưng cho mỗi con người, mỗi vùng miền và khi tất cả cùng chung tay, chúng ta tạo nên một Việt Nam vững mạnh, kiên cường. (Nguồn: Báo PNVN) |
Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, giảm số lượng cấp xã là yêu cầu khách quan, không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, mà còn mở ra không gian mới để tăng tốc phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị hành chính có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của đơn vị hành chính sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Dự kiến sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ giảm khoảng 50% trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay.
Cần truyền cảm hứng cho tương lai
Về việc đặt tên cho địa phương sau sáp nhập, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) cho rằng, trong quá trình thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, có thể có nhiều trường hợp thực hiện sáp nhập 2 - 3 tỉnh lại. Trong khi thực tế, địa phương nào của Việt Nam cũng có bản sắc văn hóa riêng, địa danh, địa chỉ đi vào lịch sử... Vấn đề cốt lõi ở đây không chỉ là còn tên gọi của tỉnh, thành cũ hay không mà mỗi người đều biết trân trọng văn hóa, lịch sử, truyền thống ở nơi đó. Ông nêu ví dụ như tỉnh Bắc Ninh, dù có sáp nhập vào đâu thì quan họ Bắc Ninh mãi là niềm tự hào của người Việt...
Theo TS Nguyễn Viết Chức, trong trường hợp sáp nhập 2 - 3 tỉnh, nên lựa chọn tên gọi của một tỉnh. Việc lựa chọn tên gọi này dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau. Song địa phương chọn làm tên gọi được xác định là trung tâm của tỉnh mới, có nền văn hóa, lịch sử, điều kiện phát triển... Một phương án nữa là có thể chọn lại tên gọi cũ của những địa phương từng sáp nhập, chia tách trước đây thể hiện tính kế thừa của lịch sử. Tuy nhiên, dù là phương án nào thì các cơ quan liên quan đều nghiên cứu kỹ lưỡng tiêu chí, đánh giá tác động, tạo được sự đồng thuận. Theo ông, không còn tên tỉnh, thành nào đó thì cũng không phải là mất đi địa chỉ, văn hóa, truyền thống nơi ấy. Muốn đất nước phát triển, sánh vai với các nước hùng cường, mỗi người Việt Nam cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ kỹ. Việt Nam có nền tảng là một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, vậy nên việc sáp nhập thời điểm này cũng là yếu tố thuận lợi.
![]() |
Theo quy hoạch, Quảng Bình trở thành tỉnh có kinh tế năng động ở khu vực miền Trung. (Ảnh: ST) |
Điều quan trọng, các cấp, chính quyền địa phương cần thống nhất trong nhận thức, gìn giữ, phát huy văn hóa địa phương với tầm nhìn lớn lao hơn, cần phát huy hơn nữa chữ “chúng ta” trong giai đoạn hiện nay.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhận định, chuyện đặt tên cho các đơn vị hành chính mới không còn là việc lựa chọn một cái tên đơn thuần, mà trở thành quyết định mang tính biểu tượng, gắn liền với quá khứ, hiện tại và tương lai của từng vùng đất. Tên gọi ấy sẽ không chỉ hiện diện trong giấy tờ, bản đồ hành chính mà còn ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân, nơi họ tự hào gọi tên quê hương mình.
Mỗi địa danh đều mang theo một phần ký ức cộng đồng. Đó có thể là tên gọi gắn liền với một giai đoạn lịch sử, một nhân vật kiệt xuất, một di sản văn hóa đặc trưng hay đơn giản là hình ảnh thân thuộc của làng xóm, núi sông đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ. Khi lựa chọn tên mới, cần hết sức thận trọng để không làm phai nhòa những giá trị ấy. Nếu có thể giữ lại danh xưng cũ hoặc kết hợp một cách hài hòa giữa các tên gọi đã quen thuộc thì điều đó sẽ giúp người dân cảm thấy thân quen, gần gũi, giảm thiểu tối đa sự bỡ ngỡ.
Song hành với tinh thần kế thừa, tên gọi mới cũng cần thể hiện được tính bao quát và đại diện chung cho cộng đồng mới sau sáp nhập. Cần tránh tình trạng tên mới thiên lệch về một địa phương cụ thể nào đó, khiến người dân ở các khu vực khác cảm thấy bị xóa nhòa bản sắc. Trong nhiều trường hợp, nên cân nhắc lựa chọn một cái tên trung tính hoặc tạo dựng một danh xưng mới mang ý nghĩa tích cực, thể hiện khát vọng phát triển, sự đoàn kết, tinh thần vươn lên của cả cộng đồng. Đây không chỉ là sự dung hòa về địa lý, mà còn là sự kết nối về mặt tinh thần giữa những người đến từ nhiều vùng đất khác nhau.
Một nguyên tắc quan trọng khác là tên đơn vị hành chính mới cần bảo đảm tính rõ ràng, dễ đọc, dễ nhớ và dễ sử dụng trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, yếu tố phát triển và tầm nhìn chiến lược cũng nên được phản ánh trong tên gọi. Một cái tên không chỉ nên gợi nhắc quá khứ mà còn truyền cảm hứng cho tương lai. Nếu đơn vị hành chính mới nằm ở khu vực có tiềm năng về biển, về công nghiệp, về nông nghiệp công nghệ cao hay du lịch sinh thái thì tên gọi cũng có thể khéo léo lồng ghép các đặc trưng ấy để vừa giữ được bản sắc, vừa khẳng định định hướng phát triển.
Quan trọng hơn, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trong bất kỳ quá trình sắp xếp và đặt tên nào, sự đồng thuận của người dân luôn cần được đặt lên hàng đầu. Bởi suy cho cùng, cái tên ấy sẽ không chỉ nằm trên biển hiệu cơ quan hay bản đồ hành chính, mà sẽ đi vào đời sống thường nhật của hàng triệu người - trong từng tấm căn cước, trong từng câu chuyện gia đình, trong ký ức của bao thế hệ. Khi người dân được tham gia quá trình đặt tên, họ không chỉ thấy mình được tôn trọng mà còn có thêm lý do để tự hào và gắn bó hơn với đơn vị hành chính mới được hình thành.
Một cái tên chỉ thực sự sống trong lòng người khi nó không chỉ là danh xưng hành chính mà còn là biểu tượng của niềm tự hào, của sự gắn bó và của một tương lai được cộng đồng cùng nhau vun đắp. “Dù không thể bỏ qua tâm lý xã hội, yếu tố con người gắn liền với địa danh, lịch sử… song chúng ta cũng phải nghĩ rộng hơn là thực hiện việc sáp nhập vì sự phát triển chung của đất nước. Thực hiện sáp nhập tỉnh với mục tiêu to lớn giúp đời sống của người dân tốt lên, chứ không phải vì cái tên bởi địa danh nào, vùng đất nào, giai đoạn lịch sử nào thì cũng vẫn còn đó”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định...
Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIV tới đây chia sẻ: “Khi sáp nhập có tâm lý, tâm trạng về quê hương thì đúng rồi, tôi hết sức chia sẻ. Nhưng đất nước chính là quê hương, chúng ta phải vì sự phát triển chung. Sáp nhập để gọn lại, tiết kiệm chỉ là một phần, sáp nhập để tạo động lực, tạo dư địa cho phát triển mới là quan trọng”.