Tự hào hai tác phẩm gốm Việt Nam được Kỷ lục Guinness thế giới vinh danh

(PLVN) - "Thiềm thừ Thiên phong ấn" và "Phú quý mãn đường" của Nghệ nhân Nguyễn Hùng và Gốm Hương Việt vừa nhận danh hiệu Kỷ lục Guinness thế giới.
Bà Mai McMillian (ngoài cùng, bìa phải), đại diện của Tổ chức Guinness trao danh hiệu Kỷ lục Guinness thế giới cho "Thiềm thừ Thiên phong ấn" và "Phú quý mãn đường" của Nghệ nhân Nguyễn Hùng và Gốm Hương Việt.

Sáng 30/6/2022, tại Hà Nội, bà Mai McMillian, đại diện của Tổ chức Guinness, đã trao danh hiệu Kỷ lục Guinness thế giới cho hai tác phẩm gốm Việt Nam: "Thiềm thừ Thiên phong ấn" và "Phú quý mãn đường".

Tác phẩm đĩa phong thuỷ “Phú quý mãn đường” có đường kính 1,37m, nặng 400 kg được chế tác liên tục trong 2500 giờ (khoảng 1,5 năm), được chế tác thành công vào năm 2018. Tác phẩm đạt kỷ lục Thế giới Guinness: “Tác phẩm đĩa gốm đắp nổi, chạm khắc lớn nhất".

Nghệ nhân Nguyễn Hung bên tác phẩm "Phú Quý Mãn Đường".

Tác phẩm “Thiềm Thừ Thiên Phong Ấn” nặng 1500 kg, với chiều dài 1,735m, rộng 1,1m, cao 0,778 m, được chế tác liên tục trong 6,5 tháng. Tác phẩm đạt kỷ lục Thế giới Guinness: “Tác phẩm Điêu khắc linh vật thần thoại bằng Gốm lớn nhất”.

Tại buổi lễ trao chứng nhận, bà Mai McMillian, đại diện của Tổ chức Guinness, cho biết: “Phương pháp đo để xác định kích thước cho chiếc đĩa dựa trên đường kính của đĩa và phương pháp đo để xác định kích thước của tác phẩm điêu khắc dựa trên chiều dài, chiều rộng và chiều cao.

Để đủ điều kiện cho hồ sơ, cả hai đều phải được làm bằng gốm, cả hai đều phải thể hiện được tính mỹ thuật được công nhận và các phép đo phải được thực hiện bởi một chuyên gia đo lường có trình độ với sự chứng kiến ​​của hai nhân chứng độc lập.

Mỗi bằng chứng phải được tập hợp lại với nhau và gửi để chúng tôi xem xét. Tôi muốn khen ngợi các kỷ lục gia đã tuân thủ tất cả các hướng dẫn, điều này đã dẫn đến thành tích của hai kỷ lục thế giới này”.

Nghệ nhân Nguyễn Hùng bên tác phẩm “Thiềm Thừ Thiên Phong Ấn”

“Phú Quý Mãn Đường”khai tác đề tài “Phú Quý Mãn Đường” là một trong những lối trang trí được ưa chuộng trong các tác phẩm Á Đông. Đĩa “Phú Quý Mãn Đường” được chạm nổi, chạm khắc phức hợp cây tùng, đôi chim công, mang yếu tố phong thủy, núi non và mặt trời với ý nghĩa đại diện cho sự giàu sang phú quý, hạnh phúc vĩnh cửu.

Trong đề tài “Phú Quý Mãn Đường” luôn có sự cộng hưởng của biểu tượng “Chim Công” và “Hoa Mẫu Đơn”. Đĩa hình tròn tượng trưng cho sự viên mãn, đủ đầy, trọn vẹn. Những đường hoa văn giống nhau, lặp lại trên vành đĩa tượng trưng cho sự viên mãn, phú quý trọn vẹn này được lặp đi lặp lại đời này qua đời khác.

Hình tượng “Chim Công” hiện thân cho một sự khởi đầu mới, thành công mới, phú quý giàu sang. Hình ảnh đôi chim công còn biểu trưng cho tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng son sắt thuỷ chung.

Biểu tượng “Hoa Mẫu Đơn”, được biết Hoa Mẫu Đơn được biết đến là quốc hoa của Trung Quốc, một loài hoa mang trong mình vẻ đẹp thanh cao, đằm thắm, tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ và lòng chung thuỷ. Sự kết hợp giữa “Đôi chim công và hoa mẫu đơn” được xuất hiện nhiều trong các tác phẩm hội hoạ và phong thuỷ.

Câu tựa “Phú Quý Mãn Đường" còn được gọi là “Phú đầy nhà, quý đầy tay” ngụ ý mong muốn có cuộc sống giàu sang phú quý cho gia chủ và tình yêu đôi lứa, vợ chồng thật viên mãn trong hôn nhân.

Chủ đề “Phú Quý Mãn Đường” là một trong những chủ đề cơ bản để điều tiết những điều tốt và đặt đúng vị trí sẽ được gọi là “Chấn” – Chấn Phong khi được trang trí đúng vị trí có chức năng đẩy những khí không tốt ra khỏi ngôi nhà để giúp gia chủ tăng vượng khí và đạt được những điều mong muốn.

“Thiềm Thừ Thiên Phong Ấn”thì có một truyền thuyết kể rằng Cụ Cóc Thiềm Thừ nguyên là một con yêu tinh đã tu luyện hàng vạn năm, có phép thuật chuyên đi hại dân lành. Một ngày kia giao tranh với một bậc tu tiên là Tiên Ông Lưu Hải, thì bị chém đứt một chân, sau đó được Tiên Ông dậy cho Chánh Pháp nên quy phục và đi làm phúc giúp người, Thiềm Thừ có thể luyện được vàng và hay nhả tiền vàng cho người nghèo.

Thiềm Thừ ba chân với hình tượng đặc trưng là âm dương đội đầu, ngậm đồng tiền, ngậm đồng xu và đống vàng thỏi, trên mình có chòm sao Bắc Đẩu.

Tại Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Châu Á, Cóc phong thủy là biểu tượng của sự thịnh vượng. Nó là một vật trang trí phong thủy phổ biến được cho là để thu hút sự giàu có và cuộc sống lâu dài và thịnh vượng cho chủ sở hữu.

Theo học thuyết phong thuỷ có câu “Đắc Kim Thiềm Thừ giả tất phú quý” tức là khi có vật phẩm phong thuỷ “Kim Thiềm Thừ” trong nhà thì tất yu gia chủ sẽ đạt được phú quý giàu sang.

Chủ đề thu hút tài lộc được gắn với hình tượng thiềm thừ với phom dáng đầy đặn vô cùng béo tốt, phú quý cũng là một cải tiến so với hình tượng Thiềm Thừ gầy, cao và dữ trong phong thuỷ Trung Quốc. Đây là điểm thú vị vì theo Phong thủy được cho là truyền sang Việt Nam từ Trung Quốc, các vật phẩm phong thuỷ của Trung Quốc thường là để trấn, yểm nên nhìn có uy nghi nhưng khá dữ.

Còn Phong Thuỷ của người Việt thì mang nhiều ý nghĩa Xin, Cầu, vì vậy nghệ nhân Nguyễn Hùng đã chế tác tạo hình cụ Cóc Thiềm Thừ theo phong thuỷ của người Việt là Cầu nên phom dáng và thần thái có uy nhưng không bị dữ như lối phong thuỷ Trung Quốc.

Hơn thế nữa, điểm đặc biệt của bộ sản phẩm này ngoài biểu tượng đơn thuần của một linh vật phong thuỷ “Thiềm Thừ” thì nghệ nhân đã khéo léo đan vào đó nhiều điểm chế tác đặc biệt hơn.

Biểu tượng âm dương và chòm sao Đại Hùng trên lưng cụ Thiềm Thừ. Kim Thiềm Thừ cơ bản vẫn được ngồi trên một đống thỏi tiền vàng, trên miệng ngậm một thỏi tiền, trên lưng và đằng sau có 2 xâu tiền vàng. Chi tiết chế tác đặc biệt là trên trán kim thiềm thừ có biểu tượng ÂM DƯƠNG rõ nét và trên lưng được trấn bởi chòm sau “Đại Hùng Thất Tinh” – chòm sao mang nhiều ý nghĩa từ Đông Sang Tây. Đặc biệt đối với quan điểm Phật Giáo chòm sao này được hiểu là chòm sao nắm giữ vận mệnh của muôn loài trong vũ trụ.

Ý nghĩa về Tài Lộc trên biểu tượng tiền xu khắc chữ cổ. Trên đồng tiền 1 mặt có chữ “Thuận Phong Đại Cát” – Mọi sự đều thuận lợi về phong thuỷ, hanh thông thì sẽ có “Đại” “Cát”. Khi mọi điều được thuận lợi theo phong thuỷ thì mọi chuyện đều được thành quả và thắng lợi, nhiều niềm vui lớn. Chữ “Thuận” còn có nhiều cách hiểu, thuận theo cách hành xử và lối sống.

Một mặt nữa của đồng tiền có chữ “Nhất bản vạn lợi” nghĩa là bỏ 1 đồng vốn thu về hàng vạn đồng lời. Toàn bộ những ý đồ khi chế tác khắc trên 2 mặt của đồng tiền đều được nghệ nhân sử dụng tư liệu từ một đồng tiền xu cổ.

Đọc thêm