Tự hào thành phố của những cây cầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gọi Đà Nẵng là thành phố của những cây cầu quả không sai. Ngoài cây cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà lọt Top 28 cây cầu đẹp nổi tiếng thế giới, chỉ tính riêng trên con sông Hàn mộng mơ giữa lòng thành phố đã có tới 6 cây cầu tuyệt đẹp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa du lịch giúp Đà Nẵng phát triển lên tầm cao mới.
Cầu Rồng - cây cầu biểu tượng Khát vọng Rồng Tiên của Thành phố đáng sống (ảnh Báo Đà Nẵng).
Cầu Rồng - cây cầu biểu tượng Khát vọng Rồng Tiên của Thành phố đáng sống (ảnh Báo Đà Nẵng).

Đó là những cây cầu gợi về truyền thống Rồng Tiên của dân tộc như cầu Rồng. Hoặc có những cây cầu mang tên người anh hùng như cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Cây Cầu Vàng nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới (ảnh: ST).

Cây Cầu Vàng nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới (ảnh: ST).

Cầu quay sông Hàn – biểu tượng của Đà Nẵng

Cầu Sông Hàn – cây cầu quay đầu tiên của cả nước, khánh thành năm 2000. Cầu có chiều dài 487,7m và rộng 12,9m, gồm 11 nhịp nối liền hai tuyến đường trung tâm giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà – hai trục đường chính của thành phố là đường Lê Duẩn và đường Phạm Văn Đồng.

Cầu sông Hàn lung linh trong về đêm (ảnh: Internet).

Cầu sông Hàn lung linh trong về đêm (ảnh: Internet).

Cầu Quay sông Hàn (ảnh: ST).

Cầu Quay sông Hàn (ảnh: ST).

Cầu Sông Hàn có kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 02 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7m, kết cấu dần và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép. Ngoài mục đích giao thông, cầu sông Hàn còn có giá trị to lớn về mặt thẩm mỹ mà nhiều người nói rằng, nó đẹp như một bức tranh vẽ giữa lòng thành phố. Điều đáng nói hơn nữa là kinh phí xây dựng Cầu Sông Hàn được xã hội hóa với sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân thành phố chiếm 30%.

Một góc sông Hàn trong đêm pháo hoa (ảnh: ST).

Một góc sông Hàn trong đêm pháo hoa (ảnh: ST).

Cầu Sông Hàn không chỉ tạo thêm thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn ở phía đông thành phố mà còn là một dấu ấn văn hoá của người Đà Nẵng hôm nay gửi lại muôn đời con cháu mai sau. Từ đó, biểu tượng của Ðà Nẵng không chỉ có Ngũ Hành Sơn mà còn có cây cầu quay độc đáo này.

Cầu Thuận Phước

Cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng đầu năm 2003 và khánh thành vào ngày 19/7/2009. Đây là cây cầu dây văng nằm ở phía Tây sông Hàn, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng. Theo đánh giá của các nhiếp ảnh gia, nhờ vị trí đắc địa và thiết kế đẹp, cầu Thuận Phước đẹp sang trọng và lộng lẫy ở mọi góc chụp, ở mọi thời điểm.

Cầu Thuận Phước đẹp ở mọi góc chụp (ảnh: Internet).

Cầu Thuận Phước đẹp ở mọi góc chụp (ảnh: Internet).

Cầu Thuận Phước dài 1,85 km, rộng 18 m, trụ cầu cao 90m với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, là chiếc cầu treo dây văng dài nhất Việt Nam hiện nay, nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa – Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà – Hội An.

Từ đó, một hệ thống giao thông - du lịch hoàn chỉnh được hoàn thiện, mở ra khả năng khai thác tiềm năng du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng mà cho cả các địa phương lân cận như Hội An và Thừa Thiên Huế.

Cầu Rồng Đà Nẵng

Cầu Rồng có kiến trúc độc đáo mô phỏng hình con rồng thời Lý mạnh mẽ vươn ra biển, trở thành điểm nhấn quan trọng, là biểu tượng kiến trúc của thành phố. Nét đặc trưng của cầu dễ phân biệt đó là mô hình hệ thống kết cấu dầm thép dưới dạng một con rồng bay qua sông Hàn, hướng ra biển. Đây được cho là thiết kế độc đáo chưa từng có trên thế giới về kết cấu chịu lực là sự kết hợp giữa dầm thép, vòm thép và dầm bê tông.

Cầu Rồng lung linh, ảo diệu về đêm (ảnh: ST).

Cầu Rồng lung linh, ảo diệu về đêm (ảnh: ST).

Cầu Rồng (ảnh: Thái Quán Chung).

Cầu Rồng (ảnh: Thái Quán Chung).

Điểm nổi bật nữa của cầu Rồng là mọi người có thể chiêm ngưỡng rồng phun lửa, phun nước vào mỗi tối thứ 7, chủ nhật lúc 21h00. Một cảnh tượng rất đẹp mà du khách không nên bỏ qua.

Theo các chuyên gia, cây cầu Rồng không chỉ gợi về truyền thống tự hào là “con Rồng, cháu Tiên” của người Việt mà với việc mô phỏng của hình dáng Rồng còn mang lại niềm tự tin cho người dân. Rồng, phượng vốn là hai linh vật trong tâm niệm của người Á Đông, vậy nên hình ảnh Rồng phun lửa ở cầu Rồng đối diện với hình dáng chim Phượng sải cánh bay lên bên cầu Trần Thị Lý sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin về một Đà Nẵng - trung tâm văn hóa, kinh tế, tài chính của Việt Nam và khu vực sẽ cất cánh.

Cầu Trần Thị Lý

Được khánh thành đưa vào sử dụng tháng 3/2013, cầu Trần Thị Lý có chiều dài 731m, chiều rộng 34,5m, chiều cao 145m được thiết kế theo hình dáng cánh buồm trên sông Hàn đang vươn ra biển lớn.

Cầu có một trụ tháp bằng bê tông cốt thép nghiêng 12 độ và dây văng 3 mặt phẳng trong đó phần dây phía Tây bố trí xoắn không gian như các cánh buồm thể hiện nét độc đáo, hiện đại và khát vọng phát triển vươn lên của thành phố Đà Nẵng.

Cầu Trần Thị Lý (ảnh Thái Quán Chung).

Cầu Trần Thị Lý (ảnh Thái Quán Chung).

Cầu Tiên Sơn

Cầu Tiên Sơn (còn gọi là cầu Tuyên Sơn) bắc qua sông Hàn, nối liền 2 quận Hải Châu và Ngũ Hành Sơn. Cầu nằm trên tuyến Quốc lộ 14B đoạn từ cầu vượt Hòa Cầm đến Cảng Tiên Sa.

Cầu Tiên Sơn là cây cầu vượt sông cuối cùng trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây trước khi Con đường xuyên Á này vươn ra biển Đông qua cảng nước sâu Tiên Sa. Đây cũng được đánh giá là cây cầu vận tải hàng hóa chính qua sông Hàn. Trong số 6 cây cầu bắc qua sông Hàn, cầu Tiên Sơn là cầu duy nhất được đầu tư xây dựng và quản lý bởi Bộ Giao thông - Vận tải. Cầu thuộc gói thầu số 5 của dự án mở rộng cảng Tiên Sa – Đà Nẵng giai đoạn 1 (1999-2004) trên hành lang kinh tế Đông – Tây, đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách.

Vẻ đẹp mộc mạc, vững chãi của cầu Tiên Sơn (ảnh: ST).

Vẻ đẹp mộc mạc, vững chãi của cầu Tiên Sơn (ảnh: ST).

Cầu Tiên Sơn dài hơn 500m với 4 làn xe và lối bộ hành, được khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2004. Thời điểm ấy trên sông Hàn đã có cầu Sông Hàn, Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý (cũ), nhưng cả ba vốn tải trọng hạn chế nên khi đưa vào sử dụng, cầu Tiên Sơn mang ý nghĩa là cây cầu mở đường để Đà Nẵng hội nhập và vươn mình thành thủ phủ của miền Trung.

Cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi – địa chỉ tuyệt vời cho dân “sống ảo”

Nằm cạnh cầu Trần Thị Lý mới xây đẹp và hiện đại là cây cầu Nguyễn Văn Trỗi có tuổi thọ lâu đời nhất, cầu gồm 14 nhịp giàn thép Poni dài hơn 500 m, khổ cầu 10,5 m, không có lề dành cho người đi bộ. Cầu này do hãng RMK (Mỹ) thiết kế và thi công hoàn thành năm 1965. Việc lấy tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đặt cho cầu để tưởng nhớ người thực hiện cuộc đánh bom nhằm mưu sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1964.

Cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi.

Cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi (phải) và cầu Trần Thị Lý.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi (phải) và cầu Trần Thị Lý.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi đã được sửa chữa vào năm 1978 và 1996. Hiện, cây cầu này được giữ lại như một kỷ vật của Đà Nẵng để phục vụ cho phố đi bộ.

Ngày nay, cầu Nguyễn Văn Trỗi trở thành một địa chỉ lý tưởng để giới trẻ và khách du lịch đến check-in “sống ảo” với những khoảnh khắc thư giãn, bình yên tuyệt vời.

Từ nơi đây, bạn có thể thả bộ thư giãn trong không gian thoáng đãng trên cầu có lịch sử vắt qua hai thế kỷ cùng lớp sơn màu vàng cổ điển; hay chớp những góc nghiêng thần thánh với quang cảnh của cây cầu Trần Thị Lý dây văng hình rẻ quạt tuyệt đẹp...

Đọc thêm