Tự hào về lịch sử hình thành và phát triển của Lạng Sơn qua các thời kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhân dịp kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831-4/11/2021), chúng ta cùng trân trọng nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của Lạng Sơn qua các thời kỳ lịch sử để thắp lên niềm tự hào về miền đất địa linh nhân kiệt - "lá chắn thép" nơi biên cương Tổ quốc.
Toàn cảnh thành phố Lạng Sơn thơ mộng hữu tình.
Toàn cảnh thành phố Lạng Sơn thơ mộng hữu tình.

Lạng Sơn là vùng đất cửa ngõ “phên dậu”, địa đầu của Tổ quốc với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã cùng đồng bào cả nước anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà, lập nên nhiều chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử những trang vàng chói lọi.

Khi nước Văn Lang - nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam được thành lập, Lạng Sơn thuộc bộ Lục Hải. Thời Bắc thuộc, Lạng Sơn được xếp vào quận Giao Chỉ, sau đó là Giao Châu. Thời Đinh, nước Đại Cồ Việt ra đời, Lạng Sơn được đặt làm đạo. Thời Lý, Lạng Sơn có tên là lộ Lạng Giang. Đầu thời Trần, Lạng Sơn được gọi là lộ Lạng Châu, sau đổi là trấn Lạng Giang, đến năm 1397, trấn Lạng Giang được đổi thành trấn Lạng Sơn.

Vẻ đẹp xứ Lạng.

Vẻ đẹp xứ Lạng.

Năm 1407, nhà Minh xâm lược nước ta. Đất nước rơi vào ách đô hộ của nhà Minh, Lạng Sơn trở thành một trong 16 phủ của Giao Chỉ. Trong khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh, Lê Lợi chia đất nước thành 4 đạo, trấn Lạng Sơn được xếp vào Bắc đạo.

Năm 1466, Lê Thánh Tông chia nước thành 12 đạo thừa tuyên, trấn Lạng Sơn được đổi thành thừa tuyên Lạng Sơn.

Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), thừa tuyên Lạng Sơn được đổi thành tỉnh Lạng Sơn gồm 1 phủ là Trường Khánh; 7 châu là Ôn Châu, Thất Nguyên, Lộc Bình, Thoát Lãng, Yên Bác, Văn Quan, Văn Uyên. Đến năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), nhà Nguyễn tách 2 châu (Văn Uyên, Thoát Lãng), 2 huyện Văn Quan, Thất Khê (Thất Nguyên cũ) để thành lập thêm một phủ mới là phủ Tràng Định.

Sau khi đánh chiếm đất nước ta, năm 1888, thực dân Pháp xếp tỉnh Lạng Sơn vào quân khu 12. Tháng 8/1891, thực dân Pháp bỏ quân khu để thành lập các đạo quan binh. Lạng Sơn là nơi đóng thủ phủ của đạo quan binh II, gồm 2 phủ (phủ Tràng Khánh và phủ Tràng Định), 2 huyện (Yên Bác, Văn Quan) và 4 châu (Lộc Bình, Ôn Châu, Thoát Lãng, Văn Uyên). Ngày 20/6/1905, thực dân Pháp lại bỏ đạo quan binh và xác lập lại tên gọi cũ là tỉnh Lạng Sơn. Đầu thế kỷ XX, tỉnh Lạng Sơn có 1 phủ (Tràng Định) và 9 châu (Cao Lộc, Lộc Bình, Châu Ôn, Văn Uyên, Thoát Lãng, Điềm He, Bình Gia, Bắc Sơn, Bằng Mạc). Tháng 8/1939, thực dân Pháp cho đổi một số châu thành phủ, tỉnh Lạng Sơn lúc này có 3 phủ: Tràng Định, Văn Uyên, Cao Lộc, các châu còn lại vẫn giữ nguyên như cũ.

Miền đất Lạng Sơn địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa lịch sử.
Miền đất Lạng Sơn địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa lịch sử.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), thời kỳ đầu, tỉnh Lạng Sơn thuộc Khu 1, một trong chín chiến khu được thành lập theo Sắc lệnh ngày 15/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh chia cả nước thành 12 chiến khu, tỉnh Lạng Sơn trực thuộc Khu 12. Năm 1947, các chiến khu được điều chỉnh thành các Liên khu, Lạng Sơn thuộc Liên khu A, năm 1948 đổi tên thành Liên khu 1.

Ngày 04/11/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 127/SL hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10 thành Liên khu Việt Bắc, Lạng Sơn là 1 trong 17 tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, địa giới hành chính tỉnh Lạng Sơn có một số thay đổi, tháng 7/1947, Khu ủy 12 quyết định tạm thời chuyển giao huyện Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn cho tỉnh Hải Ninh quản lý; ngày 07/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 48/SL tách huyện Lộc Bình (tỉnh Hải Ninh) sáp nhập về Lạng Sơn. Lúc này, tỉnh Lạng Sơn có 11 huyện, thị: Bằng Mạc, Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Điềm He, Lộc Bình, Ôn Châu, Thoát Lãng, Văn Uyên, Tràng Định và thị xã Lạng Sơn.

Sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), ngày 01/7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 268/SL thành lập Khu tự trị Việt Bắc gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và huyện Hữu Lũng của tỉnh Bắc Giang. Ngày 29/7/1956, nhân việc thành lập khu tự trị Việt Bắc, theo Quyết định của Chính phủ, Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Giang đã tiến hành bàn giao huyện Hữu Lũng từ tỉnh Bắc Giang về tỉnh Lạng Sơn.

Ngày 16/12/1964, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 177/CP về việc điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái và Thanh Hóa; theo đó, huyện Điềm He cùng 6 xã của huyện Bằng Mạc hợp nhất thành huyện Văn Quan; huyện Ôn Châu cùng 8 xã còn lại của huyện Bằng Mạc hợp nhất thành huyện Chi Lăng; huyện Văn Uyên và huyện Thoát Lãng hợp nhất thành huyện Văn Lãng. Lúc này, tỉnh Lạng Sơn có 1 thị xã và 9 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình, Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định.

Tỉnh Lạng Sơn xác định tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc.

Tỉnh Lạng Sơn xác định tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc.

Ngày 27/12/1975, Khu tự trị Việt Bắc giải thể. Tháng 4/1976, hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn sáp nhập thành tỉnh Cao Lạng theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa V. Ngày 29/12/1978, Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa VI ban hành Nghị quyết tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, sáp nhập huyện Đình Lập của tỉnh Quảng Ninh vào Lạng Sơn. Từ đây, tỉnh Lạng Sơn có 1 thị xã và 10 huyện và phát triển đến ngày nay.

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, trên vùng đất cửa ngõ phên dậu, địa đầu của Tổ quốc có ải Phia Luỹ, ải Chi Lăng hiên ngang kiên cường, các thế hệ những người con của quê hương Xứ Lạng đã không ngừng đứng lên kề vai sát cánh cùng quân và dân cả nước đánh bại những cuộc xâm lăng của các thế lực phương bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, giữ yên bờ cõi.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược thế kỷ XI, hỗ trợ quan quân triều đình nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy, các đội dân binh vùng Văn Uyên, Thoát Lãng do các thủ lĩnh Thân Thừa Quý, Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc chỉ huy đã tiến hành những cuộc chiến đấu anh dũng tiêu diệt quân xâm lược, lập nên những chiến công vang dội ở vùng biên ải.

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII, các đội dân binh Văn Uyên, Thoát Lãng do thủ lĩnh Nguyễn Thế Lộc chỉ huy đã chiến đấu kiên cường, ngăn chặn, tiêu hao binh lực của giặc ngay tại cửa ải Phia Luỹ, góp phần cùng quan quân nhà Trần đánh bại cuộc xâm lăng của giặc Nguyên - Mông.

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh thế kỷ XV, các đội dân binh Văn Uyên, Thoát Lãng sát cánh cùng quân Lam Sơn do hai tướng Lê Lựu và Lê Bôi chỉ huy đã chặn đánh giặc quyết liệt từ ải Phia Luỹ đến Khau Cấp (Kỳ Lừa), tiêu diệt hàng nghìn tên giặc. Trong trận quyết chiến chiến lược tại ải Chi Lăng lịch sử, các đội quân dân binh vùng Chi Lăng do Đại Huề chỉ huy đã cùng với các đội quân Lam Sơn chiến đấu anh dũng, đánh bại hoàn toàn quân xâm lược Minh.

Trong chiến dịch thần tốc của quân Tây Sơn do vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ huy tiêu diệt quân Thanh xâm lược năm 1789, các đội quân vùng Văn Uyên, Thoát Lãng do phiên thần Nguyễn Đình Vượng chỉ huy đã liên tục tiến hành tập kích giặc ở Đoàn Thành, Kỳ Lừa, Hoàng Đồng. Phối hợp với quân Tây Sơn chặn đánh tướng Tôn Sĩ Nghị rút chạy từ Đoàn Thành đến ải Phia Luỹ, góp phần làm nên chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập của quốc gia, dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với ý chí quyết tâm “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã giành được những chiến công hiển hách gắn liền với tên đất, tên làng như: Bắc Sơn, Ba Sơn, Chi Lăng, Lũng Vài, Lũng Phầy... biến con đường số 4 anh hùng thành “con đường chết” đối với quân thù, giải phóng biên giới, giải phóng Lạng Sơn, tạo ra một địa bàn hậu phương quan trọng, góp phần đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc ta đi đến thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), hoà chung với khí thế sục sôi của cả nước, với khẩu hiệu “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, “tất cả cho tuyền tuyến”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã phát huy truyền thống cách mạng, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, đã không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho Miền Nam đánh Mỹ.

Một góc thành phố Lạng Sơn văn minh hiện đại hôm nay.

Một góc thành phố Lạng Sơn văn minh hiện đại hôm nay.

Sau gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 – 2020), Lạng Sơn từ một tỉnh có nền kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đến nay đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm ước đạt 5,45%, trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp tăng 1,24%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,76%; dịch vụ tăng 5,07%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,83%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, ngành nông, lâm nghiệp chiếm 20,83%, công nghiệp - xây dựng 23,55%, dịch vụ 50,87%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,75%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (gấp 1,44 lần so với năm 2015), tương đương 1.937 USD. Văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển tích cực, đời sống tinh thần của các tầng lớp Nhân dân ngày càng nâng cao; tình hình chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Bước vào thời kỳ phát triển mới, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định mục tiêu tổng quát là: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đổi mới, sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, đòi hỏi Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn phải phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác tốt các nguồn lực cho đầu tư và phát triển. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và ngược lại. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

(Đón đọc: Phát huy truyền thống anh hùng, quyết tâm xây dựng Lạng Sơn phát triển toàn diện, bền vững)

Đọc thêm