Hôm nay, Nghị định 46 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 về quản lý lao động nước ngoài có hiệu lực thi hành. Trong Nghị định sửa đổi, đáng chú ý là việc đặc biệt chú ý đến việc bổ sung quy định về người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại Việt Nam.
Ông Lê Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ – TB- XH) cho biết, đây là một bước tiến mới để siết chặt quản lý nhóm lao động ngoại chất lượng thấp, tạo điều kiện cho nguồn nhân công chất lượng cao.
Lao động nước ngoài sẽ bị trục xuất khỏi VN nếu không có giấy phép lao động. Ảnh minh họa. |
Theo đó, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành (1/8), nếu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lao động theo quy định thì Sở LĐ – TB – XH các địa phương sẽ đề nghị cơ quan công an buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật.
Sau khi ban hành Nghị định, Bộ LĐ – TB – XH đã đưa Thông tư hướng dẫn thực hiện lên các phương tiện thông tin để nhận ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Sau khi tiếp thu ý kiến, Thông tư sẽ được điều chỉnh và ban hành ngay sau 1/8.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của chủ sử dụng lao động, yêu cầu các địa phương hướng dẫn cụ thể hơn nữa về việc tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ được quản lý chặt chẽ. Bộ cũng đã phối hợp với chính quyền, Sở LĐ - TB - XH, công an để nắm rõ tình hình và có biện pháp xử lý.
Song song với Nghị định sửa đổi, một số biện pháp đơn giản hoá thủ tục hành chính cũng được thực hiện như: sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động; rút ngắn thời hạn cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động còn 10 ngày, cấp lại giấy phép lao động còn 3 ngày.
Theo báo cáo từ các địa phương, tính đến tháng 5.2011, tổng số người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là hơn 74.000 người.
Hoàng Phan