Những cái chết thực sự vô lý, lãng xẹt và thiếu trân quý cuộc sống của bản thân, thiếu suy nghĩ tới cảm xúc của những người thân ở lại. Ấy thế mà điều đó đang xảy ra ngày một nhiều ở Việt Nam.
1.001 lý do tìm đến cái chết
Năm 2018, truyền thông đã đưa ra một con số giật mình từ thống kê của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Đó là ở Việt Nam, số người chết do tự tử chiếm 33,7%, xếp thứ 2 sau nguyên nhân gây chết người do tai nạn giao thông. Theo Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân tự tử nhập viện để cấp cứu, điều trị.
Người tự tử chủ yếu đều là những người trẻ tuổi, một số ít ở trẻ em và người cao tuổi, đặc biệt nữ giới nhiều hơn nam giới. Cũng theo bác sỹ Nguyên, mỗi năm, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trên dưới 300 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat, chủ yếu là ở nhóm người trẻ tuổi.
Đây được xem là loại “độc dược” được nhiều người bệnh sử dụng để tìm tới cái chết, bởi lẽ thuốc diệt cỏ Paraquat là loại “độc của độc” khi nó mang tỉ lệ tử vong lên tới 70%. Con số ước tính khoảng 1.000 ca trên khắp cả nước. Bên cạnh thuốc diệt cỏ Paraquat, số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tự tử bằng thuốc diệt chuột cũng đang gia tăng nhanh tại Bệnh viện Bạch Mai thời gian gần đây. Thuốc diệt chuột rất nguy hiểm so với các cách thức khác bởi tỷ lệ tử vong cao.
Dấu hiệu nhận biết người muốn tự tử
Một người có ý định tự tử, họ thường có những dấu hiệu cảnh báo về ý định của họ. Cách tốt nhất để ngăn ngừa tự tử là nhận ra những dấu hiệu cảnh báo đó và biết cách làm thế nào khi nhận ra chúng.
Những dấu hiệu cụ thể là: Nói về tự tử; Tìm phương tiện để tự sát; Tự ghét bản thân, tự hận thù; Mối bận tâm lớn nhất là cái chết; Nói lời tạm biệt; Không có hi vọng cho tương lai; Thu xếp mọi thứ.
Tháng 9/2018, hội thảo cập nhật kiến thức về trầm cảm trong chăm sóc ban đầu do Hội Bác sĩ gia đình TP HCM tổ chức cho thấy, riêng tại Việt Nam, mỗi năm số người tự tử do trầm cảm từ 36.000 - 40.000 người. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 350 triệu người (nhiều lứa tuổi) đang mắc bệnh trầm cảm.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, mỗi năm có gần 43.000 người Mỹ tự tử do trầm cảm. Tổ chức Y tế Thế giới lưu ý đến ba nhóm người thường tự tử do trầm cảm là nhóm vị thành niên và thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (đặc biệt là sau khi sinh con) và người cao tuổi (trên 60 tuổi). Điều này gây ra nỗi đau lớn cho hàng chục nghìn người thân của bệnh nhân.
Nhiều người vẫn không thể quên vụ việc học sinh lớp 10 ở Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP HCM) nhảy lầu tự tử ngay tại trường học đã khiến dư luận dậy sóng. Theo đó, điểm trung bình của học sinh này là 8,9, còn một chút nữa là đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.
Học sinh này đã thất vọng về mình, hay nói đúng hơn là sợ bố mẹ thất vọng về mình đến mức phải chọn cái chết. Theo thống kê, mỗi năm không ít thanh niên Việt Nam tự tử vì áp lực học hành, áp lực điểm số và căn bệnh thành tích đang đè nặng lên nhiều học sinh và phụ huynh, thậm chí cả thầy cô giáo.
Bà Ellyson Stout, chuyên gia sức khoẻ cộng đồng với hơn 20 năm kinh nghiệm, hiện là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Ngăn chặn Tự sát - Trung tâm về các vấn đề tự sát duy nhất được Chính phủ Mỹ bảo trợ, cho biết, bà rất ngạc nhiên vì tình trạng tự tử ở Việt Nam lại đáng báo động như vậy.
Đâu là nguyên nhân?
Phân tích về nguyên nhân khiến các bệnh nhân của mình “chủ động đi tìm cái chết”, Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên nhận định, căn nguyên phổ biến nhất dẫn tới tự tử là do stress, trầm cảm… Đa số đều có dấu hiệu căng thẳng, xung đột tâm lý, dẫn tới buồn chán, bỏ ăn, bỏ ngủ, dính tới nợ nần và có thể là cả người có tiền sử bệnh tâm thần. Chung một căn nguyên nhưng cách chọn đến cái chết của mỗi cá nhân lại khác nhau do yếu tố khu vực, địa lý.
Con số về tình trạng tự tử tại Việt Nam |
“Đối với mỗi khu vực có thể có những trường hợp tự tử qua ngộ độc giống và khác nhau. Người sống trong khu vực thành phố thường sử dụng thuốc tân dược như thuốc ngủ, xa hơn một chút là khu nông thôn thì thường sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc diệt chuột, thuốc diệt cỏ… Còn ở các khu vực miền núi nơi hạn chế khả năng sử dụng thuốc tân dược và hóa chất thì sử dụng các loại lá cây rừng để tự tử như lá ngón” - qua theo dõi các bệnh nhân tự tử được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Ths.BS Nguyên phân tích.
Bàn về vấn đề thanh niên Việt Nam tự tử vì áp lực học hành, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy cho rằng, thông qua việc các em thường tìm đến cái chết sau khi gặp một khó khăn nhỏ, thất vọng nhỏ trong cuộc sống cho thấy nhiều thanh, thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi thanh xuân nhất lại đang quá cô đơn trên hành trình trưởng thành của mình.
“Luôn có những cách để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống, nhưng căn cơ nhất là phải giải tỏa được “hòn đá tảng” mang tên áp lực thành tích đang đè nặng khiến trẻ em quên cả niềm vui được chơi, bố mẹ quên việc làm điểm tựa tâm lý cho con, còn nhà trường quên sự sẻ chia, xoa dịu áp lực cho học trò.
Việc chạy theo điểm số sẽ có thể tạo ra những con robot có bảng điểm đẹp nhưng dễ sa sút khi vấp phải thất bại trong cuộc sống. Do đó, bên cạnh những nỗ lực thay đổi tư tưởng từ gia đình, nhà trường và từ chính học sinh, hơn lúc nào hết rất cần sân chơi để giải tỏa tâm lý cho những người trẻ”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy đưa ra lời khuyên.
Trầm cảm là căn bệnh nguy hiểm khiến không ít người “chủ động đi tìm thần chết”, thế nhưng theo các bác sĩ của Hội Bác sĩ gia đình TP HCM thì nhiều người không điều trị bệnh này vì không biết mình mắc bệnh hoặc cảm thấy xấu hổ. Bác sĩ khuyên, nếu nghi ngờ mình bị trầm cảm, cần đến bệnh viện để khám ngay.
Để điều trị bệnh này, không chỉ có thuốc, mà còn cần gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhà trị liệu hoặc tư vấn, họ sẽ giúp người bệnh tầm soát bệnh trầm cảm và hỗ trợ bệnh nhân giải quyết những căng thẳng. Thậm chí sau khi đã được chữa trị để trở lại với cuộc sống, bên cạnh đa phần bệnh nhân đều không có ý định tự tử nữa, vẫn có một số ít trường hợp vẫn còn cái gốc chưa chữa trị được mới có ý định tự tử.
Vì thế, gia đình, người thân cần phải cực kỳ sát sao với những dấu hiệu đáng lo ngại như: Ngủ muộn hơn thông thường, dậy muộn nhưng chốt cửa bên trong, nôn mửa không rõ nguyên nhân, kiểm tra các loại thuốc, hóa chất xung quanh, mua các loại thuốc độc mà gia đình không thường sử dụng, viết thư tay để lại…
Có thể nói, sở dĩ ở Việt Nam tự tử đã trở thành “cách ứng xử thông thường” của nhiều người mỗi khi gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề sức khỏe tâm thần ít được quan tâm. Trước nay vẫn có suy nghĩ sai lầm rằng chỉ có người bị tâm thần, thần kinh mới phải đi chữa.
Quan niệm này hết sức sai lầm bởi cuộc sống hiện đại rất nhiều áp lực dễ khiến con người ta rơi vào bế tắc, quẫn trí. Do đó, lời khuyên của các bác sĩ rằng, mỗi cá nhân cần có ý thức quan tâm đến việc điều trị tâm lý, cần phải kiểm tra, đánh giá sức khỏe tâm thần ngay khi cảm thấy gặp nhiều áp lực trong cuộc sống và thăm khám điều trị về thể chất khi cơ thể có dấu hiệu của bệnh tật.
Nghiên cứu “Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam” do UNICEF, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Viện Nghiên cứu và Phát triển Hải ngoại thực hiện đã chỉ ra những yếu kém và thiếu hụt nhiều mặt trong công tác chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại Việt Nam.
Nghiên cứu chỉ ra Việt Nam đang rất thiếu đội ngũ y, bác sĩ có trình độ và phù hợp về giới để điều trị cho người bệnh, đặc biệt thiếu nguồn nhân lực có thể giải quyết các vấn đề tâm thần ở trẻ em và người chưa vị thành niên.