Tư pháp Hà Nội: Gồng mình gánh việc!

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, ngay từ đầu năm 2012, công tác Tư pháp của thành phố đã được toàn ngành chủ động triển khai sớm, có hiệu quả, bước đầu thu được những kết quả tích cực, tạo đà thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ công tác năm...

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, ngay từ đầu năm 2012, công tác Tư pháp của thành phố đã được toàn ngành chủ động triển khai sớm, có hiệu quả, bước đầu thu được những kết quả tích cực, tạo đà thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ công tác năm...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác Tư pháp Thủ đô 6 tháng đầu năm 2012 còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc.

Ngoài những khó khăn liên quan đến nghiệp vụ công tác thì “ít người, nhiều việc” là phản ánh của hầu hết các quận, huyện tại hội nghị giao ban công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2012 do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức dưới sự chủ trì của Giám đốc Phan Hồng Sơn.

Chẳng hạn, tại quận Long Biên, Trưởng phòng Tư pháp quận Lưu Thị Hà khẳng định, chất lượng cán bộ Tư pháp không yếu, 100% cán bộ Tư pháp của quận có trình độ cử nhân Luật và đang dần được chuẩn hóa theo tiêu chí của Bộ đề ra; hay như tại huyện Từ Liêm, theo Trưởng Phòng Tư pháp huyện Nguyễn Thị Thanh Xuân, hiện 7 chỉ tiêu biên chế Tư pháp huyện đều có trình độ cử nhân Luật.

Tuy nhiên, các vị Trưởng phòng đều cho rằng người ít nên “bơi” mãi cũng không hết việc. “Không ít trường hợp khi được giao việc Tư pháp đành phải từ chối thẳng vì không có nhân sự để hoàn thành” – bà Xuân chia sẻ.

Đây là một thực tế bởi ngoài 12 đầu việc thuộc các lĩnh vực lập pháp, lập quy, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quản lý đời sống dân cư tại địa bàn trên cơ sở các quy định pháp luật, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các hoạt động thuộc lĩnh vực hộ tịch, chứng thực theo thẩm quyền được phân cấp với nhiều quy trình, thủ tục hành chính (TTHC) phức tạp, ngành Tư pháp mới được giao thêm một số nhiệm vụ như theo dõi tình hình thi hành pháp luật, lý lịch tư pháp… nên khối lượng công việc mà cán bộ Tư pháp phải gánh vác đã quá tải so với năng lực thực tế.

Đặc biệt, tình hình này càng trở nên căng thẳng với các quận, huyện hiện có số lượng cán bộ Tư pháp dưới 5 người. Điển hình là Phòng Tư pháp huyện Quốc Oai, hiện chỉ có 3 biên chế, chưa có phó phòng. Phòng đã nhiều lần để xuất bổ sung nhân sự nhưng chờ mãi vẫn chưa giải quyết được nên đành “sức đến đâu, làm đến đó”. 

Trong điều kiện biên chế không tăng, khối lượng công việc được phân cấp lại tăng theo cấp số cộng; nhu cầu và đòi hỏi giải quyết công việc của người dân tăng theo cấp số nhân thì khoảng cách giữa yêu cầu công việc cần được giải quyết với năng lực thực tế của công chức Tư pháp cấp xã ngày càng lớn.

Vì vậy, việc tăng thêm chỉ tiêu biên chế cho ngành Tư pháp là nguyện vọng và đề xuất của các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Trưởng phòng Tư pháp quận Tây Hồ Quân Ngọc Anh thậm chí còn nhấn mạnh: “Ngành Tư pháp cần mạnh dạn và quyết liệt đề xuất với lãnh đạo cấp trên và các ngành có liên quan để có thêm biên chế cho ngành Tư pháp nhằm đáp ứng được khối lượng công việc ngày càng nhiều như hiện nay”.

Chia sẻ khó khăn về nhân sự với các quận, huyện, theo Giám đốc Sở Tư pháp Phan Hồng Sơn, trước mắt đối với quận, huyện có số lượng cán bộ Tư pháp ít (dưới 5 người), sẽ ưu tiên có các buổi làm việc giữa lãnh đạo Sở với lãnh đạo quận, huyện đó để kiến nghị về việc bổ sung nhân sự cho Tư pháp. Còn về lâu dài, Sở sẽ triển khai khảo sát cụ thể về nhu cầu nhân sự của các Phòng Tư pháp quận, huyện để xây dựng đề xuất bổ sung biên chế.

Thục Quyên

Đọc thêm